Nga chọn Việt Nam là nơi để xây dựng cảng vũ trụ đầu tiên ở Đông Nam Á
Việt Nam vinh dự là ứng cử viên số một trong kế hoạch xây dựng cảng vũ trụ theo nhận định từ các nhà khoa học của Nga.
Cách đây vài năm, một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng cảng vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác. Trong đó, Việt Nam được tất cả công nhận là địa điểm chính và khả thi nhất để xây dựng công trình này.
Lợi ích của cảng vũ trụ
Dự kiến, cảng vũ trụ sẽ cho phép các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, một trong những người bạn tốt nhất và ổn định nhất của Nga trong nhiều thập kỷ qua, đi đầu về tốc độ phát triển của thế giới, đồng thời mang lại thu nhập đáng kể.
Hơn nữa, các chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành vũ trụ, như Elon Musk chẳng hạn, ngày nay rất coi trọng lợi nhuận tài chính được tạo ra từ không gian. Chinh phục vũ trụ không còn là lĩnh vực chi tiêu tốn kém của nhân loại, khi đây đang trở thành cách thức hoàn vốn tiên tiến. Chính vì vậy, các doanh nhân nổi tiếng, như Richard Branson và Jeff Bezos, gần đây đã bắt đầu tích cực thúc đẩy các dự án không gian gần Trái đất.
Vì vậy, các nước có hệ tư tưởng tiên tiến như Việt Nam càng có thể và cần chứng tỏ lợi thế của mình trong cuộc cạnh tranh không gian trong thời đại mới.
Việt Nam hoàn toàn không còn là một nước nằm ngoài cuộc trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Bởi trên thực tế, công dân Việt Nam là phi công vũ trụ Phạm Tuân đã từng tham gia chương trình Intercosmos của Liên Xô. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo thích hợp, năm 1980 ông đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Soyuz-37 và trở về Trái đất trên tàu Soyuz-36, cũng như làm việc trên trạm quỹ đạo Salyut-6. Với thành tích này, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng Lao động Việt Nam.
Nói cách khác, Việt Nam không phải là đối tượng lựa chọn ngẫu nhiên để xây dựng sân bay vũ trụ trên lãnh thổ của mình. Các tác giả dự án của Nga đã tính toán cẩn thận thậm chí cả từng chi tiết như địa điểm phóng mà theo họ, mũi Cà Mau rất có khả năng trở thành địa điểm này.
Giới học giả Nga nói gì?
Giới học giả và chuyên gia Nga, trong đó có tôi, rất quan tâm đến những sáng kiến như vậy, vì chúng có khả năng tạo ra bước đột phá đảm bảo cho Nga và những người bạn thân thiết nhất của nước này trong kỷ nguyên công nghệ tương lai. Đặc biệt, theo kiến nghị của tôi, Tổng giám đốc, Công trình sư trưởng của Cơ quan vũ trụ Baltic, ông Yury Morozov, đã nhận định sáng kiến về khả năng xây dựng cảng vũ trụ quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam.
Từng có thời gian, các chuyến bay vũ trụ được coi là chuyện hoang đường. Tuy nhiên, sau năm 1957 và 1961, những năm được coi là biểu tượng chính cho bước đột phá của nhân loại trong lĩnh vực này, thì chúng đã trở thành những chuyến bay kỷ lục, khiến các nước lớn bày tỏ sự cạnh tranh công khai. Sau khi nín thở vì tò mò, cả thế giới bắt đầu dõi theo cuộc đua vũ trụ.
Theo đó, quân đội các cường quốc tập trung vào lĩnh vực không gian, quan tâm đến các hoạt động trinh sát và thông tin liên lạc trong vũ trụ, sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ từ ngân sách quốc gia cho mục đích này.
Tuy nhiên, hiện đã đến lúc vũ trụ trở thành “đấu trường” của kinh doanh và thương mại. Các doanh nhân bắt đầu đổ xô đầu tư vào vũ trụ. Đáng ngạc nhiên là, ngay cả các quốc gia nhỏ cũng bắt đầu quan tâm lớn đến ngành công nghiệp vũ trụ, nghiên cứu những cơ hội mà ngành không gian vũ trụ mang lại.
Giống như ngành hàng hải, tàu vũ trụ về cơ bản đã và đang lặp lại lịch sử của tàu biển. Lúc đầu, những nhà hàng hải vĩ đại đã thực hiện các chuyến đi táo bạo, càng ngày họ càng đi xa bờ. Những con tàu ban đầu rất kỳ dị, trong khi những con tàu lớn đặc trưng thì chỉ các nhà vua Ai Cập hoặc hoàng đế La Mã mới sở hữu. Sau đó, các chiến binh và thương gia bắt đầu đi theo những nhà thám hiểm và khách du ngoạn.
Và cuối cùng, sự hiện diện của quân đội và đội tàu buôn đã trở thành thuộc tính không thể thiếu của một cường quốc tiên tiến. Hạm đội cần các công trình cảng biển, nên việc tiếp cận biển đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều cường quốc như Đế chế Nga và một số cường quốc khác.
Thế nhưng, không phải ở đâu cũng có cảng biển thuận tiện. Vì vậy, đã nổ ra các trận chiến khốc liệt nhằm tranh giành những vị trí chiến lược này, như: Hong Kong, Singapore, cảng Suez, kênh đào Panama, Constantinople, Gibraltar, Aden, Cape Town…
Những điều kiện cần đối với cảng vũ trụ
Câu chuyện ngày nay cũng tương tự như vậy. Không phải nơi nào trên thế giới cũng có những bến cảng dành cho tàu vũ trụ thuận tiện. Vậy những điều kiện nào cần có đối với cảng vũ trụ, và để triển khai nó thì cần có những yêu cầu gì?
Trước hết, cảng vũ trụ cần được bố trí nằm gần đường xích đạo hơn. Bởi lẽ, để bay vào vũ trụ thì tên lửa phải đưa phi thuyền lên ở tốc độ 7.800 m/giây. Tốc độ bay của tên lửa càng cao, thì càng cần nạp nhiều nhiên liệu hơn. Như vậy, một tên lửa nặng 310 tấn cần đến 280 tấn nhiên liệu, tức là bằng 90% khối lượng của quả tên lửa đó. Và tốc độ tên lửa càng cao, thì càng khó tăng tốc độ này.
Nhưng quan trọng nhất là, Trái đất quay theo hướng từ Tây sang Đông. Đây là một chi tiết và dẫn chứng rất quan trọng để có tốc độ tên lửa tối ưu. Do đó, tất cả các tên lửa bay vào không gian liên hành tinh đều bay theo hướng Đông. Ngoài tên lửa phóng vệ tinh lên quỹ đạo cực, thì đây là những vệ tinh quan sát bề mặt Trái đất và một số vệ tinh liên lạc. Cho nên, cảng vũ trụ càng xa xích đạo thì tốc độ tăng thêm này càng nhỏ lại. Và khi phóng, chẳng hạn như phòng từ cực Trái đất, thì phần thêm này thường biến mất.
Cũng như bất kỳ cảng nào, cảng vũ trụ cần có điều kiện thời tiết tốt. Đối với ngành kỹ thuật vũ trụ, điều kiện tốt là bầu trời không mây và gió rất nhẹ. Khả năng tiếp cận để vận chuyển các tầng đẩy tên lửa cỡ lớn cũng là một thông số quan trọng đối với cảng vũ trụ.
Thông thường, đó là những tàu biển hoặc sà lan trên sông, nhiều tầng đẩy hiện cũng được đưa đến sân bay vũ trụ Canaveral (Mỹ) và Văn Xương (Trung Quốc) bằng cách đó. Khu vực rơi của các tầng đẩy tên lửa cũng có ảnh hưởng quan trọng, nên các sân bay vũ trụ được xây dựng trên bờ phía đông của những vùng biển lớn, hoặc trên những vùng sa mạc.
Chiều cao của cảng vũ trụ cũng mang lại lợi ích trong các vụ phóng, bởi càng lên cao thì động cơ tên lửa hoạt động càng mạnh. Đó chính là lý do tại sao cảng vũ trụ tốt nhất thế giới có thể được xây dựng trên hoang mạc vùng núi cao ở Tây Tạng, nơi có độ cao cách mực nước biển 5.000m để phóng tên lửa. Tuy nhiên, rất khó để đưa được tên lửa đến đó và rất khó để hoạt động. Một cảng như vậy là thuận tiện về mặt kỹ thuật, nhưng lại vô cùng bất tiện cho con người.
Công trình sư trưởng Cơ quan vũ trụ Baltic, Yury Morozov, tiếp tục phát triển các lập luận của mình, khi đề cập cụ thể đến Việt Nam và tầm quan trọng của quan hệ Nga-Việt. Ông cho biết: “Đương nhiên, việc chính phủ và người dân của nước sở tại ủng hộ xây dựng cảng vũ trụ là điều rất quan trọng. Bởi lẽ, đây mới là những điều kiện thuận lợi cơ bản để xây dựng cảng vũ trụ. Do đó, việc tìm kiếm vị trí để xây dựng cảng vũ trụ trong tương lai là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các chuyên gia giàu kinh nghiệm và các nhà chiến lược tài năng”.
Cuộc chạy đua mới
Nhưng hiện tại, năm 2021, thế giới đang diễn ra những thay đổi mạnh mẽ. Cũng như 500 năm trước, trong kỷ nguyên châu Âu với những khai phá địa lý vĩ đại, giao thông hàng hải có tầm quan trọng chiến lược. Vì vậy, hiện nay vận tải vũ trụ và các cảng vũ trụ đang trở nên quan trọng về mặt chiến lược.
Cuối cùng, những nơi mà ngày nay là Singapore, Hong Kong, Saint-Petersburg, New York cách đây 500 năm từng là gì? Là nơi hoang vu, đầm lầy, thiên đường của cướp biển… Nhưng rồi những nơi này đã phát triển như thế nào khi được chọn để xây dựng cảng biển?
Hiện trước mắt chúng ta đang bắt đầu một cuộc chạy đua mới trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Nhưng đây là một cuộc chạy đua thương mại, cuộc chạy đua tranh giành nguồn tài nguyên không gian, những nguồn lợi nhuận mới, cơ hội mới, hy vọng mới, quyền lực mới và tầm ảnh hưởng thế giới mới. Các liên minh không gian mới, những siêu tập đoàn, hiệp đoàn chính trị và quốc tế trong ngành vũ trụ đang được thành lập.
Vậy có cần cảng vũ trụ riêng cho khu vực Đông Nam Á không? Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc đã trả lời là có, là cần thiết và đây sẽ là một cảng vũ trụ của Trung Quốc; và người Trung Quốc đã xây dựng cảng vũ trụ trên đảo Hải Nam. Tổng thống Indonesia cũng từng nói: “Vâng, tôi cần một cảng vũ trụ”. Và ông đã gọi điện cho tỷ phú Mỹ Elon Musk: “Elon, hãy đến Indonesia và xây cho chúng tôi một cảng vũ trụ, ở đâu đó tại khu vực New Guinea!”.
Tại sao chọn Việt Nam?
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, liệu có nơi nào thích hợp nhất cho một cảng vũ trụ chính và lớn thực sự không? Các giảng viên đại học ở thành phố Saint-Petersburg của Nga đã đưa ra những tính toán thích hợp. Theo đó, họ đã chọn Việt Nam để xây dựng cảng vũ trụ, đất nước nằm trên bờ biển phía đông của bán đảo Đông Dương.
Tại sao công trình này lại được các nhà khoa học Nga thực hiện? Vì Nga là một trong 3 cường quốc vũ trụ, nhưng tất cả các cảng vũ trụ của nước này đều nằm ở phía Bắc, nơi cách quá xa đường xích đạo. Nga cần một cảng vũ trụ lớn nằm gần đường xích đạo. Và lẽ dĩ nhiên, Việt Nam cần kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Nga. Bởi ở đây có lợi ích chung, là cơ sở cho sự hợp tác hiệu quả. Trong tất cả các nước Đông Dương, thì Việt Nam là nước gần gũi và hiểu Nga nhất, thuận lợi nhất cho hợp tác giữa hai bên.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu bản thân Việt Nam có cần cảng vũ trụ hay không? Chắc chắn, cảng vũ trụ này sẽ gần đường xích đạo hơn đáng kể so với cảng vũ trụ của Trung Quốc. Nó sẽ nằm trên bờ phía Đông của vùng biển lớn, gần các tuyến đường giao thương và vận tải. Tuy nhiên, quan trọng là chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ ủng hộ không? Tất cả những câu hỏi này cũng cần có câu trả lời, dù nhiều điều đã khá rõ ràng…
Công trình sư trưởng Yury Morozov kết luận: “Mọi người đều biết rằng, nếu một quốc gia không muốn nuôi quân đội của mình, thì sớm muộn gì quốc gia đó cũng sẽ chuyển sang nuôi quân đội của kẻ khác. Ý tôi muốn nói là, nếu một nước lớn không có cảng vũ trụ và ngành công nghiệp vũ trụ của riêng mình, thì sớm muộn gì đất nước đó cũng sẽ làm việc cho ngành công nghiệp vũ trụ và không gian của quốc gia khác. Nhưng nếu không có cơ hội và nguồn lực để xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ hoàn chỉnh của riêng mình, thì có một cách cũ đã từng được thử nghiệm, đó là liên kết với những nước được hưởng lợi từ nó và có lợi cho nước mình”.
Từ ý kiến chuyên môn trên, có thể nhận định rằng, Việt Nam, một trong những nước đi đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); rằng Việt Nam, quốc gia kết nối châu Âu và châu Á thông qua Hiệp định tự do thương mại với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU); rằng Việt Nam, một trong những thành viên tích cực nhất trong hội nhập và hợp tác quốc tế, đơn giản là không thể nằm ngoài xu thế chính trong lĩnh vực hợp tác chinh phục vũ trụ.
Đây chỉ là cách tiếp cận thông tin đầu tiên cho chuyến du hành vĩ đại vào vũ trụ, với những ý tưởng về hòa bình, điều tốt đẹp và sự hợp tác, chứ không chỉ là vì mục đích thương mại. Hy vọng rằng, ý tưởng này sẽ được tiếp tục phát triển và trở thành hiện thực. Còn các chuyên gia sẽ luôn hỗ trợ trong việc thực hiện sáng kiến tuyệt vời này, sáng kiến có thể đưa nhân loại lên một tầm cao mới. Bởi suy cho cùng, đây chính là sứ mệnh lịch sử của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hạnh Nhân (Theo Bài viết của Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh)