+
Aa
-
like
comment

Nga thay đổi chiến thuật tại Ukraine

03/04/2022 11:16

“Với việc nhanh chóng rút khỏi khu vực Kyiv và Chernihiv, rõ ràng là Nga đang ưu tiên một chiến thuật khác: Lùi về mặt trận phía đông và phía nam”, Mykhaylo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, thông tin trên mạng xã hội vào ngày 2/4.

Nga tan cong Ukraine anh 1

“Chiến dịch” của Nga tại Ukraine đã chuyển sang giai đoạn mới, khi Moscow thông báo giảm hoạt động quân sự, cũng như bắt đầu rút lực lượng khỏi Kyiv và các thành phố khác ở phía bắc. Lực lượng Moscow hiện tại đã tập trung vào việc kiểm soát nhiều vùng ở phía đông Ukraine.

Sự phản công của Ukraine và việc Moscow tái triển khai quân về phía Donbas cho thấy cả hai bên đều tin rằng họ có thể giành chiến thắng. Theo Wall Street Journal, đàm phán giữa Moscow và Kyiv khó có khả năng sớm đạt được thỏa thuận.

Nga rút khỏi Kyiv và Chernihiv

Việc Nga rút khỏi Kyiv cũng cho phép Ukraine bố trí lại các nguồn lực bổ sung cho mặt trận ở Donbas. Các quan chức Ukraine ban đầu nghi ngờ thông báo rằng Moscow sẽ hạn chế các hoạt động quân sự gần Kyiv và Chernihiv, nhưng đoàn xe chở thiết giáp của Nga đã bắt đầu rời những khu vực này từ hôm 31/3.

Bên cạnh đó, quân đội Kyiv cũng đã tái kiểm soát nhiều ngôi làng ở miền Bắc Ukraine.

Nga tan cong Ukraine anh 2
Bản đồ chiến sự ở Ukraine tính đến ngày 30/3. Nga ngày 31/3 thông báo mở hành lang nhân đạo từ Mariupol đến Zaporizhzhia. Đồ họa: BBC.

Sự tập trung của Moscow vào miền Đông Ukraine cũng khiến thành phố Mariupol, vốn đang bị lực lượng Nga bao vây, nằm trong tầm ngắm. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã lên kế hoạch cố gắng di chuyển vào Mariupol để sơ tán người dân trong ngày 2/4.

Ba chiếc xe và 9 nhân viên của Hội Chữ thập đỏ đã trên đường đến thành phố để điều kiện thuận lợi cho hành lang an toàn, sau nỗ lực bất thành vào ngày hôm trước. Trong một tuyên bố vào cuối ngày 1/4, nhóm cho biết họ dự định tháp tùng một đoàn xe chở dân thường rời Mariupol đến một thành phố khác, theo AP.

Ở phía đông bắc Ukraine, các lực lượng Nga đã cố gắng chiến đấu trong nhiều tuần để tiến về phía nam, với việc hai bên tiến hành nhiều cuộc đụng độ tại thành phố Izyum.

Nếu kiểm soát được thành phố này, lực lượng Nga ở phía đông bắc và đông nam có thể liên kết với nhau. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng đó vẫn đang tham gia bao vây thành phố Mariupol và có thể tiếp tục đẩy mạnh lên phía bắc nếu thành phố này thất thủ.

Nga tan cong Ukraine anh 3
Hội Chữ thập đỏ lên kế hoạch sơ tán mới tại thành phố Mariupol. Ảnh: Reuters.

Ukraine đã triển khai một số đơn vị tinh nhuệ nhất của mình ở Donbas, bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk. Trong khi Mariupol, một phần của khu vực Donetsk, bị bao vây, Ukraine vẫn giữ phòng tuyến ở phía bắc, bao gồm hai thành phố quan trọng là Kramatorsk và Slovyansk.

