Nga âm thầm “bơm” siêu vũ khí cho Ấn Độ – Mục tiêu: Bắn tan xác máy bay Trung Quốc!
Khi tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 từ Nga, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ phối hợp triển khai cùng với các máy bay chiến đấu đa năng Rafale để gia tăng khả năng đối phó với Trung Quốc.
S-400: VŨ KHÍ “THAY ĐỔI CUỘC CHƠI CỦA QUÂN ĐỘI ẤN ĐỘ
Hai quốc gia láng giềng nhưng đều được vũ trang hạt nhân là Ấn Độ và Trung Quốc từ hơn một năm nay vẫn đang ở tình trạng đối đầu căng thẳng liên quan tới các tranh chấp biên giới. Cả hai nước đều là khách hàng của các hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga cung cấp.
Trung Quốc đã trang bị S-400 từ vài năm nay và đã triển khai chúng tới căn cứ không quân Hotan ở Tân Cương cũng như căn cứ Nyingchi ở Tây Tạng, gần Đường Kiểm soát Thực tế ( LAC), biên giới mặc định giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong khi đó, Tập đoàn Almaz Antey, nhà sản xuất S-400 Triumph, cũng đã cam kết sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng thủ này cho Ấn Độ vào tháng 12 tới, bất chấp những tác động to lớn của đại dịch COVID-19.
S-400 Triumph (hay SA-21 Growler, theo mã định danh của NATO) là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới hiện nay và được đánh giá sẽ là yếu tố giúp “thay đổi cuộc chơi” cho Quân đội Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, khi tiếp nhận S-400, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ sớm triển khai phối hợp cùng với các máy bay chiến đấu đa năng Rafale mua của Pháp để tăng cường khả năng bảo vệ biên giới với Trung Quốc – từ Arunachal Pradesh cho đến Ladakh.
Phát biểu trên tờ EurAsian Times, ông Abhijit Iyer-Mitra – chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột có trụ sở ở New Delhi nhận định, nhiều khả năng cao là Ấn Độ sẽ triển khai các hệ thống S-400 mới nhất để đối phó với Trung Quốc.
“Đó là khả năng rất cao khi các máy bay chiến đấu phản lực Rafale cũng đã được triển khai chống lại Trung Quốc chứ không phải Pakistan”.
Ông Abhijit Iyer-Mitra nói thêm: “S-400 là hệ thống cực kỳ nguy hiểm. Khi triển khai trong thực tế, nó sẽ tạo ra một lá chắn phòng thủ vững chắc chống lại các máy bay Trung Quốc. Nhờ sự che chắn của S-400, các chiến đấu cơ Rafale của Ấn Độ sẽ có đủ thời gian và không gian để đánh trả máy bay chiến đấu của Trung Quốc”.
TẠI SAO NGA ƯU ÁI ẤN ĐỘ HƠN TRUNG QUỐC?
Giải thích về việc tại sao Nga lại áp dụng chính sách bán những thiết bị tốt hơn cho Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc, chuyên gia Iyer-Mitra cho rằng cần nhìn nhận mối quan hệ này như cách Mỹ ứng xử giữa Israel và Ả Rập Xê Út.
“Mỹ từng bán các máy bay tiêm kích F-16 cho cả hai nước nhưng lại ưu ái dành cho Israel những chiếc F-16 vượt trội hơn nên đảo bảo cho Tel Aviv có khả năng bắn hạ chiến đấu cơ tương tụ của Ả Rập Xê Út”.
Bình luận về tính logic của việc triển khai S-400 đến sát biên giới Trung Quốc, ông Iyer-Mitra bày tỏ quan điểm: “Một thước đo chung để thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề là hãy nhìn cách một quốc gia triển khai các máy bay chiến đấu tiền tuyến của mình”.
“Vì vậy, nếu máy bay mới nhất của Ấn Độ (Rafale) đang được triển khai để đối phó với Trung Quốc, thì thiết bị quân sự mới nhất (S-400) cũng sẽ được triển khai để chống lại nước này”.
Theo chuyên gia Iyer-Mitra, S-400 hội tụ rất nhiều lợi thế so với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, chẳng hạn như J-20.
“Thế nhưng, NATO lại có khá nhiều kinh nghiệm đối phó với S-400, đặc biệt là ở Syria, nơi Nga đã triển khai S-400 để bảo vệ các căn cứ quân sự của mình”, ông Iyer-Mitra nói. “Người Pháp đã thu thập được nhiều thông tin tình báo điện tử về hệ thống của Nga và tích hợp vào các máy bay chiến đấu phản lực Rafale”.
“Rafale (Ấn Độ) chống lại S-400 (Trung Quốc) là một cuộc đối đầu tốt hơn nhiều so với khi sử dụng hệ thống phòng thủ của Nga chống lại J-20 và các máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc”.
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc đã vận hành S-400 khá lâu nhưng nước này không có kinh nghiệm sử dụng chúng để chống lại các máy bay có xuất xứ từ Pháp như với Su-30 và các máy bay khác có xuất xứ từ Nga.
Điều này mang lại cho Ấn Độ một lợi thế lớn vì Rafale, dưới sự che chắn của tên lửa S-400 do Nga cung cấp, sẽ biết rất rõ cách né tránh S-400 Trung Quốc và đánh bại các máy bay mới nhất mà Bắc Kinh trang bị, kể cả những chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của nước này.
S-400 khai hỏa tiêu diệt gọn 8 mục tiêu trên không tại trường bắn Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan miền Nam nước Nga
Tú Anh