+
Aa
-
like
comment

Nếu nơi cứu trợ không thể live stream, ai sẽ tới phát quà?

26/11/2020 15:08

Trong lúc cả nước đang phải gồng mình chống dịch và khắc phục hậu quả sau bão lũ, thì có một số người có tầm ảnh hưởng lại liên tục đả kích, lan truyền thông tin bậy bạ… Đội này liên tục đưa ra các luận điệu kiểu như:

– Nhân dân mất niềm tin vào chính quyền nên mới gửi tiền cho những người nổi tiếng.

– Cơ quan chính quyền không có mặt lúc người dân cần, nên người dân mất niềm tin.

– Người dân chết đói, chết khát mà không có cơ quan nào cứu trợ, chỉ có những người nổi tiếng đến.

– Các cơ quan chính quyền không minh bạch, ăn hết tiền của người dân…

Vừa qua, streamer Dưa Leo đăng tải một clip nói về việc người dân nhìn thấy được trường hợp ca sĩ Thủy Tiên, MC Phan Anh… trực tiếp tham gia cứu trợ người dân, lao mình vào vùng lũ và anh chàng này đặt câu hỏi rằng các cơ quan, chính quyền, bộ đội ở đâu? Rồi những người này có quay lại, chụp ảnh, livestream đủ cả, vì thế họ chứng tỏ được với nhân dân rằng họ xứng đáng được nhân dân đặt niềm tin, còn chính quyền thì không.

Nhưng thưa rằng, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.

Những địa điểm mà nhiều người nổi tiếng chụp ảnh, quay clip hay trực tiếp… thì đều là những nơi tồn tại sóng điện thoại, có đường giao thông. Nhưng nơi đó thường dễ tiếp cận, hoàn cảnh của người dân tuy khó khăn nhưng vẫn chưa khốn cùng bằng những nơi khác.

Còn những vùng núi cao, vùng biên ải, những nơi không có sóng viễn thông, không 4G… thì ai lên đó cứu nhân dân? Bộ đội, công an, chính quyền chứ ai nữa. Như các chiến sĩ ở đoàn 337, phải hành quân mấy chục cây số cứu người dân, như các chiến sĩ ở Rào Trăng, cũng phải cuốc bộ vào tận điểm sạt lờ và nhiều người đã hy sinh. Hay như ở Phước Sơn – Quảng Nam, Đa Krông – Quảng Trị, hàng trăm người dân, chiến sĩ thay phiên nhau gùi hàng bằng vai trần đến các vùng núi cao, bị cô lập và bị mất liên lạc hoàn toàn. Sau bão lũ, công tác khắc phục hậu quả, dọn dẹp đường xá, trường lớp, khôi phục lưới điện, hỗ trợ y tế, hỗ trợ việc làm, dựng lại nhà cửa cho người dân, ai làm?

Dĩ nhiên, là không thể đòi hỏi những nghệ sĩ vào những vùng xung yếu như vậy được. Nhưng những kẻ ngoài cuộc, như Dưa Leo, đừng cứ làm như những người nghệ sĩ đó gánh vác của miền Trung, không có những người đó thì người dân miền Trung đi bụi hết… Nói như Dưa Leo, không khác gì bảo đồng bào phủi sạch trơn những gì anh em chiến sĩ, công an, cơ quan chức năng đã làm.

Như thế vừa bất nhân, vừa bất nghĩa.

Còn nữa, Dưa Leo cho rằng sở dĩ người dân ủng hộ tiền bạc cho cho những người nổi tiếng như MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên mà không ủng hộ cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các đơn vị liên quan đến chính quyền… là vì người dân mất niềm tin.

Dưa Leo dẫn một số thông tin như thôn thu lại tiền cứu trợ, chi trả tiền hỗ trợ đại dịch chậm chạp, làm thất thoát tiền quỹ bảo hiểm xã hội.. như là những ví dụ chỉ trích chính quyền. Nhưng, việc thu lại cứu trợ nhằm mục đích san sẻ gánh nặng cho các hộ dân khác, điều này được sự đồng thuận của các hộ dân trong thôn. Còn nguyên nhân chi trả tiền hỗ trợ chậm nhằm mục đích điều tra lại số hộ nghèo, chi trả đúng đối tượng, tránh thất thoát – và sự là công tác chi trả hỗ trợ đại dịch thực hiện tốt mà đến nay xảy ra rất ít bê bối mặc dù số tiền dùng chi trả lên đến hàng chục ngàn tỷ. Còn lý do về thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội thì cơ quan CA cũng đã truy tố Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cùng đội ngũ bị can đều có “máu mặt” cả, nhưng đưa câu chuyện gây thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội vào để nói về vấn đề quyên góp chống lũ thì cứ sai sai.

Ngoài ra, diễn viên hài này còn dẫn ra một trường hợp chậm trễ hỗ trợ tiền cứu trợ tại Kon Tum để nói móc chính quyền. Nhưng nếu nhìn vào tổng thể, sẽ thấy rằng chỉ đạo của cơ quan huyện hỗ trợ cho người dân là rất kịp thời, nhưng khi xuống đến cơ quan cơ sở cấp xã thì lại gặp vướng mắc.

Nhưng chỉ một xã xảy ra tiêu cực không có nghĩa là toàn bộ các xã khác đều như vậy. Cũng như chỉ một vài người tiêu cực, không có nghĩa là toàn bộ cán bộ đều vứt đi hết. Nếu cán bộ đều vứt đi hết, thì giờ Việt Nam đã nát bét rồi và có khi chẳng còn tồn tại nữa. Nếu đánh giá một cộng đồng lớn dựa trên một vài cá thể, thì đó là quy chụp và thiển cận.

Nếu người dân không tin chính quyền, chỉ tin các nghệ sĩ, thì khoản tiền hơn 2100 tỷ quyên góp chống dịch, hoặc như 2400 tỷ hỗ trợ người nghèo chẳng hạn, được in bừa ra à? Mà 27 tỷ và 150 tỷ, nghe có vẻ nhiều đấy, nhưng khắc phục hậu quả bão lũ phải tính bằng hàng ngàn tỷ, thậm chí hàng chục ngàn tỷ.

Chưa hết, diễn viên với câu nói bất hủ: “Người nghèo Mỹ cũng giàu hơn người giàu có ở Việt Nam” cho rằng làn sóng antifan sẽ khiến cho những người nổi tiếng không dám đi cứu trợ nữa, từ đó nhân dân sẽ khốn cùng, khó khăn chồng chất khó khăn.

Không có người này thì có người khác, đừng tự cho mình là cái rốn của vũ trụ và phủ nhận sự có mặt của biết bao đoàn từ thiện khác. Tại sao không tự đặt câu hỏi rằng người A bị ném đá, còn người B thì không? Hay như mọi năm, không có người C đi cứu trợ, thì đồng bào bị bỏ mặc à?

Không ai chỉ trích cái tâm từ thiện, người ta chỉ trích cách làm từ thiện. Cũng như cũng là bệnh nhân giàu có, nhưng người ta mắng bệnh nhân số 17, có ai mắng con gái của bác Johnathan Hạnh Nguyễn không? Vì bệnh nhân số 17 trực tiếp lên báo mạng nước ngoài có lời bêu xấu quê hương, còn Tiên Nguyễn thì lại cùng gia đình hỗ trợ chống dịch.

Dưa Leo còn lớn tiếng yêu cầu cư dân mạng lập ra những hội nhóm anti Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ,… đòi các cơ quan này phải minh bạch. Điều này làm mình nhớ đến một clip lâu rồi, một thanh niên vào cửa hàng Viettel Store yêu cầu được dùng máy miễn phí, lý do thanh niên này đưa ra là Viettel Store thuộc Viettel, Viettel lại là tập đoàn kinh tế nhà nước, mà nhà nước lại của nhân dân, vì thế nhân dân có lấy máy từ Viettel Store để sử dụng (?).

Còn nếu trả lời vào trọng tâm câu hỏi trên, thì Dưa Leo cần đọc thêm về Thông tư 337/2016/TT-BTC quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Tại sao không anti Mặt trận Tổ Quốc đi? – Dưa Leo nói. Nhưng, Mặt trận Tổ Quốc không làm gì sai, một số người lợi dụng chức vụ để thực hiện mới là sai, cần phải phân biệt rõ như vậy. Cũng như không ai đi anti cả ngành diễn viên hài độc thoại chỉ vì một tên diễn viên hài độc thoại bắng nhắng, thích xen vào chính trị nhưng lại không hề có kiến thức.

Tối qua, chương trình Đối Diện của VTV cho rằng: “Vấn đề là chúng ta liệu có đủ tỉnh táo để phân biệt được thật, giả, đúng sai, hay giờ, để tránh rơi vào cái bẫy ngày càng tinh vi của những kẻ đục nước béo cò… Càng trong khó khăn, người Việt càng đoàn kết lại…”.

Và họ, những người mà Dưa Leo chỉ trích, vẫn đang làm, chỉ là không livestream thôi.

Tifosi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều