+
Aa
-
like
comment

Nga bắn tên lửa Iskander vào trụ sở quân sự Ukraine

03/04/2022 14:43

Nga đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh tên lửa Iskander của nước này bắn vào trụ sở quân sự của Ukraine, làm hơn 100 quân nhân Ukraine và lính tình nguyện nước ngoài thiệt mạng.

Nga bắn tên lửa Iskander vào trụ sở quân sự Ukraine - 1
Một hệ thống Iskander-M (Ảnh: Wikipedia).

Trong cuộc họp báo ngày 2/4 của Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan này đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh Nga phóng tên lửa Iskander vào trụ sở quốc phòng của Ukraine ở thành phố Kharkov, Đông Ukraine.

Nga cho biết, vụ phóng tên lửa đã khiến hơn 100 quân nhân Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc và lính tình nguyện nước ngoài thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Nga không nêu rõ thời điểm họ tiến hành vụ việc này.

Hệ thống tên lửa Iskander gồm: tên lửa, xe vận chuyển-nạp đạn, xe chỉ huy, xe xử lí tình báo, xe bảo dưỡng kĩ thuật, trang bị đồng bộ và khí tài huấn luyện mô hình. Mỗi xe vận chuyển mang 2 quả đạn, dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút vào 2 mục tiêu khác nhau, bán kính sai số 5-7m.

Tên lửa Iskander có 3 phiên bản: phiên bản Iskander-E cho xuất khẩu, phiên bản Iskander-M đang được quân đội Nga sử dụng và phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm. Phiên bản Iskander-M dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km, tầm bắn từ 50-480km.

Tên lửa áp dụng công nghệ tàng hình và nhiều biện pháp kết cấu (như lớp phủ đặc biệt, sau khi phóng cắt bỏ nhanh bộ phận tăng tốc..). Diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ, quỹ đạo bay phần lớn ở độ cao 50.000m, nhờ đó làm giảm xác suất bị các vũ khí đánh chặn từ mặt đất và trên không.

Ngoài ra, do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán. Giai đoạn đầu, tên lửa được điều khiển bằng véc-tơ luồng phụt, sau khi tăng tốc chuyển sang chế độ điều khiển khí lái cánh động.

Ở giai đoạn tăng tốc và tiếp cận mục tiêu, tên lửa có thể thực hiện bay theo phương ngang cơ động linh hoạt, gây khó khăn cho việc bám sát và đánh chặn. Vì kiểu đường bay của tên lửa rất đặc biệt, nên nó có thể chịu được sự quá tải. Muốn đánh chặn Iskander, các phương tiện chống tên lửa phải chịu được quá tải cao gấp 1-2 lần, đây là điều hầu như không thể đạt được.

Hệ thống tên lửa Iskander có thể sử dụng nhiều loại đầu chiến đấu khác nhau: đầu chiến đấu kiểu mẹ-con, đầu chiến đấu xuyên sâu và đầu chiến đấu nổ-phá sát thương, ngoài ra, còn có thể phối ghép với các loại đầu nổ khác.

Nhiều hệ thống tên lửa nước ngoài-kể cả của lục quân Mỹ chỉ có thể dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để nâng độ chính xác. Còn Iskander sử dụng hệ dẫn quán tính điều khiển chủ động kết hợp với đầu tự dẫn quang học nên vừa có thể hoạt động theo chế độ GPS, cũng có thể hoạt động theo chế độ tự dẫn của đầu tìm tên lửa. Đầu tìm quang học của tên lửa căn cứ vào số liệu hình ảnh cài sẵn để nhận biết mục tiêu và dẫn tên lửa.

Mặt khác, các hệ thống đạo hàng như GPS có thể bị chặn hoặc bị gây nhiễu vô tuyến điện nên không thể đảm bảo độ chính xác, còn hệ thống dẫn quang học của Iskander không lệ thuộc vào tín hiệu đạo hàng vô tuyến điện và không bị gây nhiễu điện tử, cho phép tên lửa có thể tác chiến trong bất kỳ tình huống nào.

Hệ thống Iskander dưới dạng 3D. Ảnh: Army Recognition

Trong điều kiện có sự đối kháng mạnh, hệ thống vẫn hoàn thành nhiệm vụ với xác suất phóng cao, phóng 1-2 tên lửa là đã có thể phá hủy được mục tiêu, hiệu quả tương đương với đạn hạt nhân. Thời gian phản ứng trong tác chiến của hệ tên lửa Iskander là 16 phút, thời gian chuẩn bị phóng 4 phút, giãn cách phóng giữa 2 quả đạn là 1 phút.

Do vậy, hệ thống có thể nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, phóng và di chuyển, nâng cao khả năng sống còn trên chiến trường. Các xe chiến đấu trong hệ thống tên lửa có thể vận chuyển bằng nhiều phương thức khác nhau (kể cả bằng đường không), vì thế khả năng cơ động chiến thuật và chiến lược khác cao.

Hệ tên lửa Iskander được trang bị hệ thống tự động hóa chỉ huy và bảo đảm thông tin hiện đại. Khi tác chiến, xe xử lí tình báo tiếp nhận các thông tin trinh sát do vệ tinh, máy bay trinh sát hoặc máy bay không người lái cung cấp; tính toán các số liệu bay cho tên lửa, sau đó thông qua đường thông tin vô tuyến điện truyền đến xe chỉ huy, rồi từ xe chỉ huy truyền đến xe phóng.

Tất cả theo một chu trình khép kín (nhất thể hóa), từ đó nâng cao nâng cao hiệu quả tác chiến của hệ tên lửa. Ngoài ra, xe xử lí tình báo và xe chỉ huy trong hệ thống đều được kết nối với mạng cục bộ và mạng khu vực, do vậy có thể phối hợp với toàn bộ các hệ thống vũ khí của lục quân.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, về mặt hiệu quả chi phí, hệ tên lửa Iskander vượt khá xa các sản phẩm cùng loại trên thị trường vũ khí thế giới.

Nhiều người cho rằng, ngay cả hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ cũng không đánh chặn được tên lửa Iskander. Giới quân sự Israel cũng từng thừa nhận rằng hệ thống chống tên lửa Arrow của họ không có khả năng đối phó với tên lửa Iskander nhiều đầu đạn.

Chính vì vậy, hệ tên lửa Iskander không chỉ là vũ khí răn đe trong chiến tranh cục bộ, mà với một số nước, nó có thể được xem là hệ vũ khí chiến lược, có thể làm thay đổi so sánh lực lượng trong khu vực.

Hôm qua, phía Nga thông báo đã thực hiện các vụ bắn vũ khí chính xác cao vào kho dầu, đạn dược của Ukraine. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ 2022, Moscow tuyên bố đã phá hủy 125 máy bay và 88 máy bay trực thăng, 381 máy bay không người lái, 1.888 xe tăng và các phương tiện vũ trang khác, 793 vũ khí dã chiến gồm pháo và súng cối, cũng như 1.771 thiết bị quân sự của quân đội Ukraine.

Trong bài trả lời phỏng vấn kênh Belarus-1 hôm 2/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quá trình phi quân sự hóa Ukraine vẫn đang được tiến hành và các cơ sở quân sự của phía Kiev đã bị phá hủy trên diện rộng trong chiến dịch quân sự của Nga.

“Quá trình phi quân sự hóa thực sự đang diễn ra mạnh mẽ. Tiềm lực quân sự và cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine đã bị phá hủy phần lớn trong chiến dịch đặc biệt của lực lượng vũ trang của chúng tôi. Đó thực sự là một trong những mục tiêu của chiến dịch này, một mục tiêu rất quan trọng”, ông Peskov nói.

Tên lửa Iskander có tầm bay khoảng 500 km và đầu đạn uy lực có thể phá hủy các công trình lớn và những cứ điểm kiên cố của đối thủ. Iskander-M có thể khai hỏa vào 2 mục tiêu khác nhau trong vòng một phút. Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là khả năng bay không theo đạn đạo thông thường nên rất khó bị đánh chặn và đạn tên lửa được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.

Theo Sputnik, Tass

Bài mới
Đọc nhiều