Nga đưa quân vào Kazakhstan được Mỹ theo dõi chặt chẽ
Theo tổng thư ký của CSTO ngày 6-1, tổ chức này có thể triển khai đến 2.500 binh sĩ đến Kazakhstan và sẵn sàng tăng cường khi cần thiết. Truyền thông Nga dẫn lời vị này cho biết sứ mệnh của CSTO sẽ không kéo dài, có thể kết thúc trong vài ngày hoặc vài tuần.
Việc triển khai quân của CSTO đang thu hút sự chú ý của Mỹ với các phát ngôn mang tính hoài nghi từ một số quan chức.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đặt câu hỏi về việc liệu số binh sĩ của CSTO “có được mời đến Kazakhstan theo cách hợp pháp hay không”, theo Hãng tin Reuters.
“Chúng tôi có câu hỏi như vậy vì Kazakhstan và chính phủ của họ có đủ nguồn lực riêng (để giải quyết vấn đề)”, ông Price nêu lập luận trong cuộc họp báo ngày 6-1.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng phát đi các thông điệp tương tự trong cuộc họp báo cùng ngày.
Theo bà Psaki, Mỹ sẽ theo dõi sát hành động của nhóm binh sĩ CSTO để xem liệu có hành vi vi phạm nhân quyền nào hay không.
Trước các nghi ngờ từ phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Washington không hiểu gì về tình hình tại Kazakhstan.
“Người ta đang dần quen với việc một số người mang tính đại diện cho Mỹ nhưng lại không hiểu chuyện gì. Điều đó chỉ là mất đi vị thế của chính nước Mỹ thôi”, bà Zakharova nêu quan điểm trên kênh Telegram chính thức.
Chủ tịch luân phiên của CSTO, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, cho biết tổ chức đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp từ Kazakhstan do “sự can thiệp từ bên ngoài”.
Bạo lực bùng phát tại Kazakhstan, quốc gia từng thuộc Liên Xô (cũ) từ cuối tuần trước. Chính quyền của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cáo buộc “những kẻ khủng bố” được nước ngoài đào tạo là nguyên nhân của vấn đề.
Ngày 2-1, đám đông xuống đường tại các thành phố Zhanaozen và Aktau trong vùng Mangystau, phía tây nam Kazakhstan, để phản đối giá nhiên liệu tăng cao.
Hai ngày sau, các cuộc biểu tình nhấn chìm Almaty ở phía đông nam của đất nước cũng như các thành phố khác bao gồm Atyrau, Aktobe (ở phía tây), Uralsk (ở phía tây bắc), Taraz, Shymkent , Kyzylorda (ở phía nam), Karaganda (ở phía đông bắc) và thậm chí cả thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan.
Tổng thống Tokayev tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong hai tuần ở vùng Mangystau và vùng Almaty cũng như thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan. Ngày 5-1, người đứng đầu nhà nước chấp nhận đơn từ chức của toàn bộ chính phủ.
Matxcơva thông báo sẽ tham vấn với Kazakhstan và các đồng minh về các bước hỗ trợ “hoạt động chống khủng bố” của Kazakhstan, đồng thời lặp lại khẳng định của ông Tokayev rằng tình hình bất ổn hiện tại là do nước ngoài truyền cảm hứng.
Khai Tâm