+
Aa
-
like
comment

Nga bất ngờ khi Việt Nam cải biên thiết giáp thành pháo phòng không

14/04/2021 10:59

Từ một chiếc xe bọc thép chở quân của Liên Xô, Việt Nam đã biến thành một vũ khí phòng không lợi hại, hỗ trợ tích cực cho bộ đội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

BTR-40 là một loại xe bọc thép chở quân và trinh sát, thường được gọi là Sorokovka được biên chế rộng rãi trong quân đội Liên Xô. BTR-40 cũng là dòng xe bọc thép được sản xuất hàng loạt đầu tiên của Liên Xô.
Mới đây trên trang tin điện tử Rg.ru của Nga đã đưa tin về loại xe thiết giáp này, nhưng không nói gì về khả năng trinh sát hay vai trò chở quân của xe, mà lại đề cập đến một phiên bản được bộ đội Việt Nam cải tiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Những chuyên gia Liên Xô khi đó cũng như tác giả bài báo và độc giả Nga đều tỏ ra rất bất ngờ và khâm phục khả năng sáng tạo của các chuyên gia quân sự Việt Nam, có thể cải tiến chiếc xe bọc thép thành một vũ khí chống máy bay lợi hại.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào những năm 60 chính phủ Liên Xô đã viện trợ những chiếc xe bọc thép BTR-40 hiện đại cho quân đội Việt Nam, để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại quân đội Mỹ xâm lược.
Thiết kế của BTR-40 dựa trên xe tải bốn bánh GAZ-63 được sản xuất vào năm 1946. Thiết kế thân xe tự chịu lực là một tính năng mới trên các phương tiện của Liên Xô. Thân tàu có hai cửa bên cho người chỉ huy và lái xe cùng với một cửa sau. Xe có thể vận chuyển tối đa 8 binh sĩ được trang bị đầy đủ hoặc 1 tấn hàng hóa.
Lớp giáp của BTR-40 dày từ 6 mm đến 8 mm, giúp xe được an toàn trước hỏa lực của vũ khí cỡ nhỏ và các mảnh đạn pháo thời đó, nhưng không bảo vệ nó trước các mảnh đạn pháo hiện đại và hỏa lực súng máy 50 ly.
Lốp xe BTR-40 không được bọc giáp bảo vệ, chúng đặc biệt dễ bị bắn thủng từ các loại đạn. Chiếc xe không có mái che và thường được phủ một tấm bạt để bảo vệ kíp lái, hàng hóa vận chuyển hoặc quân đội khỏi mưa.
Xe được trang bị ba giá treo cho ba khẩu súng máy hạng trung 7,62 mm SGMB, một khẩu ở phía trước khoang chở quân và hai khẩu còn lại ở hai bên. Xe cũng có hai cửa bắn ở hai bên thân xe cho phép tối đa bốn binh sĩ sử dụng vũ khí cá nhân bắn ra từ trong xe.
Giống như xe tải GAZ-63, BTR-40 có hệ dẫn động bốn bánh. Tuy nhiên, khung gầm ngắn hơn so với GAZ-63. Điểm khác duy nhất giúp phân biệt khung gầm của BTR-40 với khung gầm của GAZ-63 là các bộ giảm xóc bổ sung. BTR-40 cũng có động cơ mạnh hơn.
Xe có đài phát 10RT-12 có tầm hoạt động từ 20–25 km và một tời ở phía trước, sức tải tối đa 4,5 tấn và 70 m dây cáp. Xe không có biện pháp bảo vệ chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học và cũng không có thiết bị nhìn ban đêm.
Tuy nhiên trên chiến trường Việt Nam, BTR-40 lại là một loại xe rất được ưa chuộng, bởi khả năng cơ động linh hoạt trên địa hình, độ tiện dụng và sức bền của xe trong điều kiện khí hậu Việt Nam.
Tuy nhiên điều đặc biệt là với thân xe BTR-40 truyền thống, các kỹ sư Việt Nam đã phát minh ra một vũ khí có khả năng phòng hông hiệu quả, khi trang bị thêm trên xe một tổ hợp phòng không cơ động với súng máy 14,5 mm đồng trục ZTPU-2 hoặc tên lửa K-13 của MiG-21.
Với phiên bản BTR-40 cải tiến này, bộ đội Việt Nam có thể tiêu diệt hiệu quả các loại máy bay bay thấp, trực thăng vũ trang và trực thăng vận tải trong phạm vi lên tới 2.000m.
Ngoài ra xe cũng có thể sử dụng để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, tiêu diệt các loại xe vận tải, xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương cũng rất hiệu quả.
Ngày nay trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn còn một số loại xe BTR-40. Ngoài ra, BTR-40 vẫn đang phục vụ cho một số quốc gia khác như Indonesia, Ai Cập, Yemen. Nguồn ảnh: TL.

Tiến Minh

Bài mới
Đọc nhiều