+
Aa
-
like
comment

Ngẫm điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong Di chúc Bác Hồ

02/09/2019 18:03

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đoàn kết không chỉ là cội nguồn của mọi thành công mà còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền.

ngam dieu tong bi thu, chu tich nuoc nhan manh trong di chuc bac ho hinh anh 1
Một trong những tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết (ảnh tư liệu).

Đoàn kết góp phần ngăn nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền

Trong bài diễn văn tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều điểm trong Di chúc. Nhưng có lẽ điều đáng suy ngẫm nhất hiện nay là vấn đề đoàn kết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. “Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công mà nhờ đó, “từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”

ngam dieu tong bi thu, chu tich nuoc nhan manh trong di chuc bac ho hinh anh 2
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới.

Đoàn kết còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình;” thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình có lý, có tình, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

Bác dặn nhiều điều nhưng quan trọng nhất là đoàn kết

Trao đổi với PV Dân Việt, GS –TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia) cho biết, Di chúc của Hồ Chủ tịch cho đến nay được tròn nửa thế kỷ, bản Di chúc là sự tiếp nối không có gì thay đổi của một tư tưởng nhất quán, đó là “Dân tộc- Tổ quốc – Nhân dân”.

Khi nói tới Đảng, Bác dặn nhiều chuyện quan trọng nhưng quan trọng nhất là “đoàn kết”. “Tại sao vậy, vì đất nước Việt Nam đã từng trải qua những thăng trầm lịch sử, oai hùng cũng lên tới tột đỉnh, đau thương cũng đến khôn cùng. Dân tộc ta thường xuyên phải đối phó với những hiểm họa, thử thách hiểm nghèo. Sức mạnh vô địch (sức mạnh ghê gớm), sức mạnh vô biên (không giới hạn) để vượt qua những thử thách đó chính là sự đoàn kết. Đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo, đoàn kết giữa lãnh đạo với nhân dân, đoàn kết giữa nhân dân với nhau”, GS Vũ Minh Giang nói.

Vẫn theo GS Giang, đoàn kết là truyền thống cực kỳ tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mỗi khi có khó khăn, thử thách tất cả mọi người cùng nhau siết lại tạo thành khối thống nhất. Nhớ lại thời nhà Trần, dân tộc ta 3 lần thắng đội quân Mông Nguyên hung hãn nhất thế giới. Đây là đội quân đi tới đâu thắng đó, nhưng đến xâm lược nước ta đã bại trận. Sau này Vua Trần hỏi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kế giữ nước lâu dài, Hưng Đạo Vương trả lời: Thắng được giặc dữ là nhờ trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức, cho nên thượng sách để giữ nước là khoan thư sức dân tạo ra khối đại đoàn kết.

Trong lịch sử có rất nhiều bài học khác chứng minh sự thành công từ đoàn kết. Chính vì thế Bác Hồ tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, nói ngắn gọn để có thành công phải có đoàn kết.

Lương Kết/Dân Việt

Bài mới
Đọc nhiều