Ngẫm về lời dạy: chiếc áo không làm nên thầy tu
Sau lùm xùm của tỉnh ủy Quảng Bình với dự kiến chi 2,2 tỉ đồng để mua cặp da phục vụ Đại hội Đảng, dư luận xã hội lại được một đà xôn xao trước việc Văn phòng Tỉnh uỷ Tuyên Quang dự kiến chi hơn 2,5 tỉ đồng để may quần áo cho đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII. Vẫn biết 5 năm mới diễn ra một kỳ Đại hội, vậy nhưng nếu cứ lợi dụng Đại hội để “ăn mòn” ngân sách thì là điều không thể thực hiện.
Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tiến hành và chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 diễn ra vào đầu năm sau. Tuy nhiên, qua công tác chuẩn bị Đại hội Đảng của một số đơn vị, địa phương, mọi người không khỏi băn khoăn: liệu Đại hội Đảng có phải là dịp để người ta “ăn mòn” ngân sách?
Chiếc áo không làm nên thầy tu
Theo thông báo của Văn phòng tỉnh ủy Tuyên Quang đang được một số trang mạng chia sẻ rầm rộ, Văn phòng tỉnh ủy Tuyên Quang mời thầu 2 gói thầu may 428 bộ trang phục với tổng dự toán 2 gói thầu là hơn 2,5 tỉ đồng. Cụ thể, Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Tuyên Quang mời thầu rộng rãi trong nước 2 gói thầu: “May trang phục đại biểu các huyện dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, Nhiệm kỳ 2020 – 2025” (gọi tắt là gói thầu số 1) và gói thầu “May trang phục đại biểu Thành phố và các Đảng ủy Trực thuộc Tỉnh ủy dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, Nhiệm kỳ 2020 – 2025” (gọi tắt là gói thầu số 2).
Thực tế, không chỉ Tuyên Quang mà nhiều địa phương khác cũng đang chi số tiền không hề nhỏ cho việc tổ chức Đại hội Đảng. Đặc biệt, những khoản phí như mua quà, mua cặp da, mua bút, mua các vật phẩm tặng đại biểu … phục vụ Đại hội khiến mọi người không khỏi băn khoăn.
Quay lại những kỳ Đại hội đầu tiên của Đảng, khi mà những quyết sách hàng đầu quyết định vận mệnh dân tộc được đưa ra, tất cả các đại biểu tham dự đều bình dị, dân giã. Không có quà tặng, chẳng có cờ hoa tưng bừng nhưng Đại hội vẫn thành công rực rỡ. Vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng, vậy nhưng nếu nhìn vào việc tổ chức Đại hội của một số địa phương hiện nay thì rõ ràng, mọi người đều có quyền hoài nghi về một sự lãng phí đang diễn ra.
Trong bối cảnh cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương đang lẹt đẹt, khi mà cái ăn, cái mặc của không ít đồng bào còn chưa đủ đầy thì việc tổ chức Đại hội Đảng linh đình với những khoản chi quà tặng thực sự không cần thiết.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang nỗ lực đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Hàng loạt chỉ thị, nghị quyết, đề án về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đưa ra. Vây nhưng có lẽ nhận thức về vấn đề này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hay chăng, người ta vẫn biết là lãng phí nhưng cố tình lờ đi như không biết?
Rõ ràng, chiếc áo không làm nên thầy tu. Đại hội Đảng thành công hay không thành công không phải vì cái áo, chiếc quần, cái cặp da, cái bút hay bất cứ đồ vật nào bên ngoài. Đại hội thành công là khi có tập hợp, quy tụ được trí tuệ, năng lực của tất cả mọi người (xin nhấn mạnh là tất cả mọi người chứ không chỉ của các đại biểu tham dự Đại hội). Việc lùm xùm liên quan đến chuyện mua tặng phẩm, may quần áo cho Đại biểu tham dự Đại hội rõ ràng đã khiến người dân hoài nghi, làm rõ dư luận gợn sóng. Điều này đồng nghĩa với việc Đại hội chưa diễn ra nhưng những “sóng ngầm” trong lòng người dân đã nổi lên. Và như vậy nghĩa là Đại hội không thể nói là thành công chọn vẹn.
Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu
Tin chắc không phải Đại biểu nào cũng “ham hố” bộ vest hay chiếc cặp da mà Ban tổ chức Đại hội trang bị, “tặng” cho mình. Vì vậy, việc một số cư dân mạng “ném đá” đối với đại biểu tham dự Đại hội là điều không nên. Và đặc biệt, việc lợi dụng vấn đề này để tấn công Đại hội, chống phá Đảng, Nhà nước càng là một điều đáng lên án.
Tuy nhiên, khi dư luận có những “gợn sóng” thì thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng phải tự kiểm tra lại.
Hiện nay đang tồn tại một thủ đoạn “ăn mòn” ngân sách vô cùng nguy hiểm là việc cố tình “vẽ” ra những “miếng bánh” để có thể chi ngân sách. Câu chuyện “vận động hành lang”, “tặng hoa hồng” để nhận được dự án không phải là điều hiếm gặp. Lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách, người ta sử dụng quyền lực một cách “đúng quy trình” để có thể hưởng lợi cá nhân.
Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có thể là để “đẹp mặt”, “mở mày mở mặt”, “bằng bạn bằng bè” hoặc cũng có thể vì những lợi ích cá nhân mà ngân sách đã được chi có những khoản không thực sự cần thiết. Câu chuyện về trưởng giả học làm sang hay câu châm biếm: “Cậu cai nón dấu lông gà – Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai – Ba năm được một chuyến sai – Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê” có lẽ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả