Nếu Nga thành công, ai sẽ là người “thừa ngôi kế vị” ở Kiev?
Tính đến nay, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine đã kéo dài được 5 ngày. Chẳng ai biết khi nào nó sẽ dừng lại, trừ khi có lệnh “rút quân” chính thức từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quyết tâm của Tổng thống Putin
Hiện nay, giới chức các nước EU đang quả quyết rằng “Ông Putin đang vấp phải sự phản kháng của người Ukraine lớn hơn những gì ông ấy tính toán” và vì thế mà quân đội Nga vẫn chưa thành công tiến được vào thủ đô Kiev.
Trang NBC News ngày 27/2 viết: “Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm Chủ Nhật rằng Mỹ đang chứng kiến việc Nga bị chậm lại do sự kháng cự gay gắt của Ukraine và các thách thức hậu cần, bao gồm cả tình trạng thiếu nhiên liệu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng được các nhà lãnh đạo Châu Âu ca ngợi như là một “nhà lãnh đạo thời chiến đầy thuyết phục”. Vừa qua, ông Zelensky tuyên bố quyết ở lại và kêu gọi được không ít người Ukraine đứng lên để chiến đấu với quân đội Nga.
EU cũng vì thế mà có lý do viện trợ vũ khí cho Ukraine, cũng như ban hành một loạt các lệnh trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga và cáo buộc Nga là một đội quân xâm lược trước thế giới. Hôm 27/2 tại Berlin, các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra. Hơn 100.000 người xuống đường để kêu gọi ngừng giao tranh ở Ukraine. Người biểu tình tại Berlin giương cờ Ukraine để ủng hộ hòa bình cho nước này, phản đối chiến sự và kêu gọi Nga rút lực lượng quân sự khỏi quốc gia láng giềng.
Thế nhưng, giới quan sát đánh giá bất chấp việc Ukraine có kháng cự mạnh mẽ cộng thêm các rào cản đến từ phương Tây thì với phong cách của mình, ông Putin sẽ không dừng lại cho đến khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đạt được mục tiêu mà Nga đề ra.
Mục tiêu của Nga, không chỉ là nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine, tức tiêu hủy các tiền đồn quân sự trên khắp lãnh thổ. Mà Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ còn “phi phát xít hóa” Ukraine, tức là lật đổ chính quyền Kiev hiện tại, chính quyền mà ông Putin cho rằng “không biết thương dân” và “nhẫn tâm thực hiện các hành vi diệt chủng như một tân phát xít” trong suốt nhiều năm qua.
Một số người cho rằng việc Nga chậm tiến quân chính là chờ cho người dân Ukraine kịp di tản. Nga chỉ đơn giản là không muốn các đợt tấn công làm tổn hại đến thường dân, cũng như muốn để ngỏ một cơ hội đàm phán cho chính quyền Ukraine hiện tại. Moskva vốn không sợ và đã chuẩn bị trước cho các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Do đó, việc EU ra sức hỗ trợ vũ khí cho Ukraine cũng chỉ có thể kéo dài “sự tồn tại của chính quyền Zelensky” thêm vài ngày, thậm chí hành động bổ sung vũ khí cho Ukraine, không khác gì đang châm thêm dầu vào lửa, khiến cuộc giao tranh ở Ukraine càng thêm phần ác liệt.
Nhìn chung, EU mong rằng các biện pháp đáp trả sẽ khiến Nga quay đầu, trong khi Nga thì vẫn quyết tâm lật đổ bằng được chính quyền Tổng thống Zelensky. Nếu mọi việc không đúng theo kế hoạch của ông Putin, thời gian của cuộc giao tranh có thể sẽ kéo dài. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho thấy ông sẽ không muốn “sa lầy” chiến sự ở Ukaine, do đó, chiến dịch đặc biệt ở Ukraine sẽ không kéo dài quá lâu, quân đội Nga sẽ có một câu trả lời rõ ràng cho thế giới vào ngày 2/3.
Và nếu giả sử Nga đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine, thì đó cũng là lúc chính quyền Kiev hiện tại đi vào lịch sử. Nga sẽ noi gương cách làm của Mỹ, đó là lập nên một chính quyền mới tại Kiev, chính quyền mà theo Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả là “một nhà nước trung lập và biết yêu thương người dân hơn”.
Chắc chắn hiện nay, Điện Kremlin cũng đã có kế hoạch lập nên một chính quyền mới tại Kiev. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ là người đứng đầu? Ai là người có khả năng nhất đứng vào hàng ngũ lãnh đạo Kiev hiện tại?
Ứng viên đầu tiên: Doanh nhân, chính trị gia Oleg Tsaryov
Theo một số nguồn tin tình báo phương Tây thì ông Oleg Tsaryov – một cựu chính trị gia Ukraine – sẽ người có thể trở thành lãnh đạo nếu chính quyền ở Kiev thay đổi. Theo một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ông Tsaryov từng là một sự lựa chọn đầu tiên mà Tổng thống Nga Putin để mắt đến.
Ông Oleg Tsaryov vốn từng là một nghị sĩ Ukraine. Ông sinh ra ở Dnipro, miền đông Ukraine. Ông từng là thành viên của Đảng Các vùng (Party of Regions) theo đường lối thân Nga do cựu Tổng thống Viktor Yanukovych dẫn đầu. Tuy nhiên, sau phong trào Euromaidan, ông Yanukovych đã chạy sang Nga vào năm 2014. Nga cũng nhân đó mà sáp nhập Crimea vào năm 2014, theo sau đó là tuyên bố ly khai và chiến sự tại Donbass. Thời điểm đó, ông Tsaryov đứng ra tranh cử Tổng thống với sự hậu thuẫn của Nga, tuy nhiên, ông không được người dân Ukraine ủng hộ, thậm chí còn bị một kênh truyền hình ở Kiev mời ra khỏi trường quay và bị đám đông tấn công.
Ông Tsaryov sau đó rời Kiev để về Donbass, và trở thành người đứng đầu một cơ quan lập pháp tiềm năng có tên là “Quốc hội Novorossia” để thống nhất hai đảng ly khai do Nga ủng hộ. Biến cố lại xảy ra, khi Ukraine cáo buộc ông ủng hộ phe ly khai, ông Tsaryov tiếp tục chuyển tới Crimea và cũng từ bỏ sự nghiệp chính trị vào năm 2015. Và giờ đây ông đang điều hành một viện dưỡng lão kiểu Liên Xô ở thành phố Yalta trên Biển Đen.
Chia sẻ với báo chí vừa qua, ông Tsyarov nói với phóng viên rằng rõ ràng không có bất cứ cơ hội nào cho ông đứng đầu một cuộc đảo chính, vì ông vốn đã không được lòng người dân Ukraine. Ông Oleg Tsaryov còn đã phủ nhận thông tin của tình báo Mỹ và nói rằng: “Đây là một tình huống quá tức cười. Hãy nhìn tôi đây này, tôi thậm chí còn không được mời phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga vì không đủ quan trọng. Tôi chỉ là giám đốc một viện dưỡng lão ở Yalta.”
Thật ra, kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga diễn ra, giới chức phương Tây đã rất lo sợ việc Tổng thống Putin lật đổ chính quyền của ông Zelensky, người mà được đồn đoán cũng là do chính tay Mỹ dựng nên. Cho nên, những ngày qua, hàng loạt chính khách, nhân vật chính trị đã được “gọi tên”. Và ông Oleg Tsyarov nổi bật lên trong số những cái tên đó, không chỉ vì ông từng đứng ra tranh cử Tổng thống Ukraine, mà hiện ông còn đang ở Nga và chỉ mới 51 tuổi, độ tuổi phù hợp để nắm quyền lâu dài tại Ukraine.
Song, ông Oleg Tsyarov cũng không phải là một ứng cử viên tiềm năng. Trong số những cái tên mà giới chức phương Tây liệt kê, thì ông Viktor Medvedchuk mới là ứng viên sáng giá nhất.
Địa vị không thể chối bỏ của ứng cử viên 67 tuổi Viktor Medvedchuk
Hôm 25/2, các quan chức của Mỹ bất ngờ “bẻ lái” dự báo rằng chính ông Viktor Medvedchuk mới là người có khả năng cao nhất ngồi vào ghế lãnh đạo thay thế Tổng thống Zelensky. Trái ngược với ông Oleg Tsaryov, ông Viktor Medvedchuk có một nền tảng chính trị tốt hơn khi hiện đang là Chủ tịch đảng “Cương lĩnh đối lập – Vì sự sống” ở Ukraine (gọi tắt là đảng Cương lĩnh đối lập).
Đảng Cương lĩnh đối lập của ông Viktor Medvedchuk hiện là chính đảng đối lập lớn nhất ở Ukraine, nắm trong tay 44 ghế trong Quốc hội. Không những thế, Đảng Cương lĩnh đối lập và cá nhân ông Medvedchuk từng nhiều lần lên tiếng kêu gọi Tổng thống Volodymyr Zelensky phải từ chức vì “không thực hiện được nhiệm vụ quan trọng của quốc gia”.
Vào năm 2019, khi ông Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine, chính ông đã cam kết rằng sẽ hướng tới một giải pháp hòa bình ở vùng Donbass. “Trong mọi tình huống, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo các cuộc đàm phán theo thỏa thuận Minsk và hướng tới mục tiêu đạt được lệnh ngừng bắn”, ông Zelensky khi đó nêu rõ.
Tuy nhiên, lời cáo buộc của Đảng Cương lĩnh đối lập đã nêu rằng: “Suốt 2 năm rưỡi qua, bất chấp lời kêu gọi của các đối tác, phe đối lập và người dân, chính phủ Ukraine của ông Zelensky vẫn không có các biện pháp cần thiết để thực hiện thỏa thuận Minsk, khôi phục hòa bình và thống nhất.
Ngược lại, đại diện của chính phủ liên tục tuyên bố các điều khoản trong thỏa thuận Minsk là không có lợi, yêu cầu sửa đổi hay đơn giản là không chấp hành chúng.”
Các thành viên đảng Cương lĩnh đối lập tin rằng chính quyền Kiev nên giải tán vì không thể khôi phục hòa bình và giành lại Donbass: “Đất nước và các công dân Ukraine không nên trả giá cho tham vọng và sự vô trách nhiệm của các chính trị gia. Sự thất bại của chính phủ Tổng thống Zelensky không nên là thất bại đối với đất nước.”
Tuyên bố cũng nói thêm: “Cử tri ở Ukraine trong các cuộc bầu cử đã tin tưởng bỏ phiếu bổ nhiệm ông Zelensky làm Tổng thống, với mong muốn duy trì hòa bình và đưa vùng Donbass trở về Ukraine. Tuy nhiên, chính phủ mới đã không thể đương đầu với nhiệm vụ mang tầm quan trọng quốc gia này.”
Thực tế đang cho thấy, sức mạnh chính trị sẵn có sẽ giúp ông Viktor Medvedchuk có tiếng nói rất lớn ở Ukraine. Đặc biệt trong tình cảnh rối ren hiện nay, Đảng Cương lĩnh đối lập của ông sẽ càng có cơ hội để giành được sự tín nhiệm của người dân Ukraine. Việc Nga mở một “chiến dịch quân sự” ở Ukraine vốn đã gây nhiều tranh cãi. Và nếu chỉ đơn thuần là đưa một nhân vật chính trị lên nắm quyền, chắc chắn hành động đó sẽ nhận lại sự phản đối gay gắt của giới chức phương Tây cũng như phần lớn người dân Ukraine. Họ sẽ tiếp tục cáo buộc ông Putin là “kẻ độc tài” và ôm mộng xâm lược. Do đó, một giải pháp khả quan hơn lúc này, đó là người lên đứng đầu chính phủ Ukraine, phải được chính người dân Ukraine ủng hộ. Việc này không những khiến phương Tây phải nhún nhường, mà còn khiến dân tình ở Ukraine bớt sục sôi. Chính vì thế ông Viktor Medvedchuk là ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay.
Và thật ra, nếu Nga không trực tiếp thay đổi chính quyền ở Kiev, thì Đảng Cương lĩnh đối lập có thể cũng sẽ làm. Chính ông Viktor Medvedchuk đã từng nói rằng cách duy nhất để Ukraine vượt qua khủng hoảng hiện nay là “cải tổ chính phủ và cân nhắc lại các chính sách đối nội, đối ngoại ở Kiev”.
Ông Medvedchuk từ lâu đã được biết tới là người luôn ủng hộ Nga trong các vấn đề chính trị ở Ukraine. Không chỉ thế, ông còn rất thân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi từng chọn ông Putin làm cha đỡ đầu cho con gái của mình. Thậm chí, ông Medvedchuk còn là người có quan điểm chống đối Liên minh châu Âu và phương Tây.
Và không chỉ có tư tưởng thân Nga, mà khi xét về nền tảng ông Viktor Medvedchuk tỏ ra vượt trội hơn các chính khách khác.
Ông Medvedchuk hiện đang sở hữu ít nhất 3 đài truyền hình (đã bị giới chức Kiev buộc đóng cửa vào năm ngoái). Việc ép buộc đóng cửa là do lo sợ ông phát tán những thông tin bất lợi cho chính quyền Tổng thống Zelensky. Điều này có nghĩa kinh nghiệm truyền thông của ông Medvedchuk rất có ích, nếu ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ thân Nga. Không chỉ thế, ông còn từng tham gia vào nhiều dự án dầu khí cũng như có các mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo doanh nghiệp Nga, điều đó càng cho phép ông gắn kết nền kinh tế Ukraine với Nga sau khi lên nắm quyền.
Theo chuyên gia nghiên cứu về Ukraine và Nga, Tiến sĩ Jaro Bilocerkowycz của Đại học Dayton (Mỹ), ông Viktor Medvedchuk chính là “lựa chọn số 1” của Nga trong việc thay thế một chính phủ mới ở Ukraine.
Hiện nay, vẫn chưa biết thể biết chính xác Nga sẽ lập nên chính quyền mới ở Kiev bằng cách nào, tất cả chỉ đều là dự đoán. Song, việc làm nhạy cảm đó sẽ khó thành hiện thực nếu không được lòng người dân Ukraine. Moskva không thể bắt buộc người dân Ukraine làm theo ý mình. Vì vậy, trong bối cảnh dân tình sục sôi như hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ càng cần cho mình một chính khách Ukraine được lòng người dân, tất cả những gì mà Moskva có thể làm chỉ là đứng sau để hậu thuẫn và ngăn cản sự can thiệp của Mỹ và phương Tây.
Huy Hoàng