Nga hé lộ dự luật mới: Quy định ngặt nghèo Tổng thống làm tối đa 2 nhiệm kỳ, vì sao ông Putin là ngoại lệ?
Các nhà lập pháp Nga đã có những động thái đầu tiên để mở đường chính thức cho phép đương kim Tổng thống Vladimir Putin có thể nắm quyền đến năm 2036.
Các nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 23/12 đã tiến hành buổi đọc lần đầu và chấp thuận dự luật có thể cho phép ông Putin ra tranh cử Tổng thống Nga thêm hai nhiệm kỳ nữa – hãng Interfax (Nga) đưa tin.
Luật pháp hiện hành của Liên bang Nga quy định Tổng thống không nắm quyền nhiều hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp, song một điều khoản Hiến pháp sửa đổi đã mở đường cho trường hợp ngoại lệ.
Các tác giả – gồm Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp và Xây dựng Nhà nước của Duma Quốc gia Pavel Krasheninnikov, Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp và Xây dựng Nhà nước của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Andrei Klishas, Chủ tịch Ủy ban Quản lý và Pháp quy Duma Quốc gia Olga Savastyanova – đã giới thiệu dự luật kể trên tại Quốc hội Nga vào ngày 17/11. Chính phủ Nga đưa ra những phản ứng tích cực đối với dự luật.
Dự luật đưa ra quy định về bầu cử Tổng thống Nga, nói rằng công dân Nga nắm quyền Tổng thống trong hai nhiệm kỳ hoặc đang giữ chức Tổng thống ở nhiệm kỳ thứ hai vào thời điểm công bố quyết định tổ chức bầu cử Tổng thống thì không có quyền đắc cử Tổng thống.
Tuy nhiên, quy định này sẽ không xét đến số nhiệm kỳ Tổng thống mà một người đã hoặc đang làm tính đến thời điểm Hiến pháp sửa đổi của Nga có hiệu lực – tức ngày 1/7/2020.
Quy định trong dự luật thể hiện kể từ ngày 1/7, trong tương lai các Tổng thống Nga không được giữ chức nhiều hơn hai nhiệm kỳ, nhưng toàn bộ các nhiệm kỳ trước đó của những người đã/đang làm Tổng thống sẽ không được tính đến, đồng nghĩa ông Vladimir Putin hoàn toàn có thể tái tranh cử và giữ chức Tổng thống thêm tối đa hai nhiệm kỳ sau khi mãn nhiệm vào năm 2024.
Duma Quốc gia Nga sẽ tổ chức thêm hai buổi đọc dự thảo luật nữa. Dự luật sau đó cần được Thượng viện ủng hộ và được Tổng thống Putin ký ban hành để chính thức có hiệu lực.
Dự luật này về các quy định trong bầu cử là một trong nhiều chương trình lập pháp mà Quốc hội Nga đang xúc tiến nhằm ban hành các khuôn khổ pháp lý nhất quán với bản Hiến pháp sửa đổi.
Hồi tuần trước, ông Putin đã ký ban hành đạo luật cho phép các cựu Tổng thống Nga cùng thành viên gia đình họ được hưởng quyền miễn trừ truy tố trọn đời – cả về hình sự lẫn dân sự, đồng thời cựu Tổng thống cũng được trở thành Thượng nghị sĩ trọn đời.
Đến nay, Tổng thống Putin chưa xác nhận về khả năng tiếp tục tranh cử vào năm 2024.
Quá trình sửa đổi Hiến pháp Nga
Ngày 10/3/2020, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Valentina Tereshkova đại diện đảng Nước Nga Thống nhất đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhằm điều chỉnh quy định liên quan nhiệm kỳ tổng thống.
Ngày 1/7/2020, cuộc trưng cầu dân ý trên toàn nước Nga được tổ chức, kết quả là tu chính án đối với Hiến pháp được thông qua với 78% người trưng cầu ủng hộ – theo Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC).
Minh Khôi/DN