Nếu không ở nhà thì có thể đây sẽ là hình ảnh lá phổi của bạn
Một đoạn video từ Bác sĩ Keith Mortman của Đại học George Washington đã cho thấy hình ảnh 360 độ mô phỏng các tổn thương mà lá phổi phải chịu khi chúng ta nhiễm coronavirus. Đoạn video được render lại dựa trên hình ảnh thực tế lá phổi của một người đàn ông bị bệnh mà trước đó vài ngày, bệnh nhân này không hề có biểu hiện hay triệu chứng gì.
Các khu vực trên phổi được đánh dấu màu vàng là những phần bị nhiễm trùng, tổn thương và viêm. Viêm là một hiện tượng diễn ra rất cơ bản trong cơ chế của hệ miễn dịch, tuy nhiên điều này lại làm cho các chức năng bị suy giảm ví dụ như ngăn máu không thể vận chuyển oxy và thải CO2 ra khỏi cơ thể. Theo trong video, tổn thương không nằm ở một chỗ duy nhất mà có độ phủ rộng khắp lá phổi. Điều này cho thấy diễn biến bệnh diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh chóng.
Người này có bệnh nền là cao huyết áp, 59 tuổi và hiện tại phải sử dụng máy thở để hỗ trợ chức năng phổi. Ngoài ra do tuổi tác đã cao, ông ta còn phải sử dụng thêm máy giúp lưu thông và cung cấp oxy cho máu. Theo bác sĩ Mortman, tác giả của đoạn video, ngoài cao huyết áp, ông không hề có bệnh gì nguyên trọng khác như đái tháo đường hay suy giảm hệ miễn dịch như những người 70-80 tuổi. Quá trình điều trị không giúp cho tình hình tiến triển hơn, bác sĩ cho rằng nếu bây giờ làm lại video chụp phổi của bệnh nhân này thì nó còn có thể xấu và bị tàn phá nhiều hơn.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, tuyên bố hàng loạt biện pháp áp dụng từ 0g 28/3. Trong đó có dừng họp, hạn chế bay từ HN, TP.HCM đi các tỉnh, hạn chế ra đường và di chuyển khỏi TP…
Nội dung Chỉ thị nêu rõ, trong tháng 3/2020, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và của toàn dân. Chúng ta đã và đang kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở nước ta, trong tháng 2 chỉ có 16 ca mắc, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6 đến 26 tháng 3), đã có 137 ca mắc mới tại 23 tỉnh, thành phố, gấp trên 8,5 lần số ca mắc trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 153 ca; đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn, gây lo lắng trong nhân dân.
Nước ta đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hãy yêu nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả! Hãy bắt đầu từ chính bạn bè FB của mình!
1. Hãy kêu gọi mọi người không tụ tập đông người, không ra đường nếu không thực sự cần thiết. Hãy thả phẫn nộ vào những status kêu gọi tụ tập ăn chơi hay những hình ảnh họp nhóm đông người để bày tỏ thái độ của bạn!
2. Hãy nhắc nhở bạn bè của bạn ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ở Ấn Độ người ta phạt roi những ai không đeo khẩu trang. Ở Việt Nam, nghị định xử phạt hành chính từ 100k đến 300k với các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Đáng tiếc rằng cho đến lúc này trên báo chưa ghi nhận ai bị phạt và có quá nhiều kẻ quên não khi không đeo khẩu trang ra đường.
3. Đừng kỳ thị những người đang tự cách ly. Họ là những người tuân thủ tự giác rồi. Với gần 50.000 người đang tự cách ly, họ có thể là bạn bè người thân của bạn. Hãy động viên họ. Hãy chỉ lên án những kẻ trốn cách ly.
4. Hãy nhắc bạn bè rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét đến 2 mét khi đi chợ, xếp hàng.
5. Khai báo y tế, kêu gọi bạn bè khai báo y tế với các trường hợp nhập cảnh từ 8/3 đến nay.
6. Đừng đi đâu cả. Hãy ở yên trong nhà tránh làm xáo trộn nỗ lực chống dịch của chính phủ và bộ y tế.
7. Hãy kêu gọi đóng góp tài chính cho cuộc chiến này. Hiện tại nguồn tài chính quyên góp được đã lên tới hàng trăm tỷ. Hãy cảm ơn những mạnh thường quân bằng việc sử dụng các sản phẩm của họ.
8. Đừng share những tin tức gây hoang mang dư luận khiến chính những người thân của bạn cũng âu lo theo.
9. Đừng nghi ngờ bất kể sự tử tế nào hay những người đóng góp cho cuộc chiến. Bất kể thế nào họ cũng đang HÀNH ĐỘNG chứ không phải chỉ nói suông.
10. Giữ cho chính bản thân bạn sự BÌNH TĨNH vì bạn bình tĩnh bạn sẽ mạnh mẽ để người thân của bạn yên tâm hơn.
Trong thời điểm này, nếu được thì có lẽ là anh em nên hạn chế ra đường và tiếp xúc đông người để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh và có một lá phổi như video.
Thế Khoa (TH)