New Zealand “sụp đổ”
Hậu cơn bão thế kỷ Gabrielle, nhiều người New Zealand rơi vào cảnh vô gia cư. Điện, nước và các dịch vụ viễn thông bị mất trên diện rộng.
Tại thành phố Napier của New Zealand, những chiếc trực thăng của quân đội bay qua lại trên các nóc nhà. Anh Leonard Fleming mặc trên mình bộ quần áo ẩm ướt, không có thức ăn và sắp phải ngủ trong ôtô đêm thứ 3 liên tiếp cùng 2 chú chó của mình.
Fleming hiểu rằng anh rất có thể đã mất tất cả những gì mình bỏ lại khi rời khỏi nhà ở Eskdale, vịnh Hawke’s gần đó, khi cơn bão Gabrielle ập đến vào ngày 13/2.
“Những gì bạn có thể làm là bỏ chạy. Đến sáng nay, tôi bắt đầu nghĩ về tất cả thứ mà mình đã đánh mất”, anh nói với Guardian qua đường dây điện thoại rè rè. Dịch vụ viễn thông của khu vực mới được khôi phục nhưng sóng điện thoại vẫn còn chập chờn.
Cơn bão lớn nhất thế kỷ
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho biết cơn bão nhiệt đới Gabrielle đã tấn công đảo Bắc của New Zealand vào ngày 13/2 và 14/2. Gió và mưa lớn đã tàn phá một khu vực rộng lớn. Đây được coi là cơn bão tồi tệ nhất tấn công New Zealand trong thế kỷ này. Chính phủ đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 14/2.
Hiện cảnh sát đã ghi nhận 5 nạn nhân thiệt mạng do cơn bão, trong đó có một trẻ em được tìm thấy ở Eskdale vào chiều 15/2.
Thiệt hại do cơn bão gây ra có thể thấy ở tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, đường cao tốc đóng cửa khiến các thị trấn bị chia cắt, nước lũ dâng cao đến mức hàng trăm người phải ngồi chờ giải cứu trên mái nhà.
https://www.youtube.com/watch?v=JUuuH6IRcbY
Tình trạng mất điện, nước và sóng điện thoại diễn ra trên diện rộng. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các thị trấn nông thôn vốn bị cô lập từ trước khi cơn bão đổ bộ. Mặc dù công tác sửa chữa đang được tiến hành khẩn trương, những trở ngại về thông tin liên lạc khiến việc đánh giá quy mô thiệt hại của cơn bão trở nên khó khăn hơn.
Nước lũ dâng cao trong nháy mắt
Con sông Esk đối diện nhà anh Fleming bị vỡ bờ vào sáng ngày 14/2. Anh được thông báo rằng nước ở các khu nhà xung quanh đã dâng đến mái nhà. Fleming không thể trở về nhà – hoặc đến thành phố Hastings gần đó để ở với con trai – vì cầu và đường cao tốc trong khu vực không thể lưu thông do lũ lụt, trơn trượt và cây đổ.
Xe tải của quân đội và máy bay trực thăng của lực lượng không quân đã được cử đến để giải cứu hàng trăm người ở vịnh Hawke’s. Trước đó, vào ngày 12/2, chính quyền đã cảnh báo cư dân ở một số khu vực nên chuẩn bị sơ tán, nhưng đối với nhiều người, tốc độ nước dâng vẫn là một cú sốc.
Chị Jenna Marsh, sống ở vịnh Hawke’s cho biết nước đã dâng cao hàng mét chỉ trong vài phút tại nhà của cha mẹ chị ở Pakowhai – thị trấn nằm giữa Hastings và Napier.
Mẹ chị đã nói với chị rằng mọi thứ đều ổn khi bà cho ngựa ăn vào sáng ngày 14/2. “Chưa đầy một giờ sau, bà ấy nhắn tin cho tôi: ‘Bố mẹ đang ở trên mái nhà’”, Marsh kể lại. Mẹ chị ước tính mực nước đã tăng khoảng 3 m trong 10 phút.
Cha mẹ của Marsh phải ngồi trên mái nhà 8 giờ trước khi được trực thăng giải cứu. Họ không mang theo gì ngoài 2 con chó của mình. “Cha mẹ tôi phải chọn giữa mang theo túi đồ hay chó và họ đã chọn những con chó”, Marsh nói. Con dê cưng của gia đình bị bỏ lại trên một chiếc thuyền và họ hy vọng sẽ tìm thấy những con ngựa của mình.
Chính phủ New Zealand cho biết họ lo ngại về phúc lợi động vật đối với gia súc và ngựa ở các vùng nông thôn bị bão tàn phá.
“Làm sao để thoát khỏi đây?”
Xa hơn về phía bắc ở bán đảo Coromandel, tình trạng cắt điện trên diện rộng khiến cư dân lo lắng về những gì đang xảy ra bên ngoài thị trấn của họ. Họ cũng lo sợ nguồn cung thực phẩm sẽ cạn kiệt nếu các con đường đến bán đảo không thể nhanh chóng mở cửa trở lại.
Claire Moyes, chồng chị và những vị khách đến thăm nhà họ đã trải qua 2 đêm “kinh hoàng” với “sấm chớp và gió táp ngay trên đầu”. Họ còn đào các rãnh nước để ngăn nước chảy đến gần nhà.
“Nước đã dâng đến garage nhà tôi 2 lần khi thủy triều lên”, Moyes nói.
Đến hôm 15/2, họ đã không tắm trong 3 ngày. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn đã xảy ra. Trong khi khu vực này phụ thuộc nhiều vào du lịch, Moyes cho biết một vụ lở đất đã xảy ra tại một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của bán đảo và làm xói mòn bãi biển Hahei. Điều này sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế địa phương.
“Còn hiện tại, tôi tự hỏi làm thế nào chúng tôi có thể nhận được nguồn cung nhu yếu phẩm? Làm thế nào để tự nuôi sống bản thân trong vài ngày tới? Làm thế nào để được tắm và làm thế nào để thoát ra khỏi đây?”, Moyes nói.
Bảo Trâm