Nga bị Mỹ “kề dao vào yết hầu”: Hội đồng An ninh LB Nga họp khẩn cấp – Không hoảng loạn
Sau khi Phó đô đốc John Hill, người đứng đầu Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đến thăm Ba Lan, Hội đồng An ninh LB Nga, dưới sự chủ trì của TT Putin, đã tổ chức họp khẩn cấp.
Mỹ dự định triển khai tên lửa hành trình Tomahawk cùng với các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao sát gần với biên giới Nga; hành động này của Mỹ không khác gì kề dao vào yết hầu Nga.
Căn cứ quân sự Redsikovo của Ba Lan
Căn cứ quân sự Redzikovo ở Ba Lan có tầm hết sức quan trọng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đây là một ngôi làng nhỏ cách cảng Gdansk 150 km, cách ngôi làng không xa là một sân bay quân sự cũ, nơi trước kia là căn cứ một trung đoàn không quân của Ba Lan.
Hiện nay Ba Lan đã quyết định cho Mỹ xây dựng một căn cứ phòng thủ tên lửa ở đó, việc xây dựng sắp được hoàn thành. Quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai các bệ phóng tên lửa phòng thủ tầm cao SM-3 hiện đại nhất tại căn cứ này.
Bộ Quốc phòng Mỹ đảm bảo rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan sẽ bảo vệ châu Âu khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ Iran.
Nhưng rõ ràng Teheran sẽ không và không có khả năng tấn công vào châu Âu, đặc biệt là Ba Lan, một quốc gia chưa bao giờ có xung đột trực tiếp với Iran. Nhưng giáp giới với Ba Lan là Nga, đây mới là mục tiêu của các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ thực sự hướng tới.
Không chỉ phóng được tên lửa phòng không SM-3, bệ phóng MK-41 Aegis có thể phóng được tên lửa hành trình Tomahawk. Vào ngày 18 tháng 8 vừa qua, Mỹ đã dùng bệ phóng Mk-41, phóng thử thành công một tên lửa hành trình Tomahawk.
Tầm bắn của tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn lên tới 2.500 km, nếu triển khai tên lửa ở Redsikovo, Mỹ có thể đặt toàn bộ khu vực phía tây của Nga dưới tầm đe dọa của tên lửa hành trình Tomahawk.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania
Một căn cứ phòng thủ tên lửa tương tự của Mỹ cũng được triển khai tại thị trấn Deveselu ở phía nam Romania.
Năm 1952, các chuyên gia Liên Xô đã xây dựng một căn cứ không quân ở đây, lúc đó Rumani là đồng minh của Liên Xô và dĩ nhiên Moscow đã hỗ trợ toàn diện Rumani trong việc xây dựng căn cứ này. Căn cứ không quân Devesela hoạt động tới năm 2002 mới đóng cửa.
Năm 2010, Tổng thống Rumani khi đó là ông Traian Basescu đã cho phép Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự tại đây; từ năm 2014 việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bắt đầu ở Devesela và đã gây ra mối căng thẳng giữa Nga với Mỹ và Rumani.
Tại căn cứ Devesela, lực lượng phòng thủ Mỹ đã bố trí 3 hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao; mỗi hệ thống được trang bị 8 tên lửa SM-3 Block IV. Liên quan đến sự hiện diện của tên lửa Tomahawk tại căn cứ Devesela, có nhiều thông tin rất khác nhau, có thể quân đội Mỹ đã triển khai tên lửa hành trình của họ tại căn cứ này.
Mục đích của Mỹ khi triển khai căn cứ quân sự ở Romania nhằm kiềm chế Nga từ bán đảo Crimea và các khu vực phía Nam của Nga; còn các căn cứ ở Ba Lan nhằm kiềm chế với Nga ở hướng bắc; tạo thành 2 gọng kìm bóp nghẹt Nga.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đen là ngăn chặn sức mạnh của hải quân Nga ở Biển Đen, kiểm soát bán đảo Crimea và tình hình chính trị ở Ukraine; do vậy việc triển khai tên lửa ở Romania phù hợp với khái niệm này.
Theo tuyên bố của quân đội Mỹ, việc triển khai các căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan chỉ với mục đích phòng thủ, nhằm bảo vệ Đông Nam Âu khỏi các hành động tiến công bằng tên lửa đạn đạo (nếu có) của Iran.
Nếu theo logic như vậy, thì những căn cứ ở Rumani còn có cơ sở; nhưng tại Ba Lan về mặt địa lý hoàn toàn khó giải thích với việc chống lại tên lửa của Iran?
Hiện nay chính quyền Rumani và Ba Lan rất ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của họ. Mặc dù Bucharest không đưa ra những tuyên bố gay gắt chống Nga như của Warsaw, nhưng rõ ràng Romania hiện là một trong những thành phần quan trọng nhất của Mỹ nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự của Nga ở Đông Âu.
Nga đáp trả hành động của Mỹ
Đương nhiên giới lãnh đạo Nga như “ngồi trên lửa” khi Mỹ triển khai các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania. Mối quan tâm của Moscow càng gia tăng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF mới đây, việc này tạo ra quá nhiều rủi ro đối với Nga.
Sau khi rời khỏi INF, Mỹ không còn những điều ràng buộc; họ có thể tự do triển khai tên lửa tầm trung ở Ba Lan và Romania; và Washington sẽ không bỏ lỡ cơ hội có một không hai để triển khai các biện pháp kiềm chế Nga.
Nên nhớ rằng, trong lịch sử, việc Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Cu ba, một quốc gia sát nách Mỹ, đã gây nên cuộc khủng hoảng tên lửa, suýt đẩy hai cường quốc Xô-Mỹ đến cuộc chiến tranh hạt nhân đầu thập niên 1960 và đưa nước Mỹ đến cơn hoảng loạn.
Cuộc khủng hoảng chỉ chấm dứt khi Liên Xô đồng ý rút toàn bộ lực lượng tên lửa của mình khỏi Cu ba; và hiện nay phải chăng Mỹ đang bước vào con đường của Liên Xô trước kia?
Gần như ngay lập tức sau khi Phó đô đốc John Hill, người đứng đầu Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đến thăm Ba Lan, một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh LB Nga đã được tổ chức tại Điện Kremlin dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Có lẽ câu hỏi về việc triển khai tên lửa của Mỹ sắp tới ở Ba Lan có thể là chủ đề chính trong cuộc họp đó; Moscow hiện đang tìm phương án đối phó với hành động trên của Washington.
Mặc dù trước kia, Nga hứa sẽ không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, nhưng lời hứa này liệu còn hiệu lực, khi các điều kiện cần thiết để triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Ba Lan và Romania đã sẵn sàng?
Vậy làm thế nào để Nga có thể đối phó lại với việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania?
Câu trả lời của Nga đã có: Vào tháng 2 năm 2019, Tướng Sergei Shoigu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh: Nga dự định phát triển một phiên bản phóng từ mặt đất của tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr với tầm bắn xa nhất có thể.
Nếu người Mỹ không từ bỏ kế hoạch của họ, Nga có thể triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất Kalibr và tên lửa siêu vượt âm Zircon theo ít nhất hai hướng:
Hướng đầu tiên là hướng Kaliningrad, việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga tại đây sẽ kiềm chế hoàn toàn căn cứ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan, do điều kiện địa lý là vùng lãnh thổ Kaliningrad có chung đường biên giới với Ba Lan.
Như vậy các bệ phóng Mk-41 sẽ nằm dưới tầm khống chế của tên lửa Nga. Và Warsaw sẽ phải suy nghĩ xem liệu có đáng để biến lãnh thổ của mình thành mục tiêu của tên lửa Nga hay không? Hay liệu các căn cứ của Mỹ có quá cần thiết mà Ba Lan phải chấp nhận sự đánh đổi?
Hướng thứ hai là hướng Crimea; sau khi Nga thu hồi năm 2014, Crimea là căn cứ quân sự chiến lược trong hệ thống phòng thủ của Nga.
Tầm quan trọng của Crimea không chỉ là căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen nằm ở Sevastopol, mà các hệ thống tên lửa triển khai trên bán đảo, cũng hướng tới châu Âu; mục tiêu của tên lửa đóng tại Crimea, trước hết sẽ là căn cứ ở Devesela ở Romania.
Vì vậy Nga đã có cách đối phó hiệu quả với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Rumania trên hướng này.
Ngoài ra, tên lửa căn cứ ở Crimea có thể bao quát mục tiêu ở các quốc gia châu Âu nằm trong thành phần NATO mà có mặt căn cứ quân sự và vũ khí của Mỹ trên lãnh thổ của họ.
Cùng với đó, hàng năm Nga đưa vào trực chiến khoảng 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa, đồng thời cải tạo nâng cấp các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân, kể cả tên lửa hành trình, trong bộ 3 răn đe chiến lược.
Hiện nay Moscow đang đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa siêu thanh Zircon, có khả năng xuyên phá qua bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Đây là hành động đáp trả mạnh mẽ nhất của Nga với việc triển khai các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu, nhất là Ba Lan và Rumania.
Ngô Trà /Soha News