Nga không tấn công, Mỹ lên kế hoạch đáp trả ai?
Mỹ đã tấn công nhiều quốc gia độc lập. Do đó, phát biểu của tướng Goldfein thực chất nhằm che giấu bản chất hiếu chiến của Mỹ.
Phản đòn ồ ạt kiểu Mỹ
Cuộc tranh cãi trên truyền thông Mỹ và Nga bùng phát sau khi Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein hôm 2/7 vạch ra “3 bước” nhằm chống lại một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Nga.
Phát biểu tại cuộc thảo luận về răn đe hạt nhân của Viện nghiên cứu không gian Mitchell, ông Goldfein đã lấy kịch bản về một cuộc tấn công hạt nhân của Nga để mô tả các bước đáp trả từ phía Mỹ và các đồng minh. Theo ông, nếu kẻ thù tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào nước Mỹ, khi tên lửa xuyên lục địa với sức mạnh hủy diệt hướng tới Bắc Mỹ, Mỹ sẽ thực hiện 3 bước đi như sau.
Bước đi thứ nhất là “gọi cho NATO”. Tướng Goldfein nói: “Nếu một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra, mà trước hết tôi muốn lấy Nga làm ví dụ với tư cách mối đe dọa hạt nhân nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đối mặt, thì tôi sẽ chờ đợi 3 chiếc đèn trên điện thoại màu đỏ trong văn phòng của tôi sáng lên. Cuộc gọi đầu tiên sẽ là cho Chỉ huy tối cao quân đồng minh ở châu Âu, tướng Tod Wolters, người sẽ cho tôi biết ông cần làm gì để cùng với lực lượng NATO để chặn đứng hành động của kẻ thù và hạ các mục tiêu của chúng”.
Theo tướng Mỹ, bằng ưu thế về tốc độ triển khai các thành tố không quân và không gian, phía NATO chờ đợi không quân Mỹ là lực lượng đầu tiên có mặt làm lực lượng đánh chặn và tiêu diệt.
Khi đó, Mỹ và NATO có thể thực hiện đòn phản công ồ ạt bằng tiêm kích, máy bay ném bom, các lực lượng không gian, chỉ huy kiểm soát, tình báo, do thám và cảnh báo, các chiến dịch đặc biệt, trên không gian mạng và sẵn sàng cho một cuộc chiến công nghệ cao.
Theo tướng Goldfein, các máy bay chiến đấu sẽ phá hủy các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của kẻ địch ngay khi chúng vượt qua tầng khí quyển Trái Đất. F-35 – sẽ sớm được trang bị vũ khí hạt nhân trong vài năm tới – sẽ tấn công các cơ sở của kẻ địch, bao gồm các bãi phóng hạt nhân, trong khi F-22 sẽ đối đầu với các máy bay của đối phương.
Máy bay ném bom B-2nhờ khả năng tàng hình sẽ có nhiệm vụ tiêu diệt các hệ thống phòng không, bãi phóng hạt nhân của kẻ địch, hoặc thực hiện chỉ thị đặc biệt của Tổng thống Mỹ nhằm tiêu diệt toàn bộ các thành phố của kẻ địch. Bước thứ hai được tướng Goldfein đề cập là “gọi cho NORAD” (Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ). Ông nói: “Tôi sẽ nói chuyện với tư lệnh NORAD, tướng Terrence O’Shaughnessy và ông ấy sẽ nói với tôi ông ấy cần gì để hỗ trợ phòng thủ”.
NORAD có các hệ thống đánh chặn bố trí trên mặt đất (GBI) rất được Lầu Năm Góc quan tâm phát triển, trong đó có công nghệ chỉ huy kiểm soát, cảm biến và ngắm bắn. Các GBI sẽ được phóng lên không gian để tìm và tiêu diệt các ICBM tấn công.
Tướng Goldfein cho biết, hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ đã thử nghiệm thành công 2 phương tiện đánh chặn ngoài tầng khí quyển (EKV) do Reytheon chế tạo khi phá hủy thành công một ICBM mô phỏng.
Bước thứ ba mà ông Goldfein đề cập là cuộc gọi cho tướng John Hyten, tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM) và gửi lệnh tới các tàu ngầm hạt nhân. Tướng Mỹ tự tin các tàu ngầm hạt nhân có thể tung ra đòn tấn công thứ hai để “khuất phục” Nga.
Mặc dù kể lần lượt 3 bước như trên, song tướng Goldfein cho biết các bước phải được thực hiện “đồng thời” nhằm giúp nước Mỹ an toàn trước một cuộc tấn công hạt nhân.
Nga không tấn công để Mỹ đáp trả
Bình luận về những phát biểu trên của tướng Mỹ, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko của Nga nhấn mạnh Nga không có kế hoạch tấn công Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Theo ông Korotchenko, những phát biểu của tướng Goldfein được nói ra trong bối cảnh tồn tại “nỗi sợ Nga”.
Chuyên gia Nga cho rằng việc chuẩn bị, hành động như thế nào hay khuất phục một ai đó là vấn đề của nước Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ cần phải hiểu rằng một cuộc tấn công vào nước Nga sẽ tự động kích hoạt cơ chế đáp trả, trong đó có đáp trả hạt nhân.
Ông nói: “Sẽ có hành động đáp trả trong bất kỳ trường hợp nào. Các tướng lĩnh Mỹ cần phải hiểu điều đó”.
Còn việc đề cập tới kế hoạch của Mỹ nhằm chống lại “sự xâm lược” của Nga được đánh giá là suy nghĩ “hoang tưởng” của một người không bình thường và có vấn đề về nhận thức. Lý do là Học thuyết quân sự Nga mang tính chất phòng thủ, nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình trước các cuộc tấn công.
Trong khi đó, trong hàng thập kỷ qua, Mỹ đã tấn công nhiều quốc gia độc lập. Do đó, ông Korotchenko kết luận, phát biểu của tướng Goldfein thực chất nhằm che giấu bản chất xâm lược của Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu về “3 bước” của tướng Goldfein cũng gây nhiều tranh cãi. Theo tính toán, một ICBM sẽ mất khoảng 20 phút để bắn từ Nga tới lục địa Mỹ. Trong thời gian đó, liệu tướng Goldfein có đủ thời gian (chưa nói tới thẩm quyền) để thực hiện 3 cuộc gọi trên không, chưa kể theo lời ông nói chúng phải được tiến hành “đồng thời”!
Lực lượng đầu tiên được tướng Goldfein tính tới là quân Mỹ ở châu Âu cùng với các đồng minh NATO. Tuy nhiên, hay xem chính tướng Tod Wolters mới đây đã thừa nhận lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM) trở nên “thông minh” hơn và “cơ động” hơn, nhưng vẫn thiếu hỏa lực.
Trả lời phỏng vấn trên tờ tạp chí Air Force, tướng Wolters đánh giá rằng các chiến dịch tình báo và cơ động của EUCOM đã được nâng cao với việc nâng cấp các căn cứ không quân tại các quốc gia Baltic, cũng như một căn cứ mới ở Ba Lan dành cho loại máy bay MQ-9.
Tuy nhiên, ông cho rằng EUCOM với quân số 67.000 người vẫn thiếu các lực lượng có khả năng giáng đòn chính xác vào lực lượng tấn công của Nga ở sâu sau chiến tuyến. Không quân Mỹ tại châu Âu hiện chỉ có 3 không đoàn (wing), gồm một không đoàn F-15C đặt ở Anh, hai không đoàn F-15E và F-16 đặt tại Đức và Italy. Điều đáng nói, cả 3 không đoàn này có tổng số gần 200 chiếc máy bay nhưng lại không có loại nào tàng hình.
Các loại máy bay tàng hình F-22, F-35 và máy bay ném bom B-2 được triển khai ở châu Âu trên cơ sở tạm thời theo Sáng kiến Răn đe châu Âu trị giá 7 tỷ USD/năm. Kế hoạch này được Mỹ thực hiện từ năm 2014 nhằm phản ứng trước các động thái của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo tướng Wolters, với tình trạng như hiện nay, lực lượng Mỹ không đủ để triển khai nhanh, đủ sâu và hiệu quả như mong muốn, ví dụ như phát huy hỏa lực từ tất cả các lực lượng gồm không quân, hải quân, đặc nhiệm, từ vũ trụ, không gian mạng và trên bộ.
Những phát biểu “đập nhau chan chát” của tướng lĩnh Mỹ cho thấy dường như Mỹ đang lúng túng trước năng lực tấn công ngày càng tăng của Nga, đặc biệt với các loại ICBM mới được giới thiệu như RS-28 Sarmat (Mỹ và NATO gọi là Satan-2) có tầm bắn lên tới 18.000km.
Bên cạnh đó, Nga còn có các phương tiện tấn công siêu vượt âm như Avangard đã được thử nghiệm thành công. Các loại vũ khí của Nga được đánh giá có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện có.
(Theo Đất Việt)