+
Aa
-
like
comment

NewYork Times: Thương mại với Trung Quốc – ‘di sản’ khó của Trump để lại cho Biden

17/11/2020 15:38

Ngoài đại dịch và nền kinh tế suy yếu, Tổng thống đắc cử Joe Biden còn thừa hưởng từ Trump một mối quan hệ thương mại khó xử với Trung Quốc.

Tất cả tạo thành cuộc tấn công kéo dài nhiều năm, nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi các hoạt động thương mại của họ. Trump không có dấu hiệu bỏ cuộc trong những ngày cuối cùng tại vị. Tuần trước, ông đã ban hành lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc có quan hệ quân sự.

Khi nắm quyền, Biden sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn, bao gồm có duy trì thuế quan với hàng hóa nhập khẩu trị giá 360 tỷ USD của Trung Quốc, vốn đã làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ; có nên nới lỏng các khoản thuế đó để đổi lấy nhượng bộ về các vấn đề kinh tế hay các mặt khác như biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân hội nghị thượng đỉnh của G20 tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: NYT.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân hội nghị thượng đỉnh của G20 tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: NYT.

Biden sẽ cần phải tiếp cận cẩn trọng. Ông và các cố vấn của mình coi nhiều biện pháp của Trump là vụng về, tốn kém và không chiến lược. Họ nói rằng muốn thực hiện cách tiếp cận thông minh hơn, bằng cách hợp tác với Trung Quốc về một số vấn đề như sự nóng lên toàn cầu và đại dịch, trong khi cạnh tranh với họ về vị trí lãnh đạo công nghệ và đối đầu về thương mại không công bằng.

Nhưng ngay cả khi họ rời khỏi cách tiếp cận trừng phạt của Trump, chính quyền Biden vẫn sẽ cần duy trì đòn bẩy với Trung Quốc để hoàn thành các mục tiêu chính sách của riêng mình. Chính quyền mới cũng sẽ phải đối mặt với áp lực từ các nhà lập pháp ở cả hai đảng, những người coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia và đã ban hành luật nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì vi phạm hoạt động kinh tế cũng như một số vấn đề khác.

“Đây có thể sẽ là một giai đoạn tiếp tục không chắc chắn trên mặt trận Mỹ -Trung”, Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành của Phòng Thương mại Mỹ cho biết. “Không nghi ngờ gì khi Tổng thống Trump đã áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc và điều này có lẽ không mang lại cho Tổng thống đắc cử Biden nhiều sự linh hoạt về chính trị ngay từ đầu. Nhưng chúng tôi mong đợi một sự khởi đầu đáng kể trong giọng điệu, phong cách và quy trình”, ông nói.

Biden đưa ra rất ít chi tiết về kế hoạch của mình cho mối quan hệ Mỹ – Trung, ngoài việc muốn chiêu mộ các đồng minh như châu Âu và Nhật Bản để gây áp lực buộc Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông cũng cam kết dành nhiều nguồn lực hơn để nâng cao năng lực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ của Mỹ, nhằm đảm bảo Mỹ giữ được lợi thế trước Trung Quốc, khi nước này đầu tư lớn vào các lĩnh vực như viễn thông, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn.

Nhưng ông sẽ phải đối mặt với áp lực từ cả hai đảng để không quay lại cách tiếp cận mà ông và nhiều người tiền nhiệm đã áp dụng trước đó, khi cố gắng chuyển đổi các phương thức kinh tế của Trung Quốc bằng cách đưa nước này hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Giống như nhiều đảng viên Dân chủ và Cộng hòa trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Biden cho rằng việc hội nhập Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu sẽ buộc Bắc Kinh phải chơi theo luật lệ quốc tế. Năm 2000, ông bỏ phiếu đồng ý quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc, mở đường cho việc nước này gia nhập WTO.

Năm 2016, Trump đắc cử tổng thống một phần do lớn tiếng bác bỏ cách tiếp cận đó, cho rằng Mỹ cần cô lập chứ không phải hòa nhập với Bắc Kinh. Hai thập kỷ sau, Biden thừa nhận rằng Trung Quốc đã khai thác hệ thống quốc tế và nói Mỹ phải “cứng rắn với Trung Quốc”.

Quốc hội Mỹ cũng tương đối thống nhất về lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Hàng trăm dự luật liên quan đến nước này đang được lưu hành, bao gồm một số nỗ lực của lưỡng đảng nhấn mạnh vào việc cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách đầu tư vào các ngành như máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Một lĩnh vực được chú trọng là thỏa thuận thương mại mà Trump đã ký với các quan chức Trung Quốc vào đầu năm 2020. Trong khi Trung Quốc chủ yếu giữ cam kết mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và các cố vấn của ông Trump tiếp tục bảo vệ hiệp định, thì Bắc Kinh đã chậm tiến độ so với cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ vào cuối năm tới.

Bắc Kinh gần đây đã tán thành chính sách tự cường hơn về công nghệ và quân đội để tự bảo vệ mình trước một nước Mỹ đối đầu hơn, cũng như tiến tới củng cố các quan hệ đối tác kinh tế khác. Hôm 15/11, Trung Quốc đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), giúp củng cố hình ảnh của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế thống trị trong khu vực.

Việc Biden bổ nhiệm các vị trí chính sách đối ngoại và thương mại có thể giúp xác định cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc. Hiện chưa rõ ông đề cử ai cho những công việc quan trọng như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ.

Bất kể con đường nào, các doanh nghiệp, nhà kinh tế học và những người khác đang hy vọng vào một chiến lược chặt chẽ hơn của Biden dành cho Trung Quốc. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa ghi nhận Trump đã thu hút sự chú ý đến các mối đe dọa an ninh của Trung Quốc và các hành vi kinh tế không công bằng của nước này. Nhưng các phản ứng của Trump lại không nhất quán.

“Chính quyền Trump chưa bao giờ đưa ra một chiến lược thương mại chặt chẽ, toàn diện và gắn kết”, M. Lee, Chủ tịch của Viện Chính sách Kinh tế cho biết. Theo bà Lee, có nhiều công cụ để đối phó với Trung Quốc và bà muốn thấy “chính quyền Biden phải chu đáo và có chiến lược về cách sử dụng chúng”.

Ông Joe Biden. Ảnh: NYT.
Ông Joe Biden. Ảnh: NYT.

Một số chuyên gia đang thúc giục ông Biden thực hiện một cách tiếp cận có sắc thái hơn. Trong một báo cáo được công bố hôm 16/11, 29 chuyên gia về Trung Quốc và các chuyên gia khác kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), duy trì sự cởi mở của các trường đại học Mỹ và nền kinh tế, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Đề xuất được đưa ra bởi nhóm công tác thuộc Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California. Họ lập luận rằng Mỹ đã để cho vai trò lãnh đạo công nghệ của mình bị xói mòn do thiếu kinh phí cho R&D, trong khi phản ứng thái quá trước các mối đe dọa từ Trung Quốc theo cách đã làm tổn hại đến triển vọng kinh tế của chính mình, bao gồm cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, và quay lưng lại với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Peter Cowhey, Hiệu trưởng Trường Chiến lược & Chính sách Toàn cầu tại Đại học California, đồng thời là chủ tịch của nhóm công tác, cho biết điểm mấu chốt là Mỹ “phải đầu tư và tổ chức lại hệ thống đổi mới toàn diện, bao gồm cả khả năng nghiên cứu, phát triển cơ bản và sản xuất chuyên biệt”.

“Quản lý rủi ro với Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu chúng ta đang ở giai đoạn lãnh đạo toàn diện”, ông nói thêm.

Phiên An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều