Nga mở rộng không kích sang các khu vực ở phía tây Ukraine trong ngày giao tranh thứ 18. Căn cứ quân sự Ukraine gần Ba Lan bị tập kích tên lửa, Nga tuyên bố diệt “180 lính đánh thuê ngoại quốc” và nhiều vũ khí nước ngoài.
Giao tranh tiếp tục ở Ukraine trong bối cảnh chiến sự chuẩn bị bước sang tuần thứ 4. Khu vực miền Tây Ukraine, vốn tương đối yên bình từ đầu chiến sự, bắt đầu trở thành mục tiêu các cuộc không kích của Nga.
Nga siết chặt bao vây Kyiv
Quân đội Nga đang tăng cường bao vây các thành phố của Ukraine. Thành phố cảng Odessa đang chuẩn bị đối mặt một cuộc tấn công mới của quân đội Nga. Nếu Odessa thất thủ, Nga sẽ tiến thêm một bước dài kiểm soát hoàn toàn đường bờ biển phía nam của Ukraine.
Trong ngày 13/3, một cánh quân của Nga từ phía đông tiếp tục tiến sát hơn về Kyiv. Thủ đô của Ukraine đứng trước nguy cơ bị bao vây hoàn toàn. Trước đó, tình báo Anh cho biết lực lượng Nga ở cách Kyiv khoảng 25 km.
Tại Kyiv, chỉ còn các tuyến đường ở phía Nam vẫn duy trì hoạt động ra vào thành phố. Toàn bộ thủ đô của Ukraine đã biến thành pháo đài chuẩn bị cho “trận chiến phòng thủ bất tận”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói.
Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết thành phố đang tăng cường tích trữ thực phẩm, thuốc men. Người dân ở các khu vực ngoại ô đang được sơ tán vào các khu trú ẩn dưới lòng đất ở Kyiv.
Dù vậy, nếu bị cô lập hoàn toàn, có khả năng các nguồn dự trữ của Kyiv chỉ có thể được duy trì trong 2 tuần, chính quyền thành phố cho biết.
Các nỗ lực tiến quân của Nga đang vấp phải kháng cự ở cả hai phía đông và tây của thủ đô Kyiv, AFP cho biết.
Trong khi đó tình hình nhân đạo ở Mariupol đang ngày một nguy cấp. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo thảm họa nhân đạo sẽ sớm xảy ra ở Mariupol nếu không có biến chuyển.
Mikhail Mizintsev, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga, cũng thừa nhận tình hình nhân đạo ở một số thành phố ở Ukraine đang xấu đi nhanh chóng, theo TASS.
Giao tranh leo thang ở miền Tây Ukraine
Theo Interfax, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy 3.687 mục tiêu quân sự của Ukraine. Tuy vậy, con số mà Nga đưa ra chưa thể được kiểm chứng độc lập.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay đã phá hủy tổng cộng 99 máy bay, 128 thiết bị bay không người lái, 1.194 xe tăng và xe thiết giáp, 121 hệ thống phóng tên lửa đa nòng, 443 đại bác, và 991 xe quân sự đặc biệt.
Sáng 13/3, lực lượng Nga tấn công Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế (IPSC) ở thị trấn ngoại ô thành phố Lviv, gần Ba Lan.
Trung tâm Gìn giữ hòa bình và An ninh Quốc tế là căn cứ quân sự huấn luyện binh sĩ, chủ yếu cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Cơ sở này ở quận Yavoriv, cách thành phố Lviv 50 km về hướng tây nam và cách biên giới Ba Lan 25 km.
Điều này đồng nghĩa các cuộc tấn công của Nga bắt đầu tiến sát lãnh thổ NATO, có nguy cơ đẩy NATO vào Nga vào xung đột trực diện.
Thống đốc Lviv Maksym Kozytskyy cho biết Nga đã phóng 30 tên lửa từ Biển Đen và Biển Azov vào IPSC. Tới chiều 13/3, số người thiệt mạng vì vụ tấn công IPSC là 35. Ít nhất 134 người bị thương phải nhập viện vì vụ tấn công.
Ở miền Nam Ukraine, chiến sự cũng tiếp tục căng thẳng. Chính quyền khu vực hành chính Mykolaiv cho biết ít nhất 9 người đã thiệt mạng khi một nhà máy sản xuất động cơ gần thành phố Mykolaiv bị đánh bom.
