+
Aa
-
like
comment

Nêu gương – một phương thức lãnh đạo đáp ứng đòi hỏi của Đảng và nhân dân

08/01/2020 09:14

Trong quá trình xây dựng, phát triển của Đảng và đất nước trong gần 9 thập kỷ qua, Đảng ta luôn coi trọng công tác tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng; trên cơ sở đó tìm ra những phương thức lãnh đạo phù hợp và có hiệu quả nhằm thực hiện tốt vai trò “lãnh đạo đất nước và xã hội” – như Hiến pháp 2013 đã ghi.

Nêu gương – một phương thức lãnh đạo đáp ứng đòi hỏi của Đảng và nhân dân

Với sứ mệnh cao cả đó, Đảng ta đã dũng cảm nhận ra những sai lầm, vấp váp trong từng thời kỳ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, để từ đó cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng giữ vai trò tiên phong; thật sự là người công bộc, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) là minh chứng sinh động về ý chí kiên quyết, kiên trì thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm thực hiện mục tiêu cao cả nói trên.

Thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng ta có những phương thức lãnh đạo đối với từng lĩnh vực công tác, từ chính trị – tư tưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… để phù hợp đặc thù của từng lĩnh vực. Song, phương thức nêu gương có nội dung và yêu cầu bao trùm đối với tất cả cán bộ, đảng viên đã và đang công tác trong bất cứ lĩnh vực nào của xã hội.

Thật ra, từ ngày thành lập Đảng đến nay, phương thức lãnh đạo bằng cách nêu gương đã xuất hiện do nhu cầu khách quan và chủ quan của thực tiễn cách mạng nước ta. Trước sự săn lùng và khủng bố gắt gao phong trào yêu nước, thực dân Pháp muốn bóp nát ngay trong trứng những hành động phản kháng, đòi độc lập, tự do của các tầng lớp nhân dân ta. Trong thời điểm ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã chọn Quảng Châu (Trung Quốc) làm địa điểm mở các lớp huấn luyện về nội dung và phương thức lãnh đạo của một đảng mác-xít chân chính thực hiện sự nghiệp cách mạng ở nước ta là lật đổ ách áp bức của bọn thực dân, phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại ruộng đất cho dân cày. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin, biến nó thành kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mỗi người yêu nước, chỉ đạt kết quả một khi thông qua những tấm gương tận tụy, trung kiên, bất chấp mọi hiểm nguy, sẵn sàng nhận sự gian khó, hi sinh về mình… của chính những cán bộ đã và đang nhận sứ mệnh cao cả đó, mà tiêu biểu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã vượt qua mọi gian nan, cực nhọc trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, vào những năm 1942-1943, trên đường công tác, bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt và giam cầm qua hàng chục nhà giam khổ ải.

Tiếng bom của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền thực dân Pháp tại Quảng Châu, tuy không thành công, nhưng đã truyền nhuệ khí cách mạng, ý thức sẵn sàng xả thân vì nước cho lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, làm kẻ thù hoảng sợ. Đúng như V.I.Lênin khẳng định: Một tấm gương có sức mạnh gấp trăm lần bài diễn thuyết cụ thể!

Trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng ta, ngay phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”1. Lý giải thắng lợi to lớn của dân tộc trong 30 năm từ ngày thành lập Đảng, Bác Hồ chỉ rõ: “Biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hi sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù… Sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Bác nhấn mạnh: “trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 225 năm tù đầy. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn ở tù… Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp”. Kết thúc bài diễn văn, Bác Hồ nói: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no/ Công ơn Đảng thật là to/ Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng” 2.

Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ở thời chiến cũng như thời bình hiện nay, Đảng ta đã triệt để tận dụng “pho lịch sử bằng vàng” ấy để nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, bồi đắp tính tiên phong cách mạng của mỗi đảng viên, cán bộ theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cùng sẻ chia ngọt bùi, cay đắng với nhân dân. Phương châm nêu gương ấy đã thật sự tập hợp được các tầng lớp nhân dân đi theo Đảng, một lòng một dạ xả thân vì nghĩa lớn. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta càng thấy sự cