Nếu số ca Covid-19 ở Việt Nam lên tới 10.000, thiệt hại kinh tế rất lớn!
Trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, khi số ca mắc Covid-19 có thể sẽ tiếp tục tăng, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Việt Nam đã có sẵn kịch bản ứng phó
PV: Thưa ông, số ca Covid-19 tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, hiện nay đã là 9.635 ca và có thể lên mốc 10.000 ca bệnh. Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó của Việt Nam?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới thời điểm 6h ngày 10/6, Việt Nam có tổng cộng 9.635 ca. Chúng ta cần phải hiểu rõ con số 9.635 ca là tổng của cả 4 đợt dịch cộng dồn lại. Còn trong thực, tế đợt dịch này, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam mới ghi nhận 6.450 ca mới.
Ngay cả trường hợp có xảy ra 10.000 ca mắc Covid-19, Việt Nam đã có sẵn kịch bản ứng phó. Thậm chí chúng ta còn dự phòng và xây dựng kịch bản cho trường hợp có 30.000 ca mắc. Cho nên, nếu Việt Nam có xảy ra trường hợp có 10.000 ca Covid-19, chúng ta vẫn có thể ứng phó.
Tuy nhiên, nếu số ca mắc càng nhiều thì sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ, số người mắc nhiều, nhu cầu xét nghiệm, test, kit cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, công tác điều trị sẽ rất vất vả do số bệnh nhân đông, ca tử vong sẽ tăng. Bên cạnh đó, số người cách ly tăng lên, có nơi không còn đủ địa điểm để cách ly tập trung. Số nơi phải phong tỏa cũng sẽ tăng lên.
Như vậy chúng ta thể nhìn thấy rõ gánh nặng rất lớn về y tế, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn khi số ca bệnh tăng lên mốc 10.000 người mắc.
PV: Nếu không may xảy ra kịch bản 10.000 ca mắc thì chúng ta có phải thay đổi chiến lược chống dịch?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Kịch bản chống dịch tại Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi. Vì hiện nay chúng ta vẫn chưa có miễn dịch cộng đồng để thay đổi. Tuy nhiên, có một số điểm chúng ta cần phải chú ý:
Thứ nhất: Hiện nay, dịch bệnh đang có xu hướng ca mắc tăng ở khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Chu kỳ dịch lần này số ca mắc đang tăng ngay ở khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai: Biến chủng virus Delta B.1.617.2 (lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ) có tốc độ lây lan rất nhanh, tăng nhanh hơn cả biến chủng B1.1.7 có nguồn gốc ở Anh. Chu kỳ lây của virus rút ngắn xuống 2-3 ngày, trong khi đó chủng virus cũ phải mất 3-4 ngày.
Do vậy, số lượng người nhiễm sẽ tăng lên. Biến chủng Delta B.1.617.2 cũng được nhắc tới có thể làm tăng nguy cơ khiến cho bệnh nhân nhiễm virus có những diễn biến nặng do những phản ứng viêm quá mức. Cho nên chúng ta phải xác định sẽ có nhiều trường hợp Covid-19 trong đợt dịch này có thể tử vong.
Thứ ba, chúng ta cần phải chú ý tới số lượng bệnh nhân lây ở trong khu cách ly cũng nhiều hơn. Do biến chủng virus dễ lây, nếu số bệnh nhân tăng thì số lượng cách ly cũng tăng sẽ xảy ra việc lây chéo tại khu cách ly nếu làm không nghiêm. Do vậy chúng ta cần phải khắc phục để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu ca nhiễm tăng.
Thứ tư, tại một số khu đã phong tỏa nhưng vẫn có nhiều ca bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân là do chúng ta chưa kiểm soát được chặt chẽ. Do vậy chúng ta cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này.
Thứ năm, hiện Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép: phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Tới thời điểm nay chúng ta không thể nói không làm mục tiêu kép được. Cho nên việc đánh giá giãn cách xã hội khi kịch bản tăng lên 10.000 ca cũng sẽ khác so với trước đây.
PV: Điểm khác ở đây là gì, thưa ông?
PGS Trần Đắc Phu: Tôi đơn cử đợt dịch thứ 3 địa phương đã phong tỏa theo kiểu bế quan tỏa cảng khiến cho thiệt hại rất lớn về kinh tế, người dân không bán được nông sản, doanh nghiệp ngừng hoạt động…
Đợt dịch này các địa phương đã rút kinh nghiệm nên đã không xảy ra việc cứ có dịch là phong tỏa cả tỉnh mà chỉ phong tỏa ở các huyện có nguy cơ cao, thậm chí chỉ có nơi chỉ là xã, thôn, tòa chung cư hay chỉ là một tầng có người mắc COVID-19.
Do đó, người dân một số vùng đã kiểm soát được nguy cơ vẫn lao động sản xuất, thông xe thông đường cho nên không có chuyện phải giải cứu như các đợt trước.
Đặc biệt lần này, Thủ tướng đã có những chấn chỉnh khi xảy ra tình trạng ngăn sông, cấm chợ của Đồng Nai với TP HCM. Ngay lập tức Thủ tướng đã có công văn chấn chỉnh phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Khi số ca mắc tăng lên 10.000, điều gì là quan trọng?
PV: Thưa ông, tình hình các ổ dịch trên ca nước hiện nay như thế nào?
PGS Trần Đắc Phu: Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang khống chế tốt tình hình dịch bệnh tại các điểm dịch lớn, nhỏ trên cả nước.
Tại 2 ổ dịch lớn Bắc Ninh, Bắc Giang, về cơ bản đã khống chế thành công bước đầu. Số ca mắc tại ổ dịch này đã giảm và chỉ còn các trường hợp ca bệnh lây trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa.
Đối với Hà Nội, các ổ dịch xảy ra tại đây chủ yếu là các điểm dịch nhỏ. Nhưng nhờ công tác khoanh vùng, truy vết, Hà Nội cũng khống chế nhanh và thành công các ổ dịch trên địa bàn thành phố.
Ổ dịch TP HCM số ca mắc đang có những diễn biến phức tạp, nhưng thành phố đã có những phản ứng rất nhanh để truy vết, dập dịch. Tôi tin trong một số ngày tới ổ dịch TP HCM cũng sẽ sớm được kiểm soát.
Điều tôi lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh hiện nay đang có xu hướng thâm nhập vào các khu công nghiệp không chỉ riêng Bắc Giang, Bắc Ninh mà trên cả nước.
Nếu lây nhiễm trong khu công nghiệp số ca nhiễm sẽ rất lớn và sẽ lây ra cộng đồng và ngược lại. Chỗ ở hiện tại của công nhân thường tập trung rất đông người, đan xen với dân và đan xen giữa các nhà máy, các khu công nghiệp với nhau nên mật độ lây sẽ rất lớn.
Tôi chắc chắn với bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát để không có hẳn ca bệnh trên cả nước là rất khó. Do chúng ta vẫn phải phát triển kinh tế và cho người nhập cảnh nên sẽ còn tồn tại ca mắc bệnh.
Một điểm lo ngại nữa dịch đang lan vào bệnh viện. Do Việt Nam đang có ca mắc trong cộng đồng cho nên các bệnh nhân mắc Covid sẽ vào viện khám. Nếu chúng ta không làm tốt công tác sàng lọc thì dịch bệnh sẽ lây lan vào bệnh viện và lây ra cộng đồng.
PV: Biến chủng virus mới lây lan nhanh, mầm bệnh vẫn tồn tại trong công đồng, điều gì là quan trọng đối với người dân lúc này?
PGS. Trần Đắc Phu: Dù biến chủng virus lây lan nhanh, mầm bệnh có trong cộng đồng nhưng người dân đồng lòng thực hiện tốt 5K thì đường lây cũng “tự” được cắt đứt.
Ví dụ, A lây cho B, người B tiếp xúc với người C và D nhưng nếu B,C,D cùng thực hiện 5K thì không còn đường lây truyền. Điều này cũng lý giải vì sao mà hiện nay một số ổ dịch nhỏ bị mất dấu F0 mà dịch không bùng lên là như vậy.
Vấn đề hiện nay đối với người dân là luôn phải cảnh giác, không chủ quan ngay cả khi không có dịch bùng phát. Đợt dịch này chúng ta đã thấy được lỗ hổng chủ quan trong nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện… khiến virus mới có cơ hội lây truyền nhanh như vậy.
Bộ Y tế vẫn có khuyến cáo phòng bệnh trong điều kiện bình thường mới là 5K, nhưng chúng ta lại chủ quan.
Đối với người dân đi từ nơi đang có ca bệnh cần có ý thức tuân thủ cách ly tại nhà và thực hiện đúng 5K thì nếu có mắc bệnh số lượng người bị lây nhiễm cũng sẽ thấp.
Mới đây, có một trường hợp từ TP HCM ra Hà Nội đã tự khai báo y tế và cách ly tại nhà. Khi trường hợp này có ho, sốt và kết quả xét nghiệm dương tính thì truy vết được rất ít F1.
Nếu ai cũng làm được như thế, nguy cơ lây cho người khác sẽ thấp và ngành y tế truy vết sẽ nhàn.
Số ca mắc mới của chúng ta sẽ không thể về 0 được, nhưng không để số mắc tăng cao. Số ca mắc không tăng cao để giảm số người tử vong. Trong thời gian tới chúng ta vẫn sẽ có những ổ dịch xuất hiện cho nên cần phải lưu ý kiểm soát thật tốt. Tôi nhiều lần nói ổ dịch nhỏ như là những “đốm lửa”, đừng để bùng phát thành “đám cháy”.
Ngoài ra Việt Nam cũng đã đề ra giải pháp vắc xin và 5K để cuộc sống của người dân sớm có thể quay trở lại bình thường. Việc tiêm vắc xin tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ giảm được số ca mắc, giảm các trường mắc Covid-19 nặng và giảm số người tử vong.
Ở thời điểm hiện tại số lượng người được tiêm vẫn thấp người dân nên thực hiện đúng 5K để cắt đứt được chuỗi lây nhiễm.
Ngoài ra cần lưu ý cần phát hiện sớm các trường hợp ho, sốt vì các ổ dịch gần đây tại Đông Anh, Hà Nội và TP HCM, người bệnh có dấu hiệu sốt, ho đều tới bệnh viện khám và phát hiện ra ổ dịch mới.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, chúc ông sức khỏe và thành công!
Minh Ngọc