Nếu tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ lãnh trọn “nhát kiếm của Samurai”?
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang đối mặt với một Nhật Bản đầy tự tin. Không chỉ mạnh mẽ tự vệ, Tokyo sẽ còn dõi theo bất cứ động thái hung hăng nào của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Abhyoday Sisodia tại Khoa Các Nghiên cứu Đông Á, Đại học Delhi (Ấn Độ), mặc dù Tổng thống Joe Biden và chính quyền Mỹ đã cố gắng thay đổi đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhưng áp lực không ngừng từ Nhật Bản và các quốc gia thành viên Quad đã buộc ông Biden phải nối gót chính sách của ông Trump.
Giờ đây, trong bối cảnh Trung Quốc không có ý định làm dịu căng thẳng trong khu vực, Nhật Bản đã quyết định tiến thêm một bước và chuẩn bị cho bất cứ tình huống khẩn cấp nào.
Các quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí trong cuộc họp gần đây tại Tokyo về việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa hai phía trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Khi Trung Quốc tiếp tục không công nhận và tôn trọng các vùng lãnh thổ, cũng như vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản, Tokyo thấy rằng họ không thể chỉ phòng thủ nữa.
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang đối mặt với một Nhật Bản đầy tự tin. Xứ sở hoa anh đào sẽ không chỉ mạnh mẽ tự vệ, mà sẽ còn dõi theo bất cứ động thái hung hăng nào của Trung Quốc, kể cả ở eo biển Đài Loan.
Theo các nguồn tin, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi trong tháng này, ông Austin đã đề cập tới vấn đề trên [trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan], mặc dù không có cuộc thảo luận nào nói cụ thể về cách thức hai quốc gia có thể phối hợp nhằm phản ứng trước một tình huống khẩn cấp như vậy.
Các đề nghị này được đưa ra vào thời điểm Nhật Bản vừa “thay đổi cách giải thích hiện hành” trong luật bảo vệ bờ biển. Giờ đây, lực lượng tuần duyên Nhật Bản có thể trực tiếp khai hỏa chống tàu công vụ nước ngoài có ý định xâm phạm quần đảo Senkaku (hay “Điếu Ngư” theo cách gọi của Trung Quốc).
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã cho phép lực lượng hải cảnh của nước này nổ súng vào các tàu thuyền nước ngoài tại những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố thuộc “quyền tài phán” của mình.
Ông Sisodia nhận định, động thái này của Bắc Kinh được cho là nhằm phần lớn vào quần đảo Senkaku. Do đó, căng thẳng Trung-Nhật đã tăng đột biến. Các hành động của Nhật Bản, như đã đề cập ở trên, dường như là để đáp trả cho những diễn biến này.
Căng thẳng giữa Trung Quốc – Nhật Bản, cũng như Trung Quốc – Đài Loan đang gia tăng. Để đề phòng tình huống xung đột, Đài Loan cũng đang có những hành động nhất định nhằm duy trì năng lực răn đe và loại bỏ các sơ hở nội bộ.
Mối đe dọa đối với Đài Loan giờ đây rõ rệt hơn bao giờ hết. Trong một tuyên bố cách đây không lâu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh lại mục tiêu “thống nhất” Trung Quốc.
Theo ông Sisodia, Nhật Bản hiện đang giữ quan điểm rõ ràng rằng, trong trường hợp Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, Tokyo sẽ hỗ trợ về quân sự, kết hợp với các hình thức hỗ trợ khác để Đài Loan có thể đấu tranh đường trường với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi đã đề cập tới việc số lượng máy bay chiến đấu Trung Quốc băng qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng và đặt ra nhu cầu cần thiết phải nghiên cứu các phương thức để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể phối hợp với lực lượng Mỹ hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc gây hấn.
Theo tờ Asia Nikkei, Tokyo đã xem xét tính khả thi của việc ban hành lệnh điều động SDF tới bảo vệ tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng giữa Trung Quốc và Đài Loan, dựa trên các yếu tố khoảng cách địa lý và mức độ ảnh hưởng đến sự an toàn của các công dân Nhật Bản nếu xung đột vũ trang xảy ra tại đó.
Vy Lam