+
Aa
-
like
comment

Nếu không phá thế độc quyền, giá điện sẽ còn mãi bùng nhùng

Đỗ Mạnh - 16/09/2020 18:15

Sau bao nhiêu ngày bàn cãi tranh luận, Bộ Công thương vẫn chưa thống nhất được giá điện trình chính phủ. Dư luận cho rằng nếu chưa có sự minh bạch trong cấu thành giá điện thì những cuộc tranh luận này sẽ kéo dài mãi mà sẽ không có hồi kết.

Thời gian gần đây người ta thấy chính Bộ Công thương đề xuất mấy phương án tính giá điện và rồi lại chính Bộ Công thương xin rút lại phương án mà do chính Bộ Công thương đề xuất. Dư luận xã hội cho rằng sở dĩ các phương án tính giá điện mãi chưa thể chốt được là lỗi do chính Bộ Công thương. Đơn giản vì những chuyên gia Bộ Công thương chịu trách nhiệm tính giá điện cứ luẩn quẩn và ôm mãi cái tư duy độc quyền nên không thể đưa ra những ý kiến mang tính đột phá. Ai cũng biết điện là loại hàng hóa đặc biệt do Chính phủ quản lý và điều hành phân phối và quyết định giá, nhưng chắc chắn một điều là nhà nước không cấm hay kìm hãm những ý tưởng giúp ngành điện phát triển. Một điều  mà người tiêu dùng cần là cần một cơ cấu tính giá minh bạch trong mọi cấu thành làm nên giá điện. Liệu rằng ngành điện có đủ dũng cảm để công bố với quốc dân đồng bào về các thành phần làm nên giá điện, số nhân viên vận hành, số lượng tiêu hao khi truyền tải, sản lượng điện hàng năm sản xuất ra, thực tế số kw bán phục vụ sinh hoạt và sản xuất để các chuyên gia trong cả nước cùng tính xem thực chất giá sản xuất 1kw điện là bao nhiêu?

Từ đó định ra giá bán sao cho hợp lý bảo đảm cho ngành điện lấy thu bù chi để phát triển. Nhiều người đặt câu hỏi chẳng lẽ ngành điện nước ta từ trước đến nay kinh doanh toàn bị lỗ? Vậy nếu lỗ thì  hàng năm nhà nước phải bù vào giá thành điện là bao nhiêu? Nguồn bù lỗ lấy từ đâu? Hay là lấy từ nguồn lãi mà ngành điện thu được khi đầu tư vào những ngành nghề khác. Trong khi đó chúng ta có rất nhiều cách để giảm chi phí giúp giảm giá thành điện. Ví dụ như tránh độc quyền trong quản lý và phân phối điện. Nếu quản lý tốt, giảm quân số ở mức tối đa, chúng ta hoàn toàn có thể kéo giá điện xuống thấp. Giảm các cơ quan trung gian mà hầu như Bộ ngành nào của nước ta cũng có sẽ góp phần vào giảm giá điện. Với thang bảng tính giá điện như hiện nay, hai mức thấp gần như là sự trợ cấp cho số đông người dùng điện ít vì cho đó là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những bậc tiếp theo là bậc thang dành cho sản xuất kinh doanh, những người có khả năng chi trả hay nói cách khác là càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền. Trong khi đó những tập đoàn lớn và những quả đấm thép hiện nay thì phần lớn lại là của nhà nước và do nhà nước quản lý. Giá thành sản phẩm của những tập đoàn này có thành phần là giá điện. Với cách tính như vậy chả khác nào nhà nước tự gặm chân mình để sống. Tóm lại là trong cách tính giá điện hiện nay có điều gì đó rất thiếu minh bạch.

Vì vậy để sớm có cơ sở tính giá điện một cách công khai, tính đúng, tính đủ thiết nghĩ Bộ Công thương không nên quá vội vã đưa ra những phương án tính giá điện không khả thi gây bức xúc dư luận. Để sớm thực hiện việc minh bạch giá thành bán điện, Chính phủ cần có những thử nghiệm để rút kinh nghiệm cho một kế hoạch lâu dài. Chính phủ có thể thành lập một số nhà quản lý phân phối điện độc lập nằm ngoài Bộ Công thương nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Nên thổi những luồng gió mới nhằm thay đổi tư duy của những người quản lý điện. Cho họ cơ chế để họ tự hạch toán và chịu trách nhiệm đối với nhà nước. Mặt khác nghiêm túc xem xét lại cơ cấu bộ máy của ngành điện . Sao cho đừng để những cán bộ mà cả đời sống làm việc và hưởng lợi từ sự bù lỗ từ ngân sách thì chắc chắn sẽ không thể có những cao kiến giúp thay đổi ngành điện. Bởi đơn giản với bất kì ngành nghề nào đã sản xuất thì phải có lãi mới có thể sống được, chứ lỗ triền miên chắc chắn sẽ sập tiệm, phá sản. Bảo vệ lợi ích ngành là quan trọng nhưng lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân còn cao hơn nhiều. Bởi vậy trong một số ngành nghề đặc thù mục tiêu phát triển quốc gia phải được đặt lên trên hết, trong đó ngành điện không phải là một ngoại lệ.

Chính phủ có thể tách ngành điện ra khỏi Bộ Công thương để tránh bị chi phối bởi các ngành nghề khác. Tách được như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý và minh bạch giá thành điện. Mặt khác bản thân ngành điện cũng có thể tách ra thành những Tổng công ty riêng độc lập không phụ thuộc nhau theo vùng nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo trong sản xuất điều hành quản lý điện. Chính những công ty này sẽ cạnh tranh nhau trong quản lý phân phối điện và tạo điều kiện cho dân có quyền lựa chọn nhà phân phối cho chính mình.

Ai cũng biết sản xuất điện là ngành đặc thù và điện là thứ hàng hóa đặc biệt song không vì thế mà không có cạnh tranh. Sự cạnh tranh bản chất là làm cho mọi chuyện trở nên tốt hơn.  Quyết định của người tiêu dùng chính là động lực giúp cho ngành điện ngày càng phát triển. Rõ ràng một điều là  nếu chúng ta cứ mãi cái tư duy độc quyền và không chịu thay thói quen thì chắc chắn giá điện sẽ còn bùng nhùng và không có lối thoát.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều