+
Aa
-
like
comment

Nếu Hải quân Mỹ làm được điều này, tàu chiến TQ sẽ như “các nằm trên thớt”

04/04/2020 08:03

Nếu Hải quân Mỹ làm được điều này, các tàu chiến Trung Quốc và toàn bộ năng lực thương mại hàng hải khổng lồ của họ sẽ như “cá nằm trên thớt” và dễ dàng bị tổn thương.

Mới đây, tờ National Interest xuất bản bài viết “China Has Found The U.S. Navy’s Greatest Weakness: Sea Mines” (tạm dịch: Trung Quốc tìm ra điểm yếu của Hải quân Mỹ: Thủy lôi) của tác giả Lyle J. Goldstein.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều (National Interest là một tạp chí quân sự Phương Tây) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực Tây Thái Bình Dương liên quan tới Mỹ và Trung Quốc hiện tại, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Những bài học về nghệ thuật tác chiến bằng thủy lôi vẫn còn nguyên giá trị?

Vào thời điểm cuối của Chiến tranh Thái Bình Dương (1941-1945), các nhà chiến lược quân đội Mỹ đã khéo léo kết hợp 2 thứ vũ khí mang tính cách mạng quân sự là máy bay ném bom B-29 tầm xa và các loại thủy lôi kích hoạt bằng từ trường hoặc âm thanh.

Đế quốc Nhật Bản khi đó đã bị phong tỏa hoàn toàn bằng hàng nghìn trái thủy lôi “thông minh”, một đòn đánh quỵ nền kinh tế cũng như tinh thần chiến đấu và đã chứng tỏ hiệu quả cao trong việc khiến Tokyo phải nhanh chóng “quỳ gối”.

Tuy nhiên chỉ vài năm sau, Hải quân Mỹ đã phải đối mặt với chiến thuật phong tỏa bằng thủy lôi tương tự của đối phương trong Chiến tranh Triều Tiên.

Các bãi “mìn ngầm” tại Wonsan (thành phố cảng ở Triều Tiên) đã đánh chìm một số tàu chiến của quân Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu và vô hiệu hóa phương án đổ bộ của họ tại thành phố cảng.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991, hai tàu Hải quân Mỹ là USS Tripoli (LPH-10) và USS Princeton (CG-59) đều bị thiệt hại nghiêm trọng bởi thủy lôi của Iraq.

Còn ở hiện tại, nhiều bằng chứng cho thấy thủy lôi vẫn là một yếu tố cốt lõi trong học thuyết hải chiến của Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN).

Chuyên gia: TQ nắm được điểm yếu của Hải quân Mỹ, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn? - Ảnh 1.
Một phần mũi phải của USS Tripoli (LPH-10) bị phá hủy do thủy lôi trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Khi Mỹ cố tình bỏ quên thì Trung Quốc vẫn coi thủy lôi là một “lợi khí”?

Thủy lôi, thứ vũ khí được sử dụng từ thời cổ đại vẫn tiếp tục tiềm ẩn mối nguy hiểm ở hiện đại thì các chiến lược gia quân sự Mỹ đang cố tình hạ thấp mối đe dọa này.

Thủy lôi được sử dụng từ thời cổ đại, chắc chắn không có khả năng “mê hoặc” các chuyên gia như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình chống hạm hay các loại vũ khí siêu thanh mà Bắc Kinh đồng thời đang chế tạo.

Rõ ràng về mặt lý thuyết, thủy lôi khó có khả năng đe dọa trực tiếp các tàu sân bay Mỹ còn các vũ khí trên thì hoàn toàn có thể.

Nhưng nếu bên nào biết cách triển khai khéo léo với số lượng lớn thủy lôi, họ có thể chiếm được ưu thế nhất định trước hải quân đối phương trong giai đoạn đầu của xung đột có thể sẽ diễn ra ở Tây Thái Bình Dương.

Chuyên gia: TQ nắm được điểm yếu của Hải quân Mỹ, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn? - Ảnh 2.
Hình minh họa.