Trong khi đó, thành phố Mykolaiv tiếp tục là mục tiêu tấn công của quân đội Nga. Các vụ không kích đã phá hủy một số mục tiêu dân sự, nhưng chưa ghi nhận người thiệt mạng.
Trước đó, một bệnh viện ở Mykolaiv đã trúng pháo kích của Nga trong ngày 12/3, phóng viên của AFP xác nhận.
Người đứng đầu khu vực hành chính Chernihiv, ông Vyacheslav Chaus, cho biết Nga tiến hành không kích vào một tòa nhà cao tầng trong đêm. Chernihiv đã trải qua đêm thứ ba liên tiếp hứng chịu không kích.
“Nhân viên cứu hộ đang làm việc ở hiện trường. Thông tin ban đầu cho thấy một người thiệt mạng và hai người bị thương”, ông Chaus nói.
Các vụ giao tranh tiếp tục diễn ra ở Chernihiv khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Tại tuyến đường nối Chernihiv tới thủ đô Kyiv, một vụ pháo kích khiến hai người trong một gia đình thiệt mạng khi đi sơ tán.
Trong khi đó, CLB Shakhtar cho biết tài năng bóng đá trẻ Dmytro Yevdochenko cùng mẹ là Maryna Yevdochenko thiệt mạng trong một vụ pháo kích.
Chính phủ Ukraine đang tìm cách mở tuyến đường di tản cho thường dân tại các khu dân cư quanh Brovary để vượt sông Dnieper về Kyiv.
Tại Luhansk, khu vực ly khai miền Đông hiện một phần nằm dưới kiểm soát của Nga, người đứng đầu khu vực hành chính là ông Serhiy Haidai cho biết quân đội Nga tiến hành nhiều cuộc pháo kích lớn nhắm vào các thị trấn như Kreminna và Rubizhne, khiến các chuyến xe di tản thường dân không thể di chuyển.
Giải pháp hòa bình le lói
Các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đang được thúc đẩy. Hôm 12/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã làm việc với Tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Nga chấm dứt phong tỏa Mariupol, theo AFP.
Tuy vậy, Tổng thống Putin đổ lỗi cho quân đội Ukraine vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Ông Putin cho rằng quân đội Ukraine hành quyết người bất đồng chính kiến và dùng thường dân làm con tin, theo TASS.
Tổng thống Macron bác bỏ các cáo buộc của ông Putin, cho rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga là vô căn cứ.
Tuy vậy, đã có một tia hy vọng le lói cho khả năng vãn hồi hòa bình. Hôm 12/3, Tổng thống Zelensky cho biết Nga đã “có cách tiếp cận thay đổi căn bản” trong các cuộc thảo luận mới nhất nhằm chấm dứt xung đột. Ông Zelensky nói phía Nga đã không còn “chỉ đưa ra tối hậu thư” như khi đàm phán bắt đầu.
Trước đó, Tổng thống Putin hôm 11/3 cũng cho biết có những “biến chuyển tích cực” trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, theo TASS.
Hôm 13/3, ông Leonid Slutsky, thành viên đoàn đàm phán Nga, nói rằng các cuộc thảo luận giữa Nga và Ukraine “đã có bước tiến đáng kể”, nếu so với thời điểm ban đầu, RIA Novosty đưa tin.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết quan điểm của Moscow và Kyiv trong một số vấn đề đã xích lại gần nhau hơn, theo TASS. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một bên trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Trong bối cảnh các cuộc không kích của Nga mở rộng về phía tây, chính quyền Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp Ukraine dưới mọi hình thức.
Washington và các nước EU đã lập quỹ hỗ trợ dành cho Ukraine, đồng thời triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Hàng trăm tỷ phú và chính trị gia Nga đã bị phương Tây cấm vận. Nhiều tổ chức văn hóa, thế thao quốc tế cũng có các biện pháp phản đối, cô lập Nga.
Hôm 11/3, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ xóa bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, mở đường để Washington nâng thuế trừng phạt tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga.
Cùng ngày, ông Biden ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vodka, hải sản và kim cương của Nga. Tổng thống Biden cũng thông qua gói viện trợ mới trị giá 200 triệu USD dành cho Ukraine.
Tuy vậy, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa loại bỏ khả năng triển khai quân đội Mỹ tới Ukraine nhằm tránh chiến sự trực diện với Nga.
“Chúng ta sẽ không bắt đầu Chiến tranh Thế giới 3 ở Ukraine”, Tổng thống Biden tuyên bố.
Tùng Anh