+
Aa
-
like
comment

Nga quyết định cho tuần dương hạm lớn nhất của mình “vào nồi”

23/02/2021 05:50

Số phận của tuần dương tên lửa hạt nhân Đô đốc Lazarev – tuần dương hạm lớn nhất thế giới sẽ được định đoạt và cuối năm nay, khi Nga bắt đầu rã sắt vụn chiếc tàu chiến này.

Tuần dương hạm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân Đô đốc Lazarev, là một trong bốn tàu chiến mặt nước lớn nhất của dự án 1144, được đóng tại các nhà máy đóng tàu Liên Xô. Sự ra đời của mẫu tàu chiến này, đánh dấu sự thống trị của Hải quân Liên Xô trên các đại dương.
Tàu tuần dương Đô đốc Lazarev có lượng giãn nước 25.000 tấn và chiều dài thân tàu là 250 m, tốc độ tàu là 31 hải lý/h. Thủy thủ đoàn là 750 người, động cơ tàu được cung cấp bằng năng lượng hạt nhân 150 nghìn mã lực. Sức mạnh của lò phản ứng này, đủ để cung cấp điện cho một thành phố.
Đô đốc Lazarev được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Dagger mới nhất. Được thay thế súng máy tự động sáu nòng bằng súng ZAK Dirk hiện đại. Vũ khí chống tàu ngầm tiên tiến nhất lúc bấy giờ và các máy bay ném bom chống ngầm RBU-6000, tàu còn được trang bị pháo nòng đôi AK-130.
Ngày 2/2/1985 con tàu được ra khơi lần đầu, nơi neo đậu chính là vịnh Strelok, gần Vladivostok. Nhiệm vụ đầu tiên của con tàu bắt đầu vào năm 1986, khi con tàu tham gia một chiến dịch quân sự. Khu vực hoạt động của tàu bao gồm vùng Tây Thái Bình Dương, phía đông quần đảo Kuril và Nhật Bản.
Trong năm 1987 và năm 1988, con tàu đã thực hiện các vụ phóng tên lửa chống hạm Granit trong các chuyến đi chiến đấu. Khi Liên Xô tan rã, tàu Đô đốc Lazarev đang neo tại căn cứ hải quân ở Vịnh Strelka. Theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, vào đầu năm 1992, đã biên chế lại thủy thủ đoàn trên tàu.
Do không có kinh phí hoạt động vào giữa những năm 90, con tàu đã phải neo đậu ở cảng trong suốt 8 năm. Cho đến năm 1999, Bộ Quốc phòng Nga quyết định rút đơn vị chiến đấu khỏi tàu Đô đốc Lazarev. Vũ khí trên tàu được gỡ bỏ, từ đó tàu tuần dương Đô đốc Lazarev nằm bất động tại bến tàu ở làng Fokino.
Đô đốc Lazarev tại thời điểm hiện nay đã mất khả năng chiến đấu. Tất cả các hệ thống hỗ trợ và vũ khí chính trên tàu đều bị vô hiệu hóa hoặc bị đánh cắp. Con tàu còn bị cháy vào tháng 6/2002, ngọn lửa bùng cháy suốt bốn giờ đồng hồ, không chỉ ảnh hưởng đến mặt sàn của tàu mà còn hư hại nghiêm trọng khu vực sở chỉ huy trên tàu.
Ngay sau vụ cháy, Nga đã quyết định loại bỏ những tàn dư nhiên liệu hạt nhân, còn sót lại trong lõi lò phản ứng trên tàu. Công việc dỡ nhiên liệu hạt nhân đã được bắt đầu tại nhà máy đóng tàu Zvezda trong năm 2004. Quá trình này kéo dài trong cả năm, sau đó các vũ khí còn lại đã được tháo dỡ trên tàu.
Theo thông tin mới nhất, tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Lazarev sẽ được Nga mang đi tái chế. Thông tin được đăng tải trên cổng thông tin của chính phủ Nga.
Theo đó, Tập đoàn Rosatom đã ký hợp đồng với Nhà máy Đóng tàu số 30 về việc thanh lý tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Admiral Lazarev, thuộc dự án 1144.1.
Tổng chi phí ước tính khoảng 5 tỷ rúp (gần 68 triệu USD). Tàu tuần dương Đô đốc Lazarev sẽ được chuyển đến địa điểm tháo dỡ vào cuối tháng 8/2021. Dự kiến Nga sẽ hoàn thành việc tái chế con tàu vào tháng 11/2025.
Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, quyết định loại bỏ con tàu được đưa ra sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của chiến hạm này. Việc khôi phục nó sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đóng một số tàu hiện đại.
Đô đốc Lazarev là tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất thế giới hiện nay. Thế hệ tàu chiến này từng là sức mạnh hỏa lực ghê gớm bậc nhất thế giới, giúp Liên Xô và Nga đủ khả năng tiêu diệt ít nhất một hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Hiện tại, Nga đang thực hiện quá trình hiện đại hóa tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov, thuộc dự án 11442M Orlan. Theo Forbes, sau khi hiện đại hóa xong, Đô đốc Nakhimov sẽ trở thành tàu chiến mặt nước mạnh nhất thế giới.

Clip Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov – con Át Chủ Bài của Hải quân Nga với sức mạnh tương đương cả một hạm đội.

Thái Hoà

Bài mới
Đọc nhiều