Nga bất ngờ mở hành lang an toàn, kêu gọi người dân sơ tán khỏi Kiev
Ngày 28/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã mở hành lang sơ tán an toàn. Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi người dân rời khỏi thủ đô Kiev, người dân Ukraine có thể sơ tán khỏi thủ đô Kiev theo đường cao tốc về hướng thành phố Vasilkov, nằm cách Kiev khoảng 20km về phía Tây Nam.
“Đây là hướng đi thông thoáng và an toàn. Lực lượng Nga chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự và người dân Ukraine sẽ không gặp nguy hiểm” – Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga viết.
Lời kêu gọi người dân sơ tán của Bộ Quốc phòng Nga đưa ra trong bối cảnh phái đoàn Nga và Ukraine chuẩn bị ngồi vào bàn đàm phán hoà bình tại Belarus trong ngày 28/2.
Theo thống kê ngày 27/2 của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, ít nhất 368.000 người đã rời khỏi Ukraine và con số này sẽ còn tăng cao. Cơ quan này cũng dự báo, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể dẫn đến làn sóng tị nạn lên tới 4 triệu. Người dân đang từ Ukraine sang Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova.
Các nước Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đón số lượng người tị nạn lớn nhất đã được thông báo, để chuẩn bị kích hoạt cơ chế viện trợ và yêu cầu đóng góp từ các quốc gia thành viên khác. Hiện đã có ít nhất 17 quốc gia thành viên EU đã cung cấp thiết bị y tế, lều và chăn sau khi Kiev yêu cầu viện trợ.
Nga đưa lực lượng hạt nhân vào “tình trạng tác chiến đặc biệt”
Nga sở hữu khoảng 4.447 đầu đạn hạt nhân và một kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ, vốn là xương sống của lực lượng răn đe chiến lược.
Răn đe hạt nhân, khái niệm có từ thời Chiến tranh Lạnh, được các cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử sử dụng để ngăn chặn bất cứ đòn tấn công hạt nhân nào, với niềm tin bất cứ động thái nào như vậy đều dẫn đến kịch bản hủy diệt lẫn nhau.
Khi Liên Xô và Mỹ chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, Washington đã áp dụng chiến lược răn đe hạt nhân như vậy. Điều này có nghĩa nếu Liên Xô hoặc bất kỳ quốc gia nào cố gắng tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng và phát động đòn trả đũa thậm chí còn lớn hơn, tạo ra sức răn đe hiệu quả với bất cứ hành động phiêu lưu nào.
Tổng thống Nga dường như đang sử dụng chiến lược tương tự. “Bất kỳ quốc gia nào cố gắng cản trở chúng tôi nên biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức. Nó sẽ dẫn tới những hậu quả mà bạn chưa từng thấy trong lịch sử”, ông Putin từng nói.
“Tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga đưa lực lượng răn đe của quân đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt”, Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc họp với quan chức cấp cao ngày 27/2.
Truyền thông Nga cho biết Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.
Động thái mới của Tổng thống Putin được đưa ra khi chiến dịch tấn công Ukraine của Nga bước sang ngày thứ tư. Sau giai đoạn tấn công chớp nhoáng ban đầu, Nga đã mở đợt tấn công mới “từ mọi hướng”, song chưa đạt được mục tiêu chiếm các thành phố lớn khi vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine.
Khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là bao nhiêu?
Các quan chức Mỹ tỏ ra bối rối trước ý định thật sự của ông Putin. Nhưng rất hiếm khi một nhà lãnh đạo Mỹ hay Nga đưa ra lời đe dọa về chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine hiện nay.
Trong quá khứ, lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến đấu là khi Mỹ ném bom Nhật Bản vào tháng 8/1945. Thời điểm đó Mỹ độc quyền toàn cầu về vũ khí hạt nhân. Nhưng Liên Xô đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1949. Cho đến nay, Mỹ và Nga có hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Daryl Kimball nhận định việc ông Putin ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân Nga trong trạng thái sẵn sàng là điều đáng tiếc, nhưng không hoàn toàn bất ngờ. Trước đó, ông Putin đã đưa ra những lời đe dọa với bất kỳ quốc gia nào cố gắng ngăn chặn Nga ở Ukraine.
(Theo RT)