+
Aa
-
like
comment

Nga nói Mỹ không biết chiến đấu chỉ ham lợi

30/10/2019 21:48

Mỹ rầm rộ đưa quân trở lại Syria, với xe bọc thép và máy bay yểm trợ trên không, chứng tỏ người Mỹ không dám chiến đấu với đối thủ mạnh.

Lính Mỹ không biết chiến đấu?

Tờ Bình luận quân sự của Nga cho rằng cái cách Mỹ đưa quân trở lại miền Đông Syria chứng tỏ hai điều. Thứ nhất, lợi ích của Mỹ ở Syria chính là tài nguyên thiên nhiên. Mọi tuyên bố về “dân chủ” hay cuộc chiến chống IS chỉ là những “câu chuyện ngụ ngôn” của Washington.

Thứ hai, cái cách Mỹ rầm rộ đưa quân trở lại với đoàn xe hàng chục chiếc, bao gồm xe vận tải quân sự, xe bọc thép và máy bay yểm trợ trên không, chứng tỏ người Mỹ không dám chiến đấu với đối thủ mạnh.

Trước đó, hôm 26/10, Mỹ đã bắt đầu triển khai quân tăng viện tới miền Đông giàu dầu mỏ của Syria. Một đoàn hộ tống quân sự treo cờ Mỹ từ Iraq đã vượt qua biên giới để tiến vào lãnh thổ của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Nga noi My khong biet chien dau chi ham loi
Mỹ sẵn sàng bỏ đồng minh, tháo chạy khỏi điểm nóng để tập trung vào dầu mỏ của Syria

Mỹ đã bắt đầu củng cố các vị trí ở tỉnh Deir-al-zor bằng những trang thiết bị quân sự bổ sung với sự hợp tác của các tay súng người Kurd thuộc Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Mục đích của hành động này là để ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các lực lượng khác giành quyền tiếp cận các mỏ dầu.

Hôm 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo Mỹ dự định sẽ tăng cường lực lượng bộ binh cơ giới của mình tới tỉnh Deir-al-zor của Syria để bảo vệ các mỏ dầu trước các tay súng IS. Ông Esper nhấn mạnh: “Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện hạn chế ở Syria để ngăn IS tiếp cận kho dự trữ dầu mỏ”. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ không loại trừ, lực lượng tăng cường bảo vệ các mỏ dầu sẽ được điều động từ lực lượng rút khỏi khu vực Đông Bắc Syria.

Tờ Bình luận quân sự Nga mỉa mai rằng quân Mỹ đã từng tháo chạy khỏi Kobani hay Kamyshly để không rơi vào làn đạn của quân Thổ Nhĩ Kỳ từ hướng bắc và hướng tây, cũng như bị quân đội Syria chia cắt từ phía nam và tây nam. Người Mỹ không chỉ bỏ lại các căn cứ của mình mà còn bỏ lại cả đồng minh, thậm chí cả đồng minh Pháp khiến những người này không được cung cấp hậu cần trong nhiều ngày và đứng trước nguy cơ bị kẹp giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Tờ báo Nga viết: “Mỹ đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng quân đội Mỹ không thể và không biết chiến đấu cho lý tưởng (thường thì là tuyên bố đấu tranh để xây dựng dân chủ). Nhiệm vụ chính của lực lượng quân đội Mỹ ở Iraq và Syria là kiểm soát các khu vực cụ thể mà họ có thể kiếm lời nhưng vẫn phải được an toàn một cách tương đối”.

Nga noi My khong biet chien dau chi ham loi
Lính Mỹ tại Deir-al-zor

Chính việc Mỹ lựa chọn tuyến đường di chuyển cho lực lượng tăng viện đến miền Đông Syria đi qua các khu vực ít có nguy cơ bị tấn công đã nói lên chiến thuật của Washington. Người Mỹ chỉ muốn nhanh chóng kiểm soát các mục tiêu và thiết lập “hàng rào”, trong đó có “hàng rào” người Kurd.

Theo tờ Bình luận quân sự, người Mỹ không đành lòng ra đi và cũng không quan tâm tới danh tiếng vì đối với họ tất cả là tiền, là lợi nhuận và khả năng khôi phục cuộc phiêu lưu của mình với các nguồn tài nguyên. Đây cũng là lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục muốn rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Việc duy trì hàng chục nghìn sĩ quan và binh sĩ tại đây rõ ràng không có lợi về kinh tế. Thay vào đó, Mỹ chỉ cần duy trì một lực lượng tư nhân và đảm bảo “kinh doanh” mang lại lợi nhuận.

Tài nguyên và lợi nhuận là mục tiêu

Những nhận định trên của báo Nga càng được chứng thực khi đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố nước này sẽ ngăn cản các lực lượng bên ngoài tiếp cận những mỏ dầu mà Washington đang bảo vệ ở Đông Bắc Syria. Ông Esper khẳng định Washington sẽ vẫn duy trì binh lính đồn trú tại vùng chiến lược này để ngăn chặn IS hay bất kỳ lực lượng nào khác, kể cả Nga và Syria, tiếp cận những nguồn tài nguyên quan trọng thuộc khu vực trên.

Biện minh cho hành động của mình, ông Esper nói rằng động thái của Mỹ là nhằm đảm bảo Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) có thể tiếp cận các tài nguyên này để củng cố nguồn tài chính phục vụ nhiệm vụ giam giữ tù nhân, tự vũ trang cho binh sĩ và hỗ trợ Mỹ đánh bại IS. Quan chức quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh quân đội nước này sẵn sàng sử dụng nguồn lực quân sự “áp đảo” để đáp trả bất kỳ tổ chức nào đe dọa sự an toàn của các binh lính Mỹ tại khu vực.

Nga noi My khong biet chien dau chi ham loi
Mỹ bảo vệ dầu mỏ vì người Syria?

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ đứng sau hoạt động tuồn lậu dầu thô của Syria ra khỏi nước này và số tiền thu được từ hoạt động này được chuyển vào các tài khoản của bộ trên. Hôm 26/10, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những bức ảnh chụp từ trên không trong tháng 9 cho thấy các đoàn xe thùng đang chở dầu ra khỏi Syria dưới sự bảo vệ của “lính Mỹ và nhân viên của các công ty quân sự tư nhân”.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nguồn thu từ buôn lậu dầu thô ra ngoài Syria thông qua các công ty môi giới được “chuyển thẳng tới các toàn khoản của lính Mỹ và các nhân viên quân sự tư nhân của Mỹ”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov giải thích thêm rằng công ty Sadcab do Mỹ kiểm soát đang thực hiện các hợp đồng xuất khẩu dầu. Công ty này được thành lập theo cơ chế tự điều hành tại Đông Syria. Ông Igor Konashenkov còn cho biết các bức ảnh tình báo không gian cho thấy dầu được khai thác và chuyển với số lượng lớn ra khỏi Syria dưới sự bảo vệ của lính Mỹ trước và sau khi IS bị đẩy lui khỏi lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.

Nga noi My khong biet chien dau chi ham loi
Lực lượng Nga có đủ sức ngăn chặn Mỹ tại Syria?

Tuy nhiên, người Mỹ dường như không còn quan tâm tới “danh tiếng” của mình nữa. Đích thân Tổng thống Trump đề xuất để tập đoàn Exxon Mobil hoặc một doanh nghiệp dầu mỏ khác vận hành tại các mỏ dầu ở Syria.

Giáo sư Laurie Blank, Giám đốc Trung tâm Luật Đối chiếu và Luật Quốc tế Trường Luật Emory, bình luận: “Luật pháp quốc tế có những quy định để ngăn chặn chính những trường hợp vụ lợi kiểu này”.

Còn cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bruce Riedel, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao của viện nghiên cứu chính sách Brookings Institution, nói: “Đó không chỉ là một động thái pháp lý thiếu minh bạch mà còn là thông điệp gửi tới toàn bộ khu vực và thế giới rằng Mỹ muốn đánh cắp dầu mỏ”.

Phó Giáo sư Jeff Colgan, chuyên ngành nghiên cứu chính trị và quốc tế tại Đại học Brown, nhấn mạnh: “Ý tưởng đề xuất rằng Mỹ sẽ ‘kiểm soát số dầu mỏ’ bằng bàn tay của ExxonMobil hay các doanh nghiệp khác của Mỹ là vô đạo đức và hoàn toàn phi pháp”. Theo ông Colgan, trên thực tế các doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt với “hàng loạt thách thức” nếu hoạt động ở Syria.

Thành Minh/Đất Việt

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều