Nga càng đánh càng thiệt, mấu chốt của cuộc đàm phán
Phái đoàn Ukraine đang trên đường tới Gomel để đàm phán với Nga. Các chuyên gia ngoại giao và quân sự Trung Quốc đã trao đổi với phóng viên về cuộc đàm phán này.
Hãng tin TASS vừa thông báo, Phái đoàn Ukraine sẽ lên đường tới Gomel để đàm phán với Nga. Trưởng phái đoàn đàm phán, trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Medinsky đã xác nhận thông tin trên.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phía Nga đã chuẩn bị đầy đủ cho các cuộc đàm phán ở khu vực Gomel, chờ phía Ukraine tới.
Chuyên gia Trung Quốc: Mấu chốt là trên chiến trường
Lý Hải Đông – Giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc – nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) rằng, không thể đánh giá Nga hay Ukraine có thái độ tích cực hơn trong đàm phán. Nhưng ông Lý tin rằng kết quả của cuộc đàm phán phụ thuộc vào diễn biến của chiến trường. Diễn biến của tình hình trên chiến trường trong mấy ngày tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhịp độ và kết quả của cuộc đàm phán.
Liên quan đến cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, đề xuất của Nga là nỗ lực thực hiện ngoại giao “nòng súng”. “Nếu quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin nghiêm túc trong đàm phán, họ phải ngừng ném bom Ukraine”, ông Price cho biết.
Giáo sư Lý Hải Đông cho rằng, trên thực tế, Mỹ không chủ động khi Nga và Ukraine ngồi lại đàm phán. Bởi vậy, yếu tố then chốt nhất vẫn là trên chiến trường.
Về cuộc đàm phán này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình phân tích với phóng viên Thời báo Hoàn cầu dưới góc độ quân sự. Ông Tống cho rằng Nga mới chỉ sử dụng một phần nhỏ lực lượng quân sự trong chiến dịch quân sự này, nhưng Ukraine đã dốc toàn bộ lực lượng. Hiện tại, chiến lược của Nga là buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán thông qua các biện pháp quân sự, thúc đẩy đàm phán bằng chiến tranh, chứ không phải để “tiêu diệt Ukraine”.
Ví dụ, Nga đã thực hiện kiềm chế trong hành động quân sự này nhằm giảm bớt thương vong cho dân thường, đồng thời kêu gọi quân đội Ukraine hạ vũ khí. Ngoài ra, một số lượng lớn quân đội Nga không tham gia vào xung đột quân sự, mà để ngăn NATO can thiệp, thậm chí có thể nói đây là trọng tâm quốc phòng của Nga.
“Nga hy vọng sẽ dùng hành động quân sự để cảnh cáo Ukraine, nhưng cuộc chiến càng kéo dài thì thiệt hại của Nga càng lớn, và việc khéo dài vô thời hạn cũng không phải những gì Nga mong đợi”, chuyên gia Tống nhận định.
Nếu Nga chiếm được Kiev, tình hình sẽ thay đổi lớn
Vào ngày 26/2, Ukraine đã tạm thời thay đổi thời gian giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng ngày thứ Hai. Một người Trung Quốc ở Kiev nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng những tiếng nổ lớn và tiếng súng nổ đã bắt đầu trong thành phố từ lúc 1:30 sáng. Tiếng súng có thể nghe thấy suốt buổi sáng và ngừng lại vào buổi trưa.
Ngày 27/2, quân đội Nga tiến vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, và bao vây hai thành phố lớn khác là Kherson và Berdyansk.
Ông Tống Trung Bình nói: “Việc kiểm soát các căn cứ quân sự và các thành phố quan trọng sẽ là yếu tố then chốt để Nga buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Với vai trò là thủ đô của Ukraine, một khi Nga chiếm được Kiev, tình hình sẽ có sự thay đổi lớn. Dù gì thì Kiev cũng có ý nghĩa chính trị và tính biểu tượng rất lớn, đây sẽ là một ‘quân bài’ giúp tăng vị thế của Nga trong các cuộc đàm phán”.
Chuyên gia Tống tin rằng, đối với Ukraine, Tổng thống Zelensky cũng sẵn sàng đối thoại và thậm chí có thể nói rằng hoạt động quân sự càng kéo dài thì Ukraine càng có ít “quân bài” để mặc cả trong cuộc đàm phán.
“Tổng thống Zelensky có thể đàm phán trên quan điểm tìm kiếm hòa bình cho người dân, giải quyết tranh chấp giữa hai bên và khôi phục cuộc sống hòa bình cho người dân càng sớm càng tốt”, ông Tống nhận định.
Khai Tâm