Nga và thế giới được gì, mất sau sau 1 tháng nổ ra “cuộc chiến” Nga – Ukraine
Trang NewYork Times cho biết, đã 1 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, cả 2 nước này thiệt hại là điều hiển nhiên, nhưng cơn mưa trừng phạt và trả đũa cũng đang khiến không chỉ Mỹ, châu Âu thêm bất ổn về chính trị, kinh tế. Cú sốc dầu khí Nga đang tạo khủng hoảng trên diện rộng, trong đó kéo các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vào vòng xoáy bế tắc, thậm chí đẩy họ tới bờ vực phá sản.
Theo đó, thị trường dầu khí toàn cầu vẫn đối mặt với những biến động đáng kể cả về nguồn cung, cũng như giá cả và hiện có rất ít tín hiệu cho thấy những biến động này sẽ sớm ổn định trở lại.
Khó riêng của Nga – khó chung của toàn thế giới
Giá dầu thô Brent ở châu Âu đã vượt ngưỡng 120 USD/thùng vào ngày 23/3 do các công ty lo ngại thiếu nguồn cung, giữa bối cảnh các hãng lọc dầu lớn đều đã ngừng nhập dầu thô của Nga.
Ngày 22/3, hãng dầu khí khổng lồ Pháp TotalEnergies tuyên bố lộ trình cắt hẳn việc mua các sản phẩm dầu của Nga từ nay đến cuối năm. Cùng ngày, Nga tuyên bố những hư hại do bão ở cảng xuất dầu thô trên Biển Đen có thể phải mất đến hai tháng sửa chữa sẽ làm gián đoạn việc lưu chuyển khoảng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày qua hệ thống đường ống dẫn dầu rất quan trọng của cả thế giới là Caspian Pipeline Consortium.
Giá dầu đã tăng cao ngay trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) dự kiến sẽ diễn ra ngày 31/3 nhằm thảo luận về chính sách sản xuất dầu mỏ cho tháng 5/2022. Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu OPEC, đã phát tín hiệu sẵn sàng đương đầu quyết liệt với tình hình giá dầu tăng cao. OPEC+ hiện dự tính sẽ tăng sản lượng lên thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng Năm.
Dù Nga vẫn có thể tìm được một số khách hàng mua dầu thô nhưng sản lượng dầu của nước này có thể sẽ giảm 2-3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng Tư tới so với mức sản lượng khi chưa xảy ra những căng thẳng ở Ukraine. Tình hình sẽ khiến giá dầu vẫn duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Dầu của Nga giờ khó có thể tìm được khách mua ở các nước châu Âu.
Canada, Anh và Mỹ đều đã cấm nhập dầu Nga. Liên minh châu Âu chưa tiến hành biện pháp gì tới mức triệt để như vậy, nhưng một số công ty năng lượng có các nhà máy lọc dầu tại châu Âu đã tuyên bố sẽ không ký tiếp hợp đồng mua mới, bởi họ lo ngại những rủi ro về tài chính và danh tiếng.
Trong những tháng sắp tới, các hợp đồng mua bán dầu dài hạn của Nga với các hãng lọc dầu lớn sẽ chấm dứt. Dù một số hãng không thuộc phương Tây có thể sẽ vẫn mua các sản phẩm dầu của Nga, nhưng họ sẽ chỉ mua với giá rẻ khoảng 30 USD/thùng và điều này sẽ khiến Nga khá vất vả tìm kiếm khách hàng.
Hơn nữa, dù các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga không ảnh hưởng trực tiếp tới việc mua bán dầu, điều này vẫn khiến quá trình giao dịch phức tạp hơn, bởi các bên phải tìm được công ty bảo hiểm và ký được với các công ty vận chuyển chở dầu.
Trong Báo cáo Thị trường dầu khí hàng tháng, công bố ngày 16/3, của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA), cơ quan này dự báo sản lượng sản xuất dầu khí của Nga sẽ giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày vào tháng Tư, tức là chỉ còn sản xuất khoảng 8,6 triệu thùng/ngày.
Hãng Morgan Stanley ngày 16/3 cũng dự báo giá dầu Brent trong quý III/2022 sẽ tăng khoảng 20 USD lên 120 USD/thùng và thậm chí trong kịch bản dự báo giá cao mà hãng đưa ra, giá dầu có thể lên tới ngưỡng 150 USD/thùng trong năm 2022.
Trong khi đó, hai hãng lọc dầu hàng đầu của Nhật là Eneos và Idemitsu Kosan tuyên bố sẽ ngừng mua dầu của Nga. Các hãng lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố gì tương tự và thậm chí một số công ty còn mua nhiều hơn trên thị trường giao ngay.
Liệu có phải chỉ tại giá dầu?
Tại các nước phát triển, giá dầu tăng cao đang làm nổ ra các cuộc biểu tình buộc chính phủ phải cân nhắc giảm thuế cho các công ty dầu khí, cũng như cắt giảm thuế cho người tiêu dùng, ấn định mức giá và áp dụng nhiều biện pháp bình ổn giá khác.
Biểu tình liên quan giá xăng dầu tăng đã xảy ra trong tháng Ba ở Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Anh và nhiều quốc gia khác. Các vụ đình công lái xe tải ở Tây Ban Nha gây gián đoạn hoạt động nghiêm trọng, càng khiến giá thực phẩm leo thang theo và thậm chí vẫn tiếp tục kể cả khi chính quyền Madrid đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 551,35 triệu USD vào ngày 21/3.
Các nước khác cũng đang phải cân nhắc các gói cứu trợ tương tự, chẳng hạn như gói 4,9 tỷ USD của Italy nhằm làm giảm 0,25 Euro cho mỗi lít xăng dầu.
Các nước Nam Âu cũng đang thúc đẩy để ấn định giá điện và giá xăng dầu cố định trên toàn châu Âu, mặc dù các nước Bắc Âu vẫn còn đang nghi ngại về giải pháp này.
Với các nước phát triển, khủng hoảng năng lượng tiếp tục ảnh hưởng xấu đến tiến trình phục hồi kinh tế, nhưng ít nhất hiện tại, họ vẫn chưa phải trải qua tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng, mặc dù các công ty lo ngại tình trạng thiếu dầu diesel có thể xảy ra nếu lượng dầu diesel do Nga xuất khẩu bị đứt gãy.
Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể làm gián đoạn hoạt động của các ngành công nghiệp chủ chốt, các chuỗi cung ứng và cả hệ thống giao thông của châu Âu.
Giá năng lượng tăng cao cộng với giá thực phẩm leo thang và nhiều hạn chế về ngân sách cũng đồng nghĩa là những hệ lụy do cú sốc dầu khí Nga sẽ ảnh hưởng tới các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi nặng nề hơn so với hệ lụy đối với các nước phát triển.
Với nhiều nước đang phát triển và các thị trường mới nổi, giá dầu tăng cao chỉ là một trong nhiều thách thức về tài chính. Trước khi xung đột xảy ra, Nga và Ukraine chiếm tới 30% toàn bộ thị trường lúa mỳ toàn cầu nên tình trạng gián đoạn hiện nay sẽ ảnh hướng tới các nước nhập lúa và bột mỳ trên khắp thế giới.
Hơn nữa, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ vay nợ bằng ngoại tệ nhiều nên bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định tăng lãi suất do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra hôm 16/3. Đồng USD mạnh hơn khi so với các tiền tệ khác sẽ làm tăng chi phí trả nợ và đi vay của các nước đối với những khoản nợ bằng đồng USD.
Các chính phủ sẽ chịu áp lực phải giải quyết vấn đề giá xăng dầu và thực phẩm tăng bằng các chương trình đổi tiền mặt, cắt giảm thuế và kiểm soát giá ở mức cố định. Tuy nhiên, với một số nước, khi làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch tài chính bền vững và buộc một số chính phủ phải tìm kiếm các gói hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như cơ cấu lại nợ trong tương lai.
Những quốc gia có mức rủi ro cao nhất giờ đã và đang phải đối mặt với những thách thức về chính trị và tài chính. Morocco, Pakistan và Sri Lanka là những ví dụ điển hình cho thấy tình hình giá dầu tăng cao do căng thẳng tại Ukraine có thể gây ra khủng hoảng trên diện rộng tới cỡ nào.
Morocco có thể rơi trở lại vào suy thoái ngay trong năm nay bởi nước này đang phải vật lộn với giá xăng dầu tăng vọt và tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua. Hạn hán có thể khiến 3/4 sản lượng nông nghiệp “bay màu”, trong khi nông nghiệp là ngành tạo công ăn việc làm cho 30% dân số nước này. Tình hình đang đặt Morocco vào tình thế rất nguy hiểm, bởi hàng loạt cuộc biểu tình liên quan tới kinh tế sẽ xảy ra nếu hạn hán tiếp tục kéo dài.
Đất nước phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu dầu khí như Pakistan cũng đang phải vật lộn để kiểm soát giá nhiên liệu và giá điện vì áp lực chính trị và xã hội trong nước. Hôm 28/2 vừa qua, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã tuyên bố chính phủ sẽ giữ nguyên giá xăng và giá điện cho tới tháng Sáu này.
IMF hiện đang đặt câu hỏi với chính phủ Pakistan rằng, “bằng cách nào họ có thể thanh toán được khoản chi phí ước tính lên tới 1,5 tỷ USD để duy trì các khoản trợ cấp đó?”. Với Pakistan, nếu chính phủ thay đổi quyết định giữ nguyên giá (nêu trên), thì Thủ tướng Khan có thể mất ghế vì một cuộc bỏ phiếu mất tín nhiệm, chưa kể hàng loạt các cuộc biểu tình sẽ nổ ra. Nhưng điều nguy hiểm hơn là trong tình hình giá xăng dầu toàn cầu tăng cao như hiện nay, nếu kiên quyết giữ giá xăng, giá điện trong nước, thì đất nước có nguy cơ tới bờ vực phá sản và không có nhiên liệu để dùng.
Sri Lanka có lẽ là nước đầu tiên buộc phải nhờ tới IMF ngay khi căng thẳng tại Ukraine vừa xảy ra do khủng hoảng giá năng lượng và giá thực phẩm. Sri Lanka có 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 và 7 tỷ USD nợ phải trả trong năm nay, nhưng ngân khố chỉ có 2 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.
Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Sri Lanka không muốn nhờ cậy tới IMF bởi thỏa thuận cứu trợ luôn phải đi kèm với việc bắt buộc phải có các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Chính vì thế, Sri Lanka lựa chọn đàm phán song phương với chính phủ các nước như Ấn Độ và Trung Quốc để nhờ hỗ trợ tài chính và tất nhiên cũng phải đi kèm các ràng buộc chính trị khác.
Thế nhưng, cuối cùng vào tháng Ba này, chính phủ Sri Lanka vẫn đành phải đàm phán vay nợ với IMF dù hiện cũng chưa rõ họ có đạt được kết quả như mong muốn không.
Bảo Trâm (Theo NewYork Times)