Nga cho lưu hành lô vắcxin COVID-19 đầu tiên
Việc tiêm chủng đại trà vắcxin Sputnik V sẽ diễn ra song song với nghiên cứu lâm sàng giai đoạn cuối, theo Bộ Y tế Nga.
Theo hãng tin TASS, Bộ Y tế Nga ngày 8-9 công bố lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được xuất xưởng và đi vào lưu hành với tên thương mại là Gam-Covid-Vak. Thuốc sẽ được phân bổ cho các vùng miền của Liên bang Nga trong thời gian ngắn tới.
“Lô vắcxin đầu tiên ngừa virus corona chủng mới tên gọi Gam-Covid-Vak (Sputnik V) đã trải qua mọi khâu kiểm tra chất lượng cần thiết trong phòng thí nghiệm và được cấp phép lưu hành dân sự”, Bộ Y tế Nga thông tin.
Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, trong giai đoạn này, việc tiêm chủng được ưu tiên cho nhóm dân số gặp nguy cơ cao, đặc biệt là giáo viên và y bác sĩ. Đây cũng là một phần trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của vắcxin Sputnik V.
Sputnik V – sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya – đăng ký ngày 11-8 sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2. Việc Nga bỏ qua giai đoạn 3 gây không ít quan ngại trong giới y khoa quốc tế.
Đầu tuần này, tạp chí y khoa The Lancet công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng do Nga cung cấp, đồng thời lưu ý rằng thử các nghiệm dài hạn vẫn cần thiết để chứng minh hiệu quả của vắcxin.
Vắcxin Gam-Covid-Vak (Sputnik V) có hạn sử dụng 6 tháng, chỉ định dùng cho người trong độ tuổi từ 18-60 không bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. Hiệu quả miễn dịch được quảng cáo có thể kéo dài tối đa 2 năm.
Nga đã lên kế hoạch sản xuất 200 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay, trong đó 30 triệu liều cho nhu cầu trong nước, còn lại xuất khẩu ra nước ngoài cho các nước đã đăng ký như UAE, Saudi Arabia, Indonesia, Philippines, Mexico, Brazil, Ấn Độ…
(Theo TASS)