+
Aa
-
like
comment

Nga đánh chìm tàu chiến Anh: Nếu không phải Thế chiến III thì điều gì sẽ xảy ra?

Bảo Trâm - 03/07/2021 12:46

Người Anh chắc chắn sẽ không muốn chiến tranh với quốc gia có sức mạnh hạt nhân thứ 2 thế giới. Song, việc đánh chìm tàu chiến Anh khó có thể trôi đi mà không xảy ra hậu quả gì.

Trong chương trình “Đường dây trực tiếp” trả lời câu hỏi của người dân Nga hôm 30/6, Tổng thống Putin đã bình luận về tình huống xảy ra với tàu khu trục Anh ở vùng lãnh hải Crimea.

Theo ông chủ Điện Kremlin, ngay cả nếu lực lượng không quân vũ trụ Nga có đánh chìm tàu HMS Defender thì Thế chiến III cũng sẽ không xảy ra.

Trong bài viết mới đây trên trang mạng topcor.ru, tác giả Sergey Marzhetsky đã đặt ra một câu hỏi: “Nếu không phải Thế chiến III thì điều gì có thể xảy ra?”

Cuộc tập trận quốc tế Sea Breeze 2021 đã bắt đầu và sẽ tiếp tục kéo dài thêm 3 tuần nữa. Trong thời gian này, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra ở Biển Đen.

Nga đánh chìm tàu chiến Anh: Nếu không phải Thế chiến III thì điều gì sẽ xảy ra? - Ảnh 1.
Tổng thống Nga Putin trong buổi đối thoại với người dân qua truyền hình ngày 30/6. (Ảnh: Sputnik)

Trước đó, hôm 23/6, tàu khu trục HMS Defender đã đi vào vùng biển của Crimea – khu vực mà London vẫn giữ quan điểm là lãnh thổ của Ukraine, bất chấp việc Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo này.

Theo Marzhetsky, tất nhiên đó là quyền của người Anh, nhưng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả của việc xâm phạm biên giới nước Nga. Sau các phát bắn cảnh cáo, những quả bom đường không đã được thả xuống lối di chuyển của tàu Defender.

Giờ đây, một câu hỏi được đặt ra là: Những gì đã xảy ra là một bài học thấm thía cho giới chức Anh, hay họ vẫn sẽ sẵn sàng lặp lại hành động tương tự một lần nữa?

Đánh giá từ những tuyên bố mà London đưa ra thì có vẻ như họ sẽ không từ bỏ ý đồ của mình.

“Rút cuộc, nội các của ông Boris Johnson đang trông chờ điều gì? Và tại sao người Anh lại đánh cược với sự may rủi đầy nguy hiểm này – tình huống mà tính mạng các thủy thủ của họ đều bị đe dọa?” – Marzhetsky đặt câu hỏi.

Để lý giải, chúng ta hãy thử mô phỏng tình huống một tàu chiến nước ngoài tiến hành đợt xâm phạm khác vào biên giới Nga. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, do đó, chuyện bắn hạ máy bay hoặc đánh chìm tàu chiến của lực lượng thù địch được xem là điều bình thường.

Năm 1982, tại khu vực gần đảo Malvinas (Falkland), Anh từng đánh chìm tàu tuần dương General Belgrano của Argentina. Ít nhất 323 thủy thủ Argentina đã trở thành nạn nhân trong vụ tấn công bằng ngư lôi của tàu ngầm hạt nhân Anh. Đến nay, Buenos Aires vẫn coi đây là một tội ác chiến tranh.

Nga đánh chìm tàu chiến Anh: Nếu không phải Thế chiến III thì điều gì sẽ xảy ra? - Ảnh 2.
Tuần dương hạm General Belgrano của Argentina nghiêng sau khi trúng ngư lôi ngày 2/5/1982. Ảnh: Wiki

Quay trở lại vùng biển Crimea, nơi mà Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ từng được xem là những vị khách không mời mà đến.

Giả sử một kẻ xâm nhập khác đang tiếp cận biên giới Nga với ý đồ rõ ràng. Để đáp trả, lực lượng biên phòng Nga sẽ tiến hành các quy trình cảnh báo đầy đủ, sau đó nổ súng cảnh cáo nếu các biện pháp trước đó không có tác dụng.

Nếu kẻ xâm nhập vẫn không dừng lại thì có khả năng một cuộc tấn công điện tử sẽ được thực hiện.

Nếu phương pháp này không phát huy hiệu quả, và tàu đối phương có một số hành động gây hấn, thì các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen sẽ phải nổ súng về phía đuôi tàu này, nhắm vào cụm chân vịt-bánh lái của nó. Thông thường, hành động này đã đủ khiến thuyền trường của tàu đối phương phải chuyển hướng.

Tuy nhiên, nếu con tàu đó vẫn tiếp tục xâm phạm biên giới Nga, lực lượng hàng không vũ trụ Nga [đã được điều động trước đó] sẽ “làm mù” và gây choáng váng cho tàu đối phương bằng cách tấn công tên lửa vào tháp radar của tàu này.

Trên lý thuyết, chuyện sẽ diễn ra như thế. Nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tổng thống Putin tin rằng những điều đó chắc chắn sẽ không dẫn tới chiến tranh hạt nhân với Vương quốc Anh.

“Anh nói thế giới ở trên bờ vực của Thế chiến III ư? Không, tất nhiên là không. Ngay cả khi Nga đánh chìm con tàu này [HMS Defender], thì tôi cũng khó có thể hình dung thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của Thế chiến III. Bởi những người này biết rằng họ không thể chiến thắng trong cuộc chiến như vậy” – Ông Putin nói.

Theo tác giả Marzhetsky, đúng là người Anh chắc chắn sẽ không muốn chiến tranh với quốc gia có sức mạnh hạt nhân thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, việc đánh chìm tàu chiến Anh khó có thể trôi đi mà không xảy ra hậu quả gì.

Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là London sẽ áp đặt các chính sách kinh tế cứng rắn để chống lại Nga, đồng thời kêu gọi các quốc gia đồng minh NATO làm điều tương tự. Cần lưu ý rằng, sau khi Anh cáo buộc nhà nước Nga chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, châu Âu đã đứng về phía người Anh.

Nga đánh chìm tàu chiến Anh: Nếu không phải Thế chiến III thì điều gì sẽ xảy ra? - Ảnh 3.
Các tàu chiến của Anh cùng đồng minh có thể sẽ phong tỏa một số eo biển, tạo ra thách thức nghiêm trọng cho Moscow (Ảnh minh họa. Nguồn: Telegraph)

Một động thái nguy hiểm khác của London có thể là đóng cửa các eo biển quan trọng về mặt chiến lược đối với các tàu Nga [cả dân sự và quân sự]. Trên thực tế, người Anh đang kiểm soát eo biển Gibraltar và eo biển Anh. Nếu muốn, họ có thể gây ra thêm một số vấn đề với Nga ở kênh đào Suez. Đây sẽ là một thách thức rất nghiêm trọng với Moscow.

Vương quốc Anh đã không còn là “kẻ thống trị các vùng biển” như trước đây nhưng nguồn lực trong hạm đội của họ vẫn đủ cho những hoạt động cản trở như vậy.

Đối đầu Nga, tàu chiến Anh sẽ đánh chìm được nửa Hạm đội Biển Đen hay bị Su-24M “xé toạc làm đôi”?

Liệu Nga có đủ lực lượng để phá vỡ phong tỏa các eo biển và tuyến đường thương mại này?

Kịch bản khắc nghiệt nhất và ít có khả năng xảy ra nhất là một cuộc tấn công đối xứng từ hạm đội Anh nhằm vào bất cứ tàu chiến nào của Nga “xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ”.

Giới chức ở London cũng không lo ngại về Thế chiến III với Nga do những lý do tương tự như ông Putin đưa ra. Ở đây, theo tác giả Marzhetsky, một lần nữa chúng ta phải trở lại câu hỏi về khả năng thực chiến của Hải quân Nga.

Nếu Moscow muốn mình thực sự đáng gờm thì lực lượng hải quân của họ phải tương xứng với năng lực của các đối thủ tiềm năng.

Bảo Trâm (Theo Telegraph, Spunik)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều