+
Aa
-
like
comment

Nga đã đạt được những gì và cuộc tiến công vào Ukraine sẽ kéo dài bao lâu?

25/02/2022 06:01

Phương Tây gọi cuộc tiến công vừa rồi của Nga nhằm vào Ukraine là một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định đây chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, không phải là chiến tranh. Chiến dịch có quy mô lớn, triển khai đồng loạt ở nhiều nơi nhưng có thể sẽ không kéo dài lâu.

Hai bên đều có lý nhất định trong cách gọi. Từ những gì đang diễn ra trên thực địa, có thể nói sự kiện quân sự ngày 24/2/2022 là một cuộc tiến công quy mô lớn, trên diện rộng, từ nhiều hướng, nhưng có lẽ nó chưa biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Phía Nga xác định đây là một chiến dịch “phi quân sự hóa” và “phi Quốc xã hóa” đối phương chứ không có mục đích chiếm đóng Ukraine. Trước mắt, Nga có khả năng tập trung bảo vệ hai vùng ly khai đông người Nga sinh sống ở miền Đông Ukraine và triệt tiêu năng lực tác chiến thù địch từ phía Ukraine đối với Nga.

nga tan cong ukraine anh 7
Cảnh đổ nát tại một vị trí ở Kiev sau cuộc pháo kích của Nga.

Hoạt động quân sự của Nga, bắt đầu từ sáng sớm ngày 24/2, mới chỉ dồn vào khu vực ly khai (Donetsk và Lugansk) và việc tiêu diệt năng lực quân sự của Ukraine (như các trung tâm chỉ huy, kho đạn dược, sân bay, căn cứ quân sự, và hệ thống phòng không). Để tăng tốc độ tiến đánh, quân đội Nga đã xâm nhập Ukraine từ cả ba hướng: Hướng Đông (giáp biên giới với Nga), hướng Bắc (từ lãnh thổ đồng minh Belarus), và hướng Nam (khu vực Crimea). Nga đã thực hiện hoạt động tuyên truyền và tâm lý chiến rầm rộ để binh sĩ Ukraine nao núng về tinh thần và bớt chống trả quyết liệt.

Trước đây, vào năm 2008 Nga từng can thiệp quân sự vào Gruzia, giao tranh với quân đội Gruzia nhằm bảo vệ cộng đồng người Nga thiểu số sống tại đó, trong 2 vùng ly khai là Abkhazia và Nam Ossetia. Chiến dịch quân sự của Nga thời đó kéo dài khoảng 5-6 ngày. Khi chiến dịch kết thúc, Nga mới bắt đầu chính thức công nhận nền độc lập của 2 thực thể ly khai này (khác với vừa qua, Nga công nhận độc lập của Donetstk và Lugansk trước rồi mới ra tay về mặt quân sự).

Ukraine có diện tích rộng hơn Gruzia gấp nhiều lần. Ukraine thậm chí còn rộng gần gấp đôi nước Đức và vẫn nhỉnh hơn diện tích nước Pháp lục địa. Do vậy, chiến dịch quân sự lần này của Nga có thể sẽ phải kéo dài hơn năm 2008.

Tuy nhiên cũng vì quy mô diện tích của Ukraine và những khó khăn kinh tế nội tại của Nga, chính quyền Tổng thống Putin có lẽ sẽ không mạo hiểm kéo dài hoạt động quân sự của mình thành một cuộc chiến tranh trường kỳ mà chỉ dừng lại ở một chiến dịch quân sự đơn lẻ.

Động cơ chiến dịch quân sự đặc biệt do Tổng thống Nga Putin phát động có thể gồm các điểm sau:

1- Nga muốn bảo vệ cộng đồng người Nga ở miền Đông Ukraine, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở đây. Putin vẫn còn ám ảnh nhiều về nguồn gốc lịch sử đất nước Ukraine khi ông cho rằng phần lớn diện tích của Ukraine có được ngày nay là nhờ chính sách sáp nhập đất đai từ Đế chế Nga, sau đó là từ Liên Xô (trong đó Nga là một thành viên lớn).

Tổng thống Putin và xung đột Nga-Ukraine. Đồ họa: The Quint.
Tổng thống Putin và xung đột Nga-Ukraine. Đồ họa: The Quint.

2- Nga muốn bảo đảm an ninh cho bản thân trước nguy cơ Ukraine gia nhập khối quân sự NATO và Liên minh châu Âu (EU).

3- Nga e ngại về khả năng “cách mạng màu” theo kiểu phương Tây ở Ukraine có thể lan sang Nga, ảnh hưởng đến chế độ chính trị tại Nga.

4- Nga muốn gửi đi thông điệp cứng rắn để “nhắc nhở” không chỉ ban lãnh đạo Ukraine mà còn nhiều nước khác trong không gian hậu Xô viết về điều mà họ coi là sự tôn trọng cần có dành cho Nga.

Dựa vào những gì các nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, những gì Nga đã làm ở Syria, và thực lực kinh tế cũng như các mối quan hệ quốc tế của Nga hiện nay, có thể nhận thấy Nga sẽ không muốn sa lầy vào một cuộc chiến dài lâu ở Ukraine.

Tuy nhiên với lối đánh tinh gọn, có thể quân đội Nga sẽ đạt được các mục tiêu đề ra như làm suy giảm đáng kể năng lực quân sự của Ukraine, gây mất tinh thần cho chính quyền Ukraine khiến họ phải chùn bước trước hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông. Không loại trừ, “chiến dịch quân sự đặc biệt” này kết hợp với các hoạt động tình báo có khả năng đóng vai trò xúc tác cho những đột biến trên chính trường Ukraine, theo hướng nghiêng về phía Đông thay vì dịch chuyển sang phía Tây như thời gian qua.

Hơn 80 cơ sở hạ tầng của Ukraine bị thiệt hại

Người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, “Tổng cộng, do kết quả của các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Nga, 83 đối tượng mặt đất thuộc cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine đã bị vô hiệu hóa và bốn máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB-2 của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị bắn hạ.

Ông nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục, quân đội của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk đã xuyên thủng hàng phòng thủ được trang bị tốt của Lực lượng vũ trang Ukraine, tiến sâu 6-8 km nhờ sự hỗ trợ hỏa lực của pháo binh và không quân Nga.

Một vụ nổ lớn tại thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 24/2. (Ảnh: AP)
Một vụ nổ lớn tại thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 24/2. (Ảnh: AP)

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga D.Peskov cho biết, “chiến dịch có mục tiêu của nó, chúng phải đạt được.” Thời hạn kết thúc chiến dịch do Tổng thống Putin quyết định.

Theo chuyên gia quân sự Alexei Leonkov, phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ucraina và giải phóng lãnh thổ của các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk là những nhiệm vụ chính trong chiến dịch của quân đội Nga ở Donbass. Ông tin rằng nó sẽ được hoàn thành sớm.

Nhà khoa học chính trị Pyotr Apokov cho rằng, cơ sở quân sự của Ukraine sẽ bị phá hủy và sau khi đưa quân từ Belarus, Cremia và Donbass vào thì nghi vấn về sự đầu hàng của quân đội Ukraine sẽ được đặt ra trong vài ngày tới. Theo ông, Nga không lấy lãnh thổ Donbass cho riêng mình mà thay đổi toàn bộ Ukraine, tức là đang nói về sự thay đổi hoàn toàn quyền lực tại Ukraine và việc loại bỏ Ukraine thời hậu Maidan.

Tùng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều