Nga đình chỉ bàn giao tên lửa S-400 cho TQ: Hé lộ lý do thực sự
Nhiều tin đồn cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là lý do Nga chậm bàn giao tiếp các lô tên lửa S-400 tiếp theo cho Trung Quốc nhưng dường như Moscow đã hành động có chủ ý.
Trong năm 2020, khi cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra trên dãy Himalaya thì cả hai nước đều vội vã tìm cách tích trữ các hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu.
Trong lúc Nga xác nhận đang chuẩn bị chuyển giao 5 tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumph cho Ấn Độ thì với Trung Quốc, Moscow lại không đưa ra cam kết tương tự. Nga đã quyết định tạm hoãn việc cung cấp S-400 cho Trung Quốc.
Nhiều tin đồn cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là lý do dẫn tới sự chậm trễ. Tuy nhiên, có vẻ như Moscow đã hành động có chủ ý.
Tháng 2/2020, Valery Mitko – một trong những nhà khoa học hàng đầu về Bắc Cực của Nga, đã bị bắt với cáo buộc chuyển giao bí mật công nghệ phát hiện tàu ngầm cho Trung Quốc. Đến tháng 6 cùng năm, một tòa án ở Nga đã gia hạn việc quản thúc tại gia đối với ông này.
Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học Nga đã bị nghi vấn vì mối liên hệ với Trung Quốc và vụ việc Mitko càng làm trầm trọng thêm mối nghi ngờ này, qua đó làm ảnh hưởng tới quan hệ đang “xuôi chèo mát mái” giữa Nga và Trung Quốc.
Một tháng sau phán quyết của tòa án với Mitko, Nga đã quyết định đình chỉ các hoạt động cung cấp tên lửa cho Trung Quốc.
Thời gian vừa qua, Ấn Độ và Nga đã cùng nhau đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng quy mô hợp tác song phương giữa hai nước. Năm 2018, bất chấp đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ, Ấn Độ vẫn lựa chọn S-400 của Nga thay vì Patriot (PAC-3) hay hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Tuy nhiên, với tình hình căng thẳng mà Ấn Độ đang đối mặt ở biên giới với Trung Quốc, Nga có thể lo ngại về việc New Delhi sẽ trở thành một phần trong khuôn khổ do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích, bản thân Nga cũng lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực và hai nước cũng đã có một số bất đồng thời gian qua. Bên cạnh đó, Moscow được cho là không thoải mái với các động thái gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ở Trung Á.
Moscow cần các khoản đầu tư của Trung Quốc để phát triển cảng biển và cơ sở hạ tầng ở khu vực Bắc Cực nhưng đồng thời cũng lại lo ngại Bắc Kinh có thể cắt giảm ảnh hưởng của họ trong ngành công nghiệp quốc phòng và ở Trung Á.
Một nước Trung Quốc đầy tham vọng dưới thời ông Tập Cận Bình đã và đang cố gắng khẳng định mình ở các khu vực địa lý bên ngoài Đông Á. Bất kỳ nỗ lực nào như vậy của Trung Quốc ở Trung Á và Trung Đông đều khiến Nga lo lắng.
Đó là lý do tại sao Moscow phải chú trọng tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Á, khu vực Trung Quốc luôn có những “kẻ thù” mới và cũng giải thích tại sao Nga lại cố giữ Ấn Độ đứng về phía mình.
Hoàng Đan/TTT