Ngẫm về giáo dục khai phóng
“Điều nhiều người quan tâm và suy ngẫm nhất hiện nay là sự học và tính trung thực của việc học. Hiện trên các diễn đàn, nhiều giáo viên nói rằng đã thay đổi từ cách dạy ép người ta học đến cách dạy cởi mở, tương tác với học sinh chứ không phải đổ vào cho đầy mà học, để đốt lên ánh lửa để thấy ánh sáng, tức học khai phóng” – Một phát biểu rất đáng bàn của Bí thư Nguyễn Văn Nên.
Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ. Nói như vậy để thấy, mỗi ngành nghề đều có sứ mệnh và tầm ảnh hưởng nhất định của nó trong cuộc sống. Nhưng rõ ràng để hiểu được sứ mệnh ở mỗi vị trí khác nhau thì nền tảng giáo dục vẫn là quan trọng nhất.
Giáo dục là xương sống của một đất nước. Cứ nhìn sang Nhật Bản đứng dậy sau những năm tháng kiệt quệ từ thiên tai hay Israel khiến cả thế giới ngưỡng mộ vềnhững mô hình xanh trên sa mạc thì sẽ thấy tầm quan trọng của giáo dục lớn đến nhường nào.
Việt Nam là một nước đang phát triển, vực dậy sau chiến tranh, đã có những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận nền giáo dục của nước nhà vẫn còn có những hạn chế nhất định. Một trong những điều đó có lẽ phải kể đến là bệnh thành tích.
Một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài. Nhưng bệnh thành tích trong giáo dục khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân. Trước thực trạng đó thì cái khó nhất của ngành giáo dục là ranh giới giữa thành tích và bệnh thành tích lại vô cùng mong manh.
Một giải pháp đã được người đứng đầu TP.HCM đề cập vừa qua đó chính là giáo dục khai phóng nhằm tạo ra con người tự do, không bị giới hạn bởi bất cứ một khái niệm, lĩnh vực nào. Để từ đó, khơi gợi được thế mạnh nội tại của từng cá nhân.
Giáo dục khai phóng nhằm giải phóng tinh thần khỏi sự bó buộc vào thói quen và lề lối, tạo ra những con người có thể hành động với sự nhạy cảm và cảnh giác như những công dân thế giới. Giáo dục khai phóng không phải là nơi dạy nghề mà là dạy tư duy và các năng lực để mỗi cá nhân có thể phát triển một cách hoàn hảo, từ khả năng độc lập, sáng tạo đến những cảm thức đặc thù làm nên nhân tính như thẩm mỹ, đạo đức.
Có nhiều người thắc mắc rằng, tại sao nhiều vị lãnh đạo ở các nước tiên tiến dù không hề được đào tạo chuyên môn hẹp nhưng vẫn thành công ở cương vị mới của mình. Ngoài vấn đề thể chế/cơ chế ra, một yếu tố chi phối trực tiếp chính là sự thụ hưởng giáo dục khai phóng của họ. Cơ bản của một nền giáo dục khai phóng là không dạy cái đặc thù của bất cứ nghề nghiệp nào’ mà là đặt nền móng chung cho tất cả mọi nghề nghiệp. Một tầm nhìn về việc “xây người” rất đáng lưu tâm trong thời buổi hiện tại.
Công Luân