Vài năm trước, tạp chí quân sự Trung Quốc 兵工 科技 (Binh công khoa kỹ / Kỹ thuật tấn công của quân đội) xuất bản một bài viết miêu tả cuộc phỏng vấn là với một giáo sư từ Học viện tàu ngầm Thanh Đảo.

Điều đáng chú ý là (thay vì bàn tới hoạt động tác chiến tàu ngầm của PLAN) các vấn đề chủ yếu được đề cập trong buổi phỏng vấn liên quan đến các phương pháp triển khai các loại thủy lôi trong các cuộc hải chiến.

Thực tế về việc một giáo sư chuyên nghiên cứu về chiến tranh tàu ngầm Trung Quốc có cái nhìn toàn diện về thứ vũ khí nói trên cho thấy tầm quan trọng của nó trong cách thức tiến hành chiến tranh trên biển của PLAN.

Giáo sư này đã đưa ra ví dụ khi khinh hạm USS Samuel B. Roberts (FFG-58) Mỹ va phải một thủy lôi M-08 của Iran ở trung tâm Vịnh Ba Tư năm 1988 và cho rằng “甚至渔船经过简单改装” (những chiếc thuyền đánh cá được sửa đổi đơn giản có thể rải thủy lôi một cách hiệu quả).

Sau khi khẳng định rằng việc sử dụng tàu ngầm là phương pháp lý tưởng nhất để rải thủy lôi, ông tiếp tục đề xuất rằng có thể sử dụng một “thiết bị” được gắn bên ngoài thân tàu nhằm tăng số lượng thủy lôi có thể rải lên từ 1 đến 2 lần.

Cuộc phỏng vấn trên đặc biệt đáng lo ngại với người Mỹ vì các loại thủy lôi do tàu ngầm rải có thể mang đến những “bất ngờ khó chịu” và khả năng gây thương vong lớn nhất nếu xung đột hải quân Mỹ-Trung diễn ra.

Trong kịch bản đen tối đó, tàu ngầm Trung Quốc sẽ rải thủy lôi vào các “nút giao thông” hoặc các căn cứ quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương hoặc thậm chí ở Đại Tây Dương.

Nếu theo đúng ý tưởng của giáo sư Học viện tàu ngầm Thanh Đảo, một tàu ngầm duy nhất có thể rải hơn 50 thủy lôi thì gần như toàn bộ tàu chiến tại các căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ ở khu vực nói trên sẽ không thể di chuyển trong ít nhất một tuần hoặc nhiều hơn.

Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khi xung đột diễn ra.

Chuyên gia: TQ nắm được điểm yếu của Hải quân Mỹ, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn? - Ảnh 3.
Một trái thủy lôi dạt vào bờ biển Yemen.

Eo biển Đài Loan sẽ bị phong tỏa bằng 14.000 thủy lôi?

Một ví dụ khác về “chiến tranh thủy lôi” trong số tháng 8/2015 của tạp chí 现代舰船 (Hiện đại Hạm thuyền) trích dẫn một nghiên cứu từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc mô tả kịch bản phong tỏa ở eo biển Đài Loan nhằm phản ứng với việc đối phương tuyên bố độc lập.

Theo nghiên cứu nói trên, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho giai đoạn đầu tiên của cuộc phong tỏa kéo dài từ 4 đến 6 ngày với từ 5.000 tới 7.000 thủy lôi sẽ được rải trong khu vực.

Theo sau đó là giai đoạn thứ hai với ít nhất 7.000 thủy lôi được rải. Nếu tham chiếu theo chiến dịch phong tỏa Nhật Bản năm 1945, số thủy lôi nói trên sẽ vượt quá số lượng mà người Mỹ đã sử dụng hiệu quả (miêu tả ở phần đầu bài viết) để khiến Tokyo chịu khuất phục.

Bài báo của Trung Quốc cho rằng việc rải 2.000 quả mìn mỗi ngày sẽ tương đối dễ dàng đối với lực lượng không quân và hải quân trong khu vực (khoảng 500 tàu chiến và máy bay với mỗi chiếc có thể mang theo ít nhất 20 thủy lôi).

Ngoài ra, kết hợp với chiến lược hai giai đoạn nói trên, một số tàu ngầm và một tàu đánh cá sẽ cần rải một số lượng thủy lôi nhất định trên các tuyến đường biển quan trọng trong cái gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” (khu vực từ Nhật Bản, qua Đài Loan tới Malaysia).

Chuyên gia: TQ nắm được điểm yếu của Hải quân Mỹ, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn? - Ảnh 4.
Các máy bay ném bom Trung Quốc có thể rải một số lượng lớn thủy lôi ở vùng nước gần đảo Đài Loan.

Thủy lôi “thông minh”

Một ví dụ cuối cùng là bài báo của tạp chí nhấn mạnh về cải tiến kỹ thuật của thủy lôi được xuất bản vào năm 2014 với tựa đề “激光指导技术在出水攻击水雷上使用的可行性探讨” (Nghiên cứu tính khả thi về công nghệ dẫn đường bằng laser cho thủy lôi tấn công).

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng với công nghệ nói trên, hệ thống thủy lôi khi phát hiện mục tiêu phù hợp thay vì phát nổ sẽ nổi lên mặt nước và khai hỏa tên lửa chống hạm ở cự ly gần.

Các tác giả đến từ Học viện Hải quân Đại Liên chỉ ra rằng loại thủy lôi “thông minh” này có thể khiến các thủy thủ đoàn không thể phản ứng kịp nhằm kích hoạt các biện pháp đối phó với nguy cơ.

Điều đáng lo ngại hơn là một gợi ý rõ ràng trong nghiên cứu cho thấy rằng các thủy lôi nói trên cũng có khả năng chống trả máy bay trinh sát-săn ngầm, trực thăng trinh sát biển của Hải quân Mỹ, chống ngầm hay các tàu quét mìn…

Chuyên gia: TQ nắm được điểm yếu của Hải quân Mỹ, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn? - Ảnh 6.
Cùng với công nghệ tàu ngầm không người lái phát triển, việc chế tạo các thủy lôi thông minh có khả năng tấn công khi phát hiện mục tiêu là rất đáng được quan tâm.

“Gậy ông đập lưng ông”?

Cần phải khẳng định một lần nữa rằng Hải quân Mỹ không có nhiều năng lực quét mìn đối phó với hình thức tiến hành chiến tranh bằng thủy lôi. Những thiệt hại do thủy lôi trong Chiến tranh Vùng Vịnh là điểm yếu lớn nhất trong cuộc xung đột nói trên.

Rõ ràng các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam đã không “gióng lên hồi chuông báo động” đối với Hải quân Mỹ mà họ nên có.

Sự “thoải mái” khi mà các máy bay, trực thăng và tàu chiến Mỹ tự do hoạt động mà không sợ bị tấn công trong quá khứ che giấu sự bất cập của các loại tàu quét mìn cũng như việc chỉ huy tác chiến quân sự trên biển.

Một giải pháp để đối phó với mối nguy hiểm tiềm ẩn của thủy lôi có thể chính là “gậy ông đập lưng ông” với một chiến lược phong tỏa toàn diện Trung Quốc bằng “thủy lôi Mỹ” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu làm được điều này, PLAN và toàn bộ năng lực thương mại hàng hải khổng lồ của họ sẽ như “cá nằm trên thớt” dễ dàng bị tổn thương.

Đây có thể không phải là một “mồi lửa” kích hoạt xung đột với Bắc Kinh nhưng là điều cần thiết nhằm duy trì “một cây gậy lớn” giúp giữ hòa bình trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đầy biến động.

Điều quan trọng hơn nữa có lẽ là nó sẽ khiến Trung Quốc không thể tiếp tục “to giọng”.

Lyle J. Goldstein là Phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ tại Newport, RI.

Các ý kiến ​​thể hiện trong phân tích này là của riêng ông và không đại diện cho Hải quân Mỹ hay Washington.

DK/TTT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều