+
Aa
-
like
comment

Nga “đóng băng” hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ, phương Tây nói gì?

Tuệ Ngô - 22/02/2023 15:14

Mới đây vào ngày 21/2, trong một bài phát biểu quan trọng kéo dài 1 giờ 45 phút về cuộc xung đột Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng nước này sẽ đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ.

Giải thích về quyết định đình chỉ các nghĩa vụ của Nga theo New START, ông Putin cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đã công khai tuyên bố mục tiêu đánh bại Nga ở Ukraine.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không rút khỏi Hiệp ước New START mà chỉ đình chỉ việc tham gia. Ông cũng cho biết đã ký sắc lệnh đưa các tổ hợp chiến lược trên mặt đất mới vào trực chiến.

“Họ muốn gây ra một ‘thất bại chiến lược’ đối với chúng tôi và cố gắng tiếp cận các cơ sở hạt nhân của chúng tôi cùng một lúc. Trong bối cảnh này, hôm nay tôi phải tuyên bố rằng Nga đang đình chỉ việc tham gia Hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược”, Tổng thống Putin nói.

Vài giờ sau bài phát biểu của ông Putin, Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước là “có thể đảo ngược”.

Phản ứng của Mỹ và NATO

Đáp lại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lên án hành động của Putin là “vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm”, lưu ý rằng “chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận để xem Nga thực sự làm gì.”

Ông Blinken nhấn mạnh rằng “Chúng tôi luôn sẵn sàng nói về những hạn chế vũ khí chiến lược bất cứ lúc nào với Nga, bất kể điều gì khác đang xảy ra trên thế giới hoặc trong mối quan hệ của chúng tôi”.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ sự tiếc nuối về động thái của Putin, nói rằng “với quyết định ngày hôm nay về New START, cấu trúc kiểm soát vũ khí đầy đủ đã bị dỡ bỏ”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Ngoại trưởng Ukraina Dmitri Kuleba (trái) và Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell (phải) trong cuộc gặp tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 21/2. Ảnh NATO

Ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo ngày 21.2 rằng “Tôi lấy làm tiếc về quyết định của Nga đình chỉ việc tham gia New START. Nhiều vũ khí hạt nhân hơn và ít kiểm soát vũ khí hơn khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình”

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: “Đây là một trong những thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng cuối cùng mà chúng tôi có được và đây chỉ là một ví dụ khác về việc rời xa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Phát biểu cùng với ông, người đứng đầu Chính sách Đối ngoại của EU, Josep Borrell, nói rằng quyết định của Điện Kremlin từ bỏ hiệp ước New Start là “một bằng chứng khác cho thấy những gì Nga đang làm là phá hủy hệ thống an ninh được xây dựng vào cuối Chiến tranh Lạnh”.

Eugene Rumer, một cựu sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ phụ trách Nga và Âu Á, cho biết: “Trong bầu không khí đầy căng thẳng này, tôi nghĩ việc Mỹ tỏ ra điềm tĩnh, bình tĩnh và tự chủ là điều hoàn toàn hợp lý”.

“Di sản” của Chiến tranh Lạnh

Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START được ký kết tại Praha, Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama và được xem là di sản cuối cùng còn sót lại trong nỗ lực của Mỹ và Liên Xô nhằm ngăn chặn sự hủy diệt hạt nhân.

New START có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng. Dưới giới hạn của New START, Mỹ và Nga mỗi bên chỉ có thể triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân trong tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom.

Reuteres cho biết Nga hiện là nơi sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn. Cộng lại Nga và Mỹ đang chiếm khoảng 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu.

Theo báo cáo, Nga và Mỹ đã đình chỉ các cuộc thanh tra lẫn nhau theo New START kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, nhưng Moscow vào mùa thu năm ngoái đã từ chối cho phép nối lại, làm dấy lên sự không chắc chắn về tương lai của hiệp ước.

Nhiều người đang e ngại cuộc xung đột Ukraine có thể mở rộng về quy mô và cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Nga đang thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và khi Tổng thống Mỹ Biden đang gặp các đồng minh NATO ở Ba Lan một ngày sau chuyến thăm bất ngờ đến Kyiv.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều