+
Aa
-
like
comment

Nếu không giải quyết được điều này, Trung Quốc còn rất lâu mới được gia nhập CPTPP

21/09/2021 06:54

Financial Times nhận định việc Trung Quốc muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối mặt với những thách thức trước tiên từ Australia và Canada.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Dù Trung Quốc thể hiện thiện chí hội nhập, nhiều chuyên gia cảnh báo nước này không dễ đáp ứng các yêu cầu của CPTPP, đồng thời thuyết phục hai thành viên là Canada và Australia. Đây là hai quốc gia Trung Quốc khó xích gần trong những năm gần đây.

Mong muốn thúc đẩy hội nhập kinh tế

Các quan chức và giới phân tích Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh chính thức xin gia nhập CPTPP đã thể hiện cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với cải cách kinh tế và tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP vào ngày 16/9, chưa đầy 24 giờ sau khi Mỹ, Australia và Anh công bố liên minh quân sự mới, AUKUS, nhằm chống lại gia tăng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc khẳng định “không có mối liên hệ nào” giữa hai thông báo trên.

“Chúng tôi tin rằng việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, phát triển thương mại và đầu tư hậu Covid-19”, Zhao Lijian – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cho biết.

Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, gọi động thái này là một “tín hiệu rất quan trọng”, giúp “mở rộng chính sách cải cách và mở cửa” của Trung Quốc.

“CPTPP có ngưỡng tiêu chuẩn tương đối cao”, ông nói. “Nếu Trung Quốc muốn tham gia, Trung Quốc cần quyết tâm đáp ứng các yêu cầu CPTPP đặt ra”.

“Mỹ luôn phàn nàn về Trung Quốc khi nhắc đến lĩnh vực thương mại. Giờ đây, Trung Quốc đang thể hiện thiện chí tăng cường định hướng chính sách và mong muốn hội nhập với cộng đồng quốc tế”, ông nói thêm.

Ông Tập và các cố vấn muốn các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước duy trì vị thế thống lĩnh đối với các ngành chiến lược. Chính phủ đang thực hiện một chiến dịch nhằm giảm bớt quyền lực của khu vực tư nhân hiện dẫn đầu nền kinh tế Internet của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn tự mình cạnh tranh với các công ty đa quốc gia phương Tây. Mục tiêu này sẽ được thúc đẩy bởi các quy tắc tương đối nghiêm ngặt do CPTPP đặt ra liên quan tới trợ cấp công nghiệp và doanh nghiệp nhà nước.

“Liệu đây có phải là một tín hiệu nghiêm túc cho thấy Trung Quốc một lần nữa muốn tiến hành cải cách nền kinh tế, hay chỉ nhằm tranh giành quyền lực. Thật khó tin nếu như chỉ liên quan tới vế thứ 2″, Stephen Jacobi, cựu chuyên gia đàm phán thương mại New Zealand, cho biết.

“Có thể đây là nỗ lực của phía Trung Quốc nhằm cố gắng giải quyết cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Động thái của các doanh nghiệp nhà nước sẽ bị hạn chế đáng kể bởi CPTPP”, ông nói.

Nhiều thách thức không dễ giải quyết

Một số bộ trưởng Nhật Bản đã nhanh chóng chỉ ra các lĩnh vực là rào cản cho sự gia nhập của Trung Quốc, chẳng hạn như những quy định nghiêm ngặt của CPTPP về sở hữu trí tuệ, luồng dữ liệu và lao động.

“Liệu Trung Quốc có ở tâm thế thực sự sẵn sàng tham gia?”, Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, phát biểu vào hôm 17/9.

Các quan chức ở Canberra và Ottawa cũng cảnh giác với đơn xin gia nhập của Trung Quốc. Họ tin rằng Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách sử dụng biện pháp trả đũa thương mại trong quá trình tranh chấp ngoại giao.

Ba nền kinh tế lớn nhất CPTPP đều đang theo đuổi những vụ khiếu nại chống lại Trung Quốc tại WTO: Nhật Bản liên quan tới thép, Canada về cải dầu và Australia về rượu.

Các quan chức Trung Quốc đã tức giận trước lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19 của Australia vào năm 2020.

Ngoài ra, nước này cũng không hài lòng khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành công ty viễn thông Trung Quốc vào năm 2018 để dẫn độ sang Mỹ vì tội gian lận. Để đáp trả, chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, một trong số họ từng là nhà ngoại giao.

trung quoc nop don xin gia nhap CPTPP anh 2
CPTPP gồm 11 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Dan Tehan, Bộ trưởng Thương mại Australia, cho biết “hồ sơ tuân thủ” của Trung Quốc tại các hiệp định thương mại khác sẽ ảnh hưởng đến đơn xin gia nhập CPTPP.

“Các bên tham gia CPTPP muốn tự tin rằng ứng viên khi gia nhập sẽ thực hiện đầy đủ cam kết một cách thiện chí”, ông nói.

Rex Patrick, thượng nghị sĩ độc lập của Australia, lập luận Trung Quốc cần phải “cư xử đúng mực” trước khi tham gia CPTPP, và ngừng “đưa ra các lệnh trừng phạt thương mại ở đây, ở kia và ở khắp mọi nơi”.

Hậu quả từ hết tranh chấp này tới tranh chấp khác đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể phải vật lộn để tiến tới vạch xuất phát của CPTPP. Các thành viên trước tiên cần phải đồng ý mới bắt đầu đàm phán với bên nộp đơn.

Phải mất bốn tháng để các thành viên đồng ý khởi động đàm phán gia nhập với Vương quốc Anh, quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 2.

“Chỉ cần nhìn vào vấn đề tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhiều người đặt câu hỏi liệu mọi thứ có thực sự ổn hay không”, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết. “Sẽ cần đào sâu những câu hỏi đó hơn những câu hỏi dành cho Vương quốc Anh”.

Phương Linh

Bài mới
Đọc nhiều