Nga ra mắt bản nâng cấp cực mạnh Su-30SMD, Việt Nam có quan tâm?
Chiến đấu cơ đa năng Su-30SMD có thể được xem như ứng viên sáng giá cho vai trò tiêm kích chủ lực thế hệ mới của Không quân Việt Nam.
Hãng thông tấn Interfax vừa dẫn một nguồn tin riêng trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, phiên bản nâng cấp của tiêm kích đa năng Su-30SM với tên định danh Su-30SMD đang được Tổ hợp chế tạo hàng không Irkut khẩn trương hoàn thành và dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2020.
Thực ra từ giữa năm 2018 đã xuất hiện những thông tin đầu tiên về biến thể hiện đại hóa của Su-30SM, nhưng khi đó nó được gọi bằng ký hiệu Su-30SM1. Mục đích của Nga khi tạo ra phiên bản nâng cấp của Su-30SM được cho là nhằm đối đầu với tiêm kích F-15X của Mỹ cũng như chào hàng chương trình hiện đại hóa Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Bên cạnh đó, chiến đấu cơ Su-30SMD với kết cấu buồng lái hai chỗ ngồi cũng được nhận định là sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ những quốc gia quen vận hành tiêm kích Su-30MK2 (như Không quân Việt Nam) và còn đang lưỡng lự trong việc đặt mua Su-35S chỉ do một phi công điều khiển. Theo những thông tin ban đầu, cải tiến đáng kể nhất trên tiêm kích Su-30SMD đó là nó sẽ được lắp đặt động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S – loại dùng trên Su-35S thay vì AL-31FP (2D TVC) thế hệ cũ. Sự kết hợp giữa động cơ mới cùng cặp cánh mũi có thể mang lại cho Su-30SMD khả năng cơ động cao hơn cả Su-35S.
Ngoài ra theo giới thiệu của người Nga thì Su-30SMD thậm chí còn có khả năng bay hành trình siêu âm. Tuy nhiên tính năng này bị xem là “nói quá” bởi thực tế động cơ AL-41F1S chưa thể giúp cho tiêm kích Su-35S hay Su-57 đạt tới mức độ trên, chưa kể cặp cánh mũi của Su-30SMD sẽ làm gia tăng không ít lực cản.
Yêu cầu lắp đặt động cơ 3D TVC cho tiêm kích Su-30 thực ra đã được Ấn Độ đề cập tới từ lâu khi họ đưa ra cấu hình nâng cấp cho Su-30MKI với tên định danh Super 30, và có vẻ như tới thời điểm hiện tại mong ước của New Delhi sắp trở thành hiện thực.
Chi tiết quan trọng khác của cấu hình tiêm kích Su-30SMD vẫn chưa được Nga công bố cụ thể đó là nó sẽ sử dụng radar loại nào. Trước kia không ít nguồn tin cho rằng phiên bản nâng cấp của Su-30SM sẽ lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) dựa trên Zhuk-A để thay thế cho loại N011M BARS (PESA) thế hệ cũ.
Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại thì khả năng cao là radar N011M vẫn tiếp tục được giữ lại trên Su-30SMD, điều này phản ánh chính xác trình độ của ngành công nghiệp điện tử Nga hiện nay khi họ đang tỏ ra tụt hậu khá nhiều trước các đối thủ như Mỹ hay Trung Quốc.
Chỉ số cuối cũng cần được xem xét chính là độ bền khung thân của Su-30SMD đã tăng được từ con số 3.000 giờ bay lên tới 6.000 giờ như Su-35S hay chưa? Bởi dự kiến sẽ khó có khách hàng nào chấp nhận chi ra một khoản tiền rất lớn để mang về chiếc tiêm kích có thời hạn sử dụng quá ngắn. Đáng tiếc rằng thông số này cũng chưa được công bố rõ ràng.
(Theo Soha News)