Nếu không thích, thuê bao di động không còn bị cuộc gọi bảo hiểm, cò đất làm phiền
Trường hợp người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo như từ bảo hiểm, cò đất,… thì người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đó.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác để “quét” sạch tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Ông Nguyễn Khắc Lịch – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã đưa ra định nghĩa mới và biện pháp mới để quyết tâm xử lý dứt điểm vấn nạn này. Nghị định này sẽ được áp dụng từ ngày 1/10/2020, riêng đối với một số trường hợp thì cần có thời gian chuyển tiếp.
Định nghĩa mới về tin nhắn rác để chặn triệt để tin nhắn rác
Tin nhắn rác trước đây được định nghĩa là tin nhắn được gửi đến người nhận mà người đó không mong muốn. Định nghĩa này gây ra nhiều sự hiểu lầm và chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ. Ví dụ một người nhắn tin cho nhiều người thông báo và mời cưới con họ. Có thể có những người không thích và không mong muốn nhận được tin nhắn này, và như vậy theo định nghĩa đây là tin nhắn rác. Thậm chí tin nhắn thông báo lũ lụt hay kêu gọi ủng hộ từ thiện bị xếp vào là tin nhắn rác. Vì vậy, những tin nhắn này có thể bị chặn để tránh làm phiền khách hàng.
Theo thông lệ quốc tế, các nước không định nghĩa tin nhắn rác như vậy mà họ đưa ra định nghĩa tin nhắn rác là tin nhắn mang tính chất quảng cáo thương mại và phải được sự đồng ý của người nhận. Vì vậy, trong nghị định mới về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã định nghĩa lại ngoài các tin nhắn mà pháp luật cấm (cũng được gọi là tin nhắn rác) thì “Tin nhắn rác là tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của Người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại Nghị định này”.
“Nghị định mới này nhấn mạnh đến yếu tố tin nhắn quảng cáo mà người dùng không mong muốn là tin nhắn rác chứ không phải là mọi tin nhắn không mong muốn như định nghĩa trước đây. Như vậy, với định nghĩa mới này thì những tin nhắn mời cưới, tin nhắn thông báo lũ lụt hay kêu gọi ủng hộ từ thiện… sẽ không bao giờ bị coi là tin nhắn rác. Việc quy định rõ ràng khái niệm này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tin nhắn rác được thực hiện dễ dàng và việc triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác của các doanh nghiệp viễn thông được thuận lợi, đồng bộ hơn và người dân cũng hiểu rõ và nhận dạng tin nhắn rác được dễ dàng hơn”, ông Lịch nói.
Đối với nhiều nước trên thế giới thì tin nhắn quảng cáo là công cụ bán hàng rất tốt cho các doanh nghiệp và kích cầu nền kinh tế. Trong khi đó, miếng bánh quảng cáo hiện nay đang nằm trong Google và Facebook chứ không nằm trong tay các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng với quy định mới sẽ tăng quảng cáo hợp pháp, giảm tin nhắn rác không mong muốn cho khách hàng bằng cách khuyến khích các nhà quảng cáo gắn nhãn thương hiệu quảng cáo của mình vào tin nhắn đến khách hàng.
Tuy nhiên, để khách hàng chấp nhận những tin nhắn thì nhà mạng sẽ phải gửi tin nhắn cho khách hàng có đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo hay không. Nếu khách hàng không nhắn tin đồng ý xác nhận mà vẫn bị nhà quảng cáo và nhà mạng nhồi tin nhắn quảng cáo sẽ bị xử phạt theo quy định với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Lần đầu tiên đưa ra định nghĩa cuộc gọi rác
Vẫn theo ông Lịch, nhiều khách hàng đã phản ánh về cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác xuất hiện ngày càng nhiều gây bức xúc cho người dùng điện thoại, trong đó trong đó có cả những cuộc gọi lừa đảo, trừ cước người dùng. Tuy nhiên trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đối với đối tượng này. Vì vậy, trong Nghị định mới này, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về cuộc gọi rác. Nghị định đã quy định khái niệm cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác và biện pháp quản lý đối với đối tượng mới này. Qua đó lấp được lỗ hổng thiếu quy định về ngăn chặn cuộc gọi rác hiện nay.
“Nghị định này đã đưa ra định nghĩa rõ cuộc gọi rác là cuộc gọi quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo với các nội dung bị cấm theo quy định. Mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi điện thoại quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh: Trường hợp người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đó. Quy định này không chỉ bảo vệ người dùng trước cuộc gọi rác mà còn tạo cơ sở cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng pháp luật và thúc đẩy kinh tế, giúp cho việc quảng cáo của người quảng cáo gặp được đúng nhu cầu cần tiếp nhận quảng cáo của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là vấn nạn của xã hội trong thời gian qua. Tại các cuộc chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng đã nêu vấn đề này và đề nghị phải có chế tài mạnh để xử lý. Thực tế, Bộ TT&TT trước đây đã tham mưu cho Chính phủ, ban hành những chính sách để xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Những chính sách này bước đầu đã tác động và giảm đáng kể, nhưng chưa thể xử lý dứt điểm vấn nạn này.
Vì vậy, trong năm 2019 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tryền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự thảo Nghị định mới trình Chính phủ thay thế hai Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác. Đến ngày 14/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định thay thế số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác với quyết tâm “quét” sạch tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác.
Nghị định này đưa ra các biện pháp quản lý mới nhằm hạn chế tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; thúc đẩy thị trường quảng cáo hợp pháp qua tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi.
Bị phạt 100 triệu, thu hồi số điện thoại nếu gửi tin nhắn rác
Nghị định 91 cũng bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác.
Mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đồng thời, thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên… Nghị định 91 có hiệu lực từ 1-10-2020.
Thành Nhân