Nga chào hàng Việt Nam tàu chống biệt kích tối tân tại triển lãm DSE 2019?
Tại Triển lãm DSE Vietnam 2019 tổ chức ở Hà Nội, Tổng Công ty Rosoboronexport của Nga đã trưng bày mô hình tàu tuần tra chống biệt kích thuộc Dự án 21980E.
Là sản phẩm của Công ty Cổ phần Thiết kế Vympel, các tàu tuần tra chống biệt kích phá hoại thuộc Dự án 21980 lớp Grachonok được triển khai cho nhiệm vụ bảo vệ căn cứ hải quân, bến cảng và khu vực lãnh hải của Liên bang Nga.
Lớp chiến hạm này cũng được sử dụng để chống lại các hoạt động phá hoại và khủng bố trên biển, cũng như hỗ trợ cho Lực lượng Biên phòng trong nỗ lực bảo vệ biên giới quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại Hải quân Nga đã đưa vào hoạt động tổng cộng 12 tàu tuần tra Dự án 21980.
Việc Rosoboronexport mang mô hình phiên bản xuất khẩu của tàu tuần tra Dự án 21980E sang trưng bày tại Triển lãm DSE 2019 được nhận định nhằm chào hàng cho Việt Nam, khi hiện tại chúng ta đang có nhu cầu đối với một lớp tàu chức năng tương tự.
Tàu chống biệt kích lớp Grachonok – Dự án 21980 được đặt đóng mới vào năm 2008 và việc giao hàng diễn ra từ năm 2009, chúng đang phục vụ rộng rãi trong Hải quân Nga, bao gồm Hạm đội Baltic, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Caspian.
Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã chọn 3 đơn vị đóng tàu là nhà máy Zelenodolsk mang tên Gorky, Nhà máy đóng tàu Vostochnaya Verf và Nhà máy đóng tàu Vympel để chế tạo lớp tàu tuần tra này.
Nhà máy Zelenodolsk được giao đóng 9 chiếc, trong khi Vostochnaya Verf đã đóng và bàn giao 3 tàu, còn lại Nhà máy Vympel chịu trách nhiệm đóng 4 tàu Dự án 21980 lớp Grachonok khác.
Tàu tuần tra chống biệt kích Dự án 21980 có phần thân cấu tạo bằng thép và boong tàu được chế tạo từ hợp kim nhôm và magie. Chiều dài và chiều rộng tổng thể lần lượt là 31 m và 7,4 m, mớn nước 1,85 m. Với lượng giãn nước 138 tấn, tàu có thể mang theo kíp chiến đấu 8 người.
Chiếc chiến hạm này được thiết kế để mang theo một robot hoạt động dưới nước được điều khiển từ xa để tiến hành các hoạt động kiểm tra và trinh sát. Hệ thống lặn tích hợp trên tàu sẽ hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn cũng như rà phá thủy lôi.
Tàu tuần tra lớp Grachonok còn được cung cấp các thiết bị định vị và liên lạc tiên tiến để phát hiện và theo dõi hiệu quả vật thể dưới nước. Bao gồm radar dẫn đường MR-231 Anapa, hệ thống quan sát quang điện MTC-201 M3, hệ thống định vị thủy âm mini, đèn pha công suất lớn, loa phóng thanh, còi báo động và thiết bị tìm kiếm.
“Trái tim”của Grachonok đến từ hai động cơ diesel, hai chân vịt và hai máy phát điện. Tốc độ tối đa mà tàu có thể đạt tới là 23 hải lý/h, tầm hoạt động 200 hải lý, thời gian bám biển liên tục 5 ngày.
Ngọc Hoàng