+
Aa
-
like
comment

Nga đã giúp Trung Quốc “chèn ép” đồng USD như thế nào?

Huy Hoàng - 21/02/2022 18:09

Vừa qua, tờ Bloomberg đưa tin “Đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến trong thanh toán toàn cầu. Khối lượng giao dịch quốc tế bằng đồng NDT trong những tháng vừa qua đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay”. Và sự thực khiến không ít người bất ngờ, đó là Nga là một trong những quốc gia lớn đang giúp Trung Quốc “chèn ép” đồng USD.

“Nhân Dân Tệ” đang trở thành một mối đe dọa lớn với đồng USD.

Nhu cầu sử dụng Nhân Dân Tệ (NDT) đã tăng vọt trong bối cảnh công ty Gazprom Neft chấp nhận NDT thay vì dùng USD để thanh toán việc tiếp nhiên liệu cho máy bay Nga tại các sân bay Trung Quốc. Cùng với đó Moskva cũng giảm dự trữ đồng USD, thay vào là đồng Euro và đồng Nhân Dân Tệ.

Gazprom Neft chấp nhận (NDT) thay cho USD để thanh toán việc tiếp nhiên liệu cho máy bay Nga tại các sân bay Trung Quốc khiến nhu cầu sử dụng NDT tăng vọt.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch bằng đồng NDT tăng, cũng là do các quỹ đầu tư quốc tế nắm giữ nhiều “trái phiếu chính phủ” của Trung Quốc hơn, thay vì Mỹ. Từ đó đẩy lượng giao dịch NDT lên mức kỷ lục mới.

Trong hai tháng hai đầu năm mới, NDT đã trở thành phương tiện thanh toán phổ biến thứ tư trên thế giới, trong khi vào tháng 10/2010, đồng tiền của Trung Quốc mới ở vị trí thứ 35. Vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng các loại tiền tệ phổ biến nhất trong giao dịch vẫn do USD nắm giữ, tiếp theo là Euro và ở vị trí thứ ba là đồng bảng Anh.

Một số nhà phân tích cho rằng thị trường trái phiếu của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt đến con số 800 tỷ NDT vào năm 2022, tăng so với mức 755 tỷ của năm ngoái. Lý do là vì Hiệp định Thương mại đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với mục tiêu làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của Trung Quốc về trao đổi thương mại trong khu vực, sẽ khuyến khích các nước thành viên đẩy mạnh việc nắm giữ đồng NDT để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế với Trung Quốc trong tương lai.

RCEP sẽ khuyến khích các nước thành viên đẩy mạnh việc nắm giữ đồng NDT.

“Nhân Dân Tệ” đang trở thành một mối đe dọa lớn với đồng USD. Và quan trọng hơn, Trung Quốc cũng muốn “tuyên chiến” với USD , vốn đã nắm giữ vị thế độc tôn bấy lâu nay.

Đại dịch Covid-19 đã khiến Mỹ “điên cuồng” in tiền. Song, lạm phát cũng theo đó mà bật tăng. Mỹ là nước xuất khẩu lạm phát ra thế giới, vì thế khi đồng USD tràn ngập đã khiến cho các nước lo lắng. Tác động tiêu cực của chính sách in tiền ở Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế của các nước thị trường mới nổi và đây cũng là vấn đề mấu chốt cho sự rạn nứt niềm tin với đồng USD. Trong hơn một năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã in hơn 4 nghìn tỷ USD tiền giấy để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Con số này bằng 1/5 nguồn cung cấp đồng USD. Việc in tiền “điên cuồng” không chỉ trở thành động lực gây ra lạm phát trên toàn cầu, mà còn làm giảm lòng tin của người dân đối với đồng USD, việc đồng USD tràn ngập khiến giá trị của nó lung lay, từ đó phá vỡ vị trí thống trị của đồng USD. Các quỹ tài chính sẽ mua đồng NDT như một cách để giảm thiểu rủi ro, bởi “Không ai khờ dại mà bỏ hết trứng vào một rổ”.

Lạm phát Mỹ tăng mạnh kể từ 2008.

Vào những thế kỷ trước, để phát hành tiền, các quốc gia đều phải dựa trên cơ sở lấy vàng để làm phương tiện tiêu chuẩn, hay còn gọi là bản vị vàng. Lượng tiền in ra phải tương xứng với lượng vàng có trong kho dự trữ quốc gia. Cách làm này sẽ có thể ngăn chặn việc phát hành tiền tệ quá mức và kiềm chế lạm phát. Song, do việc phát hành tiền tệ cần phải gắn chặt với vàng, nên ngân hàng trung ương phải có đủ vàng để dự trữ, nếu không, hiệu quả của việc phát hành tiền tệ sẽ giảm đi đáng kể, thậm chí là đổ vỡ nếu nền kinh tế quốc gia đó gặp khó khăn.

Nếu lượng tiền phát hành được bảo chứng với số vàng mà quốc gia đó đang sở hữu, sẽ khiến cho quốc gia đó không thể in bừa bãi như ngày nay được. Mặc dù việc này sẽ ngăn nguy cơ lạm dụng tiền tệ nhưng vào những lúc nền kinh tế khó khăn như hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua, chính phủ các nước sẽ không thể linh hoạt mà bơm tiền để kích thích khôi phục nền kinh tế.

Do đó, “cú sốc Nixon” 50 năm trước mang ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi sự vận hành của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Khi đó, một buổi nói chuyện của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã khiến giá trị đồng USD chính thức tách biệt với vàng. Kết quả là, việc phát hành đồng USD không còn bị hạn chế bởi lượng dự trữ vàng, mà chỉ cần sự đồng ý của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là có thể in tiền không giới hạn. Các nước sau đó cũng làm theo và vẫn giữ phương cách linh hoạt này cho đến ngày nay.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã khiến giá trị đồng USD chính thức tách biệt với vàng.
Do đó, “cú sốc Nixon” 50 năm trước mang ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi sự vận hành của hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Tuy nhiên, ở Mỹ, chính việc in tiền quá nhiều, thậm chí là in nhiều tới mức quá đáng đã khiến cho niềm tin đồng USD bị suy giảm lung lay đáng kể. Do đó, điều này đã vô tình tạo cơ hội cho các đồng tiền khác lên ngôi. Mặc dù các nhà kinh tế Trung Quốc và thế giới đều đồng ý rằng sẽ không có đồng tiền nào có thể đe dọa vị thế của đồng USD trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hệ thống thanh toán tiền tệ quốc tế kể từ lúc này sẽ không còn phải lúc nào cũng bị đồng USD chi phối.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều