Nga đang cười nhạo Mỹ về siêu vũ khí?
Tổng thống Putin đã có sẵn “trong túi” các loại vũ khí này và nắm trong tay quân bài quan trọng khi nói chuyện với người đồng nghiệp Mỹ.
Niềm kiêu hãnh Mỹ bị tổn thương
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF-5) mới đây ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã đề nghị người đồng cấp Mỹ Donald Trump mua vũ khí mới của Nga, trong đó có các loại tên lửa siêu vượt âm.
Khi được hỏi làm cách nào các vũ khí mới của Nga có thể tương thích với những thỏa thuận kiểm soát vũ khí đang tồn tại, ông Putin nói:
“Tôi đã nói với Tổng thống Donald Trump rằng: Nếu ngài muốn, chúng tôi sẽ bán cho ngài. Như vậy, ngay lập tức chúng ta sẽ cân bằng tất cả. Họ (Mỹ-PV) nói rằng sẽ tự sản xuất và có sẽ cũng sắp sản xuất (các loại vũ khí).
Nhưng tốn tiền để làm gì khi mà chúng tôi cũng đã tốn kém và có thể kiếm được chút gì đó mà không ảnh hưởng tới an ninh của chúng tôi”.
Bình luận về phát biểu của Tổng thống Putin, tờ SvPressa của Nga cho rằng không thể khẳng định đây là đề nghị nghiêm túc hay lời nói đùa của nhà lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, có một sự thật là Nga đã sản xuất được các loại vũ khí siêu vượt âm để trang bị cho quân đội.
Chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin khẳng định người Mỹ đang thực sự bất an vì tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh và có thể đe dọa an ninh Mỹ.
Theo ông, chính các chuyên gia Mỹ tin rằng Nga có khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu đã lựa chọn. Khi đó, ngay cả những mục tiêu được bảo vệ tốt nhất cũng có thể bị tiêu diệt chỉ bằng một quả tên lửa.
Người Mỹ cũng nhận định Nga đã cho triển khai vũ khí siêu thanh ở Orenburg và trong giai đoạn 2020-2025, Nga sẽ có 24 “cỗ máy chiến đấu” dựa trên cơ sở Avangard.
Theo tờ báo Nga, các loại tên lửa siêu thanh Kinzhal, Zircon hay Avangard đã có trong biên chế hoặc sắp được biên chế cho quân đội Nga. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Putin đã có sẵn “trong túi” các loại vũ khí này.
Đây chính là quân bài quan trọng của ông khi nói chuyện với người đồng nghiệp Mỹ. Do đó, tờ SvPressa cho rằng Tổng thống Putin không sử dụng các loại vũ khí mới để “tống tiền” mà chỉ để “nói đùa”.
Chính vì vậy, khi mời Mỹ mua các tổ hợp vũ khí siêu thanh của Nga, Tổng thống Putin đã “cười nhạo” ông Trump. SvPressa viết: “Và để đáp lại, người ta đã phùng mang trợn mắt và nói rằng họ sẽ sớm có được loại vũ khí này”.
Tờ báo Nga tin rằng Mỹ không chịu ngồi khoanh tay mà đã tiến hành các vụ thử tên lửa. Không phải ngẫu nhiên Mỹ công bố kế hoạch phóng thử tên lửa tầm trung bố trí trên mặt đất (vốn bị Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung INF cấm).
Phía Nga nhận định, có thể Mỹ sẽ cho thử nghiệm một trong các loại tên lửa Hera, MRT, Aries, LV-2, Storm, Storm-2, MRBM vốn đã được Mỹ hoàn thiện để mang các loại đầu đạn khác nhau.
SvPressa cho rằng ưu thế của Nga trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh sớm muộn cũng chấm dứt dù Tổng thống Putin có khẳng định “chúng tôi dù sao cũng đi trước một bước”. Bản thân ông Putin cũng hiểu rằng một cuộc đua vũ trang sẽ không dẫn tới bất kỳ điều gì tốt đẹp.
Chính vì vây, Moscow hiện tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Washington về vũ khí siêu thanh trong khuôn khổ cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược.
Vòng xoáy nguy hiểm
Trong khi đó, bình luận về việc cả Nga và Mỹ cùng rút khỏi và ngừng tuân thủ INF, đồng thời không có dấu hiệu gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START Mới), Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng thế giới đang đối mặt với nguy cơ không tồn tại bất kỳ sự kiểm soát và hạn chế nào trong lĩnh vực hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI.
Theo RIAC, việc ký kết thỏa thuận về hạn chế vũ khí hạt nhân từng là nhân tố dẫn tới sự nồng ấm trong quan hệ giữa các nước tham gia hiệp ước trong lĩnh vực an ninh cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như giai đoạn xuống thang từ giữa đến cuối những năm 1970 (sau khi ký Hiệp ước đàm phán về việc hạn chế vũ khí chiến lược” (SALT-1) và cải thiện đáng kể mối quan hệ Xô-Mỹ vào cuối những năm 1980-1990 (sau khi ký INF và một loạt thỏa thuận hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược).
Mục tiêu kiểm soát vũ khí cũng luôn đòi hỏi những nhiệm vụ cụ thể hơn. Năm 1972, Liên Xô và Mỹ đã nhất trí thiết lập giới hạn triển khai các phương tiện phóng chiến lược trên bộ và trên biển, nhờ đó có được khả năng dự đoán ở mức độ nhất định trong lĩnh vực xây dựng quân sự mà phần lớn phụ thuộc vào các kế hoạch và hành động của bên đối đầu.
Điều này cho phép trong chừng mực nào đó giải quyết được vấn đề lên kế hoạch xây dựng các lực lượng hạt nhân chiến lược cũng như tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách.
Những hạn chế không chỉ áp dụng đối với phương tiện phóng vũ khí hạt nhân chiến lược, mà còn cả với số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai trên đó, mở rộng phạm vi kiểm soát các hệ thống chiến lược, bao gồm cả máy bay ném bom hạng nặng và tên lửa có cánh tầm xa.
Cuối cùng, hai bên đã giải quyết được các vấn đề từ những giới hạn thông thường đối với việc gia tăng các kho hạt nhân chiến lược đến việc cắt giảm trên thực tế các kho vũ khí hạt nhân chiến lược.
Trong 25 năm qua, Nga và Mỹ đã giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình xuống 8 lần, từ 11.000-12.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn khoảng 15.000 đầu đạn cho mỗi bên.
INF, cấm hai nước nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và triển khai một lớp vũ khí hạt nhân bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung bố trí trên bộ và trên biển, được đánh giá là hiệp ước triệt để nhất giữa Liên Xô và Mỹ.
Theo RIAC, đến cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, các hiệp ước song phương Nga-Mỹ về việc hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân đã không còn giá trị. Một cuộc đua vũ trang chưa thực sự rõ ràng song có những dấu hiệu cho thấy hai nước đang ở giai đoạn đầu của một tiến trình như vậy.
Chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân vẫn tiếp diễn. Ngoài việc tham gia hoạt động của các hệ thống vũ khí riêng rẽ, Mỹ cũng đề xuất tiến hành thay thế dần các phương tiện hiện nay bằng các phương tiện mới hiệu quả hơn như tên lửa xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm, tàu tuần dương được trang bị tên lửa chiến lược và máy bay ném bom hạng nặng.
Chương trình này sẽ rất tốn kém, mặc dù có thể kéo dài trong nhiều thập niên đến năm 2040. Hơn nữa, việc gia tăng tổng số lượng đầu đạn hạt nhân trong các lực lượng chiến lược của Mỹ hiện chưa được lên kế hoạch.
Mỹ cho rằng giới hạn 1.550 đơn vị theo quy định trong START Mới là đủ để kiềm chế ở mức độ đáng tin cậy bất cứ đối thủ tiềm tàng nào.
Tuy nhiên, chương trình này gần như chắc chắn sẽ trở thành nhân tố gây khó chịu đối với Nga, có thể kéo theo một loạt biện pháp đáp trả. Khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ tiếp tục gia tăng sẽ bị Nga coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này. Nga có nhiều chương trình trong lĩnh vực chế tạo và hoàn thiện khả năng hạt nhân như là các biện pháp đáp trả những hành động của Mỹ.
RIAC đánh giá, khả năng bắt đầu vòng xoáy chạy đua vũ khí hạt nhân và nhiều loại vũ khí khác giữa Nga và Mỹ là tương đối cao.
Trong tình hình hiện nay, một trong những quyết định cho phép làm giảm mức độ căng thẳng trong lĩnh vực này có thể là tuyên bố đơn phương của giới lãnh đạo Nga và Mỹ về việc tiếp tục tuân thủ các điều kiện chính của START Mới sau khi hiệp ước này hết hiệu lực trong trường hợp không được gia hạn.
Bảo Minh/ Đất Việt