+
Aa
-
like
comment

Ngấm ngầm bác bỏ chủ quyền biển đảo Việt Nam, Go Viet sẽ bị xử lý ra sao?

Đặng Trường - 25/11/2019 11:12

Không phủ nhận Go Viet đang làm được nhiều điều trong mảng cung cấp dịch vụ vận chuyển tại Việt Nam, chiếm được ít nhiều lòng tin và sự yêu mến của khách hàng trong nước. Tuy nhiên, gần đây, người dùng bất ngờ phản ánh họ không thể nhắn cụm từ “Hoàng Sa” và “Trường Sa” trên ứng dụng, trong khi trước đây, việc nhập địa chỉ hai tên đường này vẫn diễn ra bình thường.

govietaodai
Go Viet luôn khẳng định mình là “doanh nghiệp Việt Nam”. Trong ngày ra mắt, Go Viet đã cho người mẫu mặc áo dài để quảng bá thương hiệu.

Theo thông tin được biết thì một tài khoản của quản trị viên diễn đàn xe ôm công nghệ Techbike đăng tải thông tin ứng dụng Go-Viet tự động ẩn từ “Hoàng Sa” và “Trường Sa”. Cụ thể, người này đã đặt thử hai chuyến xe đến đường “Hoàng Sa” và “Trường Sa” để kiểm chứng nhưng không thể nhắn hai cụm từ nói trên. Đáng nói là, trong phần trò chuyện với tài xế, người này nhắn “Trường Sa lận” thì ứng dụng chuyển đoạn tin nhắn thành “*********”.

goviet
Phần chat với tài xế, từ khóa “Trường Sa” trở thành “********”.

Ngay sau đó, đại diện của GoViet đã trả lời báo chí một cách hết sức ngây ngô đến mức vô trách nhiệm: “Sự cố tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không hiển thị trên ứng dụng là lỗi xảy ra trong quá trình cập nhật ứng dụng. Đây chỉ là lỗi nhỏ của ứng dụng và hiện đã được sửa chữa”. Có lẽ, lời phân bua của Go Viet chỉ có thể đánh lừa hiểu biết của một đứa trẻ con thôi chứ khó qua mặt được người lớn hay những người am hiểu lập trình. Thứ nhất, máy tính không thể tự sai nếu như không có bàn tay, ý chí hoặc suy nghĩ của con người tác động. Thứ hai, giả sử do lỗi của ứng dụng thật thì tại sao chỉ xảy ra với hai từ khóa “Hoàng Sa”, “Trường Sa”. Chưa kể, bài thử nghiệm của quản trị viên diễn đàn Techbike, ngoài từ khóa Hoàng Sa, Trường Sa viết đúng chính tả thì các từ tương tự khác như: Hoang Sa, Truong Sa,… đều không thể hiển thị trên trong phần chat của ứng dụng Go-Viet. Thứ ba, một vụ việc có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà phía Go Viet gọi đó là “sự cố”, là “lỗi nhỏ” là điều không thể chấp nhận được.

bandogoviet
Bản đồ của Go-Viet trên hệ điều hành Android thiếu tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sáng ngày 22/11

Từ bao giờ, những hành động coi thường chủ quyền biển đảo Việt Nam, tác động đến nhận thức và tâm lý của người dân về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà một số kẻ có thể mở miệng phát ngôn là “lỗi nhỏ”, “chỉ xảy ra trên diện nhỏ với một số cài đặt nhất định trong khoảng thời gian ngắn và không ảnh hưởng đến việc định vị hay đặt chuyến của khách hàng” hay “chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá”? Có lẽ, chính vì sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng của một số doanh nghiệp và cá nhân nên thời gian qua mới liên tục xuất hiện những “SỰ CỐ”, nào là Volkswagen VN trưng bày mẫu xe mới có bản đồ định vị “đường lưỡi bò”; Lazada, Sendo bán quả địa cầu chứa “đường lưỡi bò”; ấn phẩm du lịch có vẽ bản đồ “đường lưỡi bò”,…

Trước thực trạng nói trên, hơn bao giờ hết, cơ quan chức năng cần phải có thái độ và hành động quyết liệt, xử lý mạnh tay những hành vi làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia. Không thể nhân nhượng để các doanh nghiệp, cá nhân tự cho là “lỗi nhỏ” rồi lấp liếm cho qua chuyện được. Hôm nay, chúng ta bỏ qua một lần, ai đảm bảo tương lai sẽ không còn doanh nghiệp, cá nhân nào ngấm ngầm đưa “đường lưỡi bò” phi pháp vào các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam. Ai đảm bảo sẽ không có người lợi dụng lòng tin, thiếu cảnh giác của một bộ phận người dân nước ta để tuyên truyền luận điệu chủ quyền sai trái của Trung Quốc. Đó là chưa nói đến nguy cơ một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam bắt tay với doanh nghiệp, chính quyền Trung Quốc để “thôn tính” nhận thức của người Việt. Cảnh giác thôi chưa đủ, nhất định phải có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp chặt chẽ hơn, phát hiện sai phạm là xử lý nghiêm khắc, thậm chí là tẩy chay cả doanh nghiệp, cá nhân đó để cho Trung Quốc và các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm và tất cả người dân thấy rõ lập trường bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chúng ta có thể mất một phi vụ làm ăn chứ nhất quyết không “nuôi ong tay áo” hay bán rẻ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Từ trước đến nay, kể cả Go Viet và Go-Jek (gã khổng lồ đến từ Indonesia đứng sau hỗ trợ công nghệ và tài chính cho Go Viet) đều một mực khẳng định “Go Viet là doanh nghiệp Việt Nam”, thế nhưng với việc triển khai ứng dụng có bản đồ thiếu đi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngay cả tên địa chỉ cũng không thể nhập được hai từ khóa đó thì liệu Go Viet có phải là doanh nghiệp Việt Nam hay không? Sau lỗi sai nghiêm trọng này thì có hình thức nào xử lý hay không, có lẽ người dân vẫn đang chờ đợi quyết định của cơ quan chức năng.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều