Nếu tình trạng này tiếp diễn, Delhi sẽ chẳng còn ai
Đó là lời cảm thán đầy khắc khoải của người đứng đầu nhà hỏa táng làng Ghazipur, ở phía đông New Delhi. Giàn hỏa thiêu đang là nơi bộc lộ rõ nhất sự tàn phá của Covid-19 ở Ấn Độ.
Thi thể bệnh nhân Covid-19 chồng chất trong nhà hỏa táng tại New Delhi, nơi cứ bốn phút lại có người chết vì đại dịch. Có người mang thi thể đến rồi bỏ lại đó.
Tại nhà hỏa táng làng Ghazipur ở phía đông New Delhi, những xác người được đưa đến, hết thi thể này đến thi thể khác. Lượng thi thể nhiều đến mức xe cứu thương và xe tải vận chuyển người chết làm ùn tắc cả một con đường, Guardian miêu tả hôm 30/4.
Trước khi đại dịch xảy ra, trong ký ức của nhân viên nhà hỏa táng Ghazipur, chỉ có một lần duy nhất nơi đây chật kín chỗ trong một ngày. Nhưng hiện tại, đôi lúc mới sáng sớm, nơi này đã tiếp nhận 150 thi thể, trong khi sức chứa tối đa là 38 thi thể. Nhân viên nhà hỏa táng phải mở rộng phạm vi hoạt động sang bãi gửi xe nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu.
Tại thủ đô Ấn Độ, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai vẫn hoành hành mà không có dấu hiệu chậm lại. Ngày 30/4, Delhi ghi nhận con số kỷ lục 395 người chết và 24.235 ca nhiễm mới. Khắp Ấn Độ, tổng số ca nhiễm mới trong ngày cao chưa từng thấy với 386.693 ca.
Có người mang thi thể đến rồi bỏ lại đó Các nhà hỏa táng tại Ấn Độ đang phải gấp rút tăng sức chứa để có thể xử lý 1.000 vụ hỏa thiêu mỗi ngày. Chính ở những giàn hỏa thiêu này, sự tàn phá của Covid-19 tại Delhi đang được bộc lộ rõ ràng nhất.
Trong 30 năm giúp hỏa táng người chết, Sunil Kumar Sharma, người đứng đầu nhà hỏa táng làng Ghazipur, cho biết chưa bao giờ nghĩ đến cảnh tượng như vậy. “Quá nhiều người chết. Tôi có cảm giác nếu tình trạng này tiếp diễn, Delhi sẽ chẳng còn ai”, Sharma cảm thán.
Thông thường, thi thể bệnh nhân Covid-19 phải được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Nhưng theo ông Sharma, xác chết từ các bệnh viện thường không được bọc vải bảo hộ, khiến nhân viên hỏa táng có nguy cơ phơi nhiễm. Một số gia đình thậm chí còn cố giấu việc người thân chết vì Covid-19.
“Tình hình ở đây thật tồi tệ và đáng sợ”, ông Sharma nói. “Chúng tôi hiện phải làm 20 tiếng mỗi ngày, rất mệt mỏi. Tinh thần tôi dường như đã vỡ vụn trước tình cảnh xung quanh. Bây giờ còn có người mang thi thể đến rồi bỏ lại đó, nên chính chúng tôi phải thực hiện nghi lễ tiễn đưa để giữ lại chút thể diện cho người đã khuất”.
Theo tín ngưỡng Hindu và Sikh của người Ấn Độ, một người không thể bước vào cánh cửa thiên đàng nếu thi thể của họ được hỏa táng mà không có sự hiện diện của người trông coi và giữ lửa cho giàn thiêu.
Mỗi ngày, nhà hỏa táng của Sharma tiêu tốn 60 tấn gỗ. “Mỗi tối, tôi đều lo lắng không biết xử lý thi thể được chuyển tới ngày mai như thế nào”, ông Sharma nói. “Nếu vượt quá khả năng của chúng tôi thì phải làm sao?”.
Nỗi đau khổ bao trùm khắp nơiVới hàng nghìn thi thể mới được hỏa thiêu gần đây, không khí quanh nhà hỏa táng Ghazipur là những làn khói dày đen kịt. Vương vãi quanh những giàn hỏa thiêu màu xám tro còn sót lại từ ngày hôm trước là một số đồ cúng: Mấy quả xoài, quả lựu, cùng những bông hoa màu cam.
Trên chiếc xe cứu thương gần đó, một người phụ nữ trong chiếc áo sari màu xanh lá thẫm đang khẽ nhẩm những lời cầu nguyện. Cùng trên xe với chị là thi thể người chồng mới mất sáng hôm ấy vì Covid-19. Người góa phụ định đặt chiếc lắc tay đỏ lên cơ thể chồng nhưng bị một người đàn ông mặc đồ bảo hộ khẽ đẩy ra để vận chuyển thi thể.
Một người khác, Ajay Gupta, gào khóc thảm thiết trong lúc thi thể anh trai, Ram, được đặt lên giàn hỏa thiêu. Mới tuần trước, Ram được bệnh viện nhận điều trị khi bị khó thở. Bệnh tình của Ram ban đầu đã thuyên giảm. Anh thậm chí có thể gọi video cho em từ giường bệnh. Nhưng khi bệnh viện hết oxy, Ram cũng không qua khỏi.
“Chỉ vài ngày trước y tá còn nói với chúng tôi anh ấy sẽ ổn”, Gupta cho biết.
Gupta còn là nạn nhân của thị trường chợ đen mới nổi tại Delhi. Nơi này chuyên bán lại oxy và các loại thuốc như Remdesivir cho những gia đình tuyệt vọng như Gupta với giá cắt cổ.
Theo Gupta, sau khi nghe lời bác sĩ, anh đã dùng tới đồng tiền cuối cùng để mua Remdesivir cho anh trai tại chợ đen với giá 630.000 rupee (khoảng 8.500 USD), cao gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị Covid-19 của Remdesivir vẫn còn nhiều nghi vấn.
“Tôi cảm giác mọi thứ đều đã sụp đổ”, Gupta nói.
Krishnan Pal, 48 tuổi, người bán đồ ăn vặt tại Delhi, cũng là một trong số những người chết sau nhiều lần bị bệnh viện từ chối do quá tải. Em họ Pal, Kai Charan Kashap, cho biết họ đã gõ cửa mọi bệnh viện ở Delhi nhưng không thể tìm được giường trống.
Sau đó, Pal được gia đình chở đến Agra, thành phố thuộc bang Uttar Pradesh liền kề. Bệnh viện ở đây vẫn còn trống giường nhưng không còn oxy. Cuối cùng, Pal chết trên đường tới Bareilly, một thành phố trong bang Uttar Pradesh.
“Người dân đang chết ngay giữa đường phố vì họ không thể thở được”, Kashap nói trong tiếng nấc nghẹn giữa lúc chờ thi thể anh trai được chở đến từ nhà xác.
Vaccine được xem là lối thoát cho khủng hoảngNhiều người tin rằng vaccine là phương thức lâu dài duy nhất giúp Ấn Độ thoát khỏi khủng hoảng virus corona. Nhưng ngày 30/4, nhà chức trách một số nơi tại Delhi cho biết kế hoạch tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên đã bị hoãn lại vô thời hạn do thiếu nguồn cung.
Thông báo trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi chương trình tiêm chủng mở rộng dự kiến được triển khai trên tòa Ấn Độ. Tình trạng thiếu hụt như ở thủ đô Delhi cũng là tình trạng chung ở khắp quốc gia Nam Á này.
Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal khẳng định nhà chức trách sẽ tiêm vaccine “sớm nhất có thể”. Nhưng một số phòng khám tư nhân tại Delhi cho biết vaccine dự kiến không tới trong ít nhất một hoặc thậm chí hai tháng nữa.
Trong thời gian ấy, nhà hỏa táng và nghĩa trang ở Delhi sẽ tiếp tục phải hứng chịu thứ áp lực chết chóc đang bao trùm thành phố mỗi ngày. Tại nhà hỏa táng Ghazipur, sau khi Mặt Trời lặn, mọi giàn hỏa thiêu sẽ được châm lửa cùng một lúc. Ngọn lửa bùng lên trong tiếng gào thét của cái nóng và nỗi đau.
An Nguyễn