Tại khu vực Luhansk, Nga nhanh chóng chiếm giữ các khu vực nông thôn ở phía đông, nhưng chưa thể kiểm soát khu vực đô thị lớn xung quanh Severodonetsk, nơi đặt trụ sở của chính quyền khu vực Ukraine tại Luhansk.

Bên cạnh đó, quan chức an ninh hàng đầu của Ukraine hôm 1/4 bác bỏ cáo buộc của Nga, khi trước đó Moscow nói rằng trực thăng của Kyiv không kích một kho nhiên liệu trên lãnh thổ nước này.

“Vì một số lý do mà họ nói chúng tôi đã làm điều đó, nhưng theo thông tin tôi nhận được thì điều này không đúng với thực tế”, Reuters dẫn lời Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov chia sẻ, đề cập tới việc Moscow cáo buộc Kyiv tấn công kho dầu ở Belgorod trước đó.

Xung đột có thể kéo dài

Nhiều quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự cho rằng xung đột có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng, hoặc lâu hơn, ngay cả khi Kyiv và Moscow tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong khi các nhà đàm phán đã đạt được một số tiến triển về việc Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO để đổi lấy đảm bảo an ninh, Kyiv và Moscow vẫn còn nhiều bất đồng về tình trạng của Donbas và Crimea, cũng như một số vấn đề khác.

Về vấn đề này, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã trao đổi các dự thảo về đảm bảo an ninh cho nước này tới nhiều quốc gia trong và ngoài NATO.

“Chúng tôi cần sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia hàng đầu”, ông Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Những nước mà Ukraine gửi đề nghị bao gồm cả thành viên NATO và không thuộc NATO, theo TASS.

“Chúng tôi mong các nước tham gia vào thỏa thuận an ninh này một cách công khai, bên cạnh Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ”, ông cho biết.

Theo ông Zelensky, đến nay, các quốc gia đã đề nghị đảm bảo an ninh cho Ukraine đã có Israel và Ireland. Nhà lãnh đạo Ukraine đồng thời thừa nhận Nga cần có vị trí trong thỏa thuận an ninh, “vì đây sẽ là thỏa thuận giữa Ukraine và Nga”.

Nga tan cong Ukraine anh 4
Chuyên gia nhận định rằng xung đột giữa Ukraine và Nga có thể kéo dài do hai bên còn nhiều bất đồng. Ảnh: New York Times.

Theo Kyiv, những nước đảm bảo an ninh cho Ukraine có thể bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (bao gồm cả Nga), cũng như Đức, Israel, Italy, Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự bảo trợ của họ sẽ không bao gồm khu vực Crimea và Donbas.

Để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, quan chức Mỹ hôm 1/4 cho biết chính quyền ông Biden sẽ làm việc cùng đồng minh, hỗ trợ chuyển xe tăng Liên Xô sản xuất cho Kyiv. Đây là lần đầu tiên Mỹ hỗ trợ chuyển xe tăng kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, New York Times đưa tin.

Quan chức này cho biết việc chuyển giao sẽ sớm bắt đầu, nhưng từ chối tiết lộ có bao nhiêu xe tăng sẽ được gửi đi hoặc đến từ quốc gia nào. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng công bố kế hoạch viện trợ an ninh trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.

Bên cạnh đó, TASS ngày 2/4 dẫn thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã liệt vào danh sách đen 120 thực thể của Nga và Belarus hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không, hàng hải.

Với quyết định của Bộ Thương mại, 120 công ty và tập đoàn có trong danh sách đen sẽ không còn được tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Mỹ mà không có giấy phép.

Trong một diễn biến khác, Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos khẳng định việc khôi phục quan hệ bình thường với các đối tác trên ISS chỉ được thực hiện khi phương Tây hoàn toàn dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

“Đó là lý do tôi tin rằng việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và những dự án khác chỉ có thể được thực hiện khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện”, ông Rogozin nói, theo Guardian.

Minh Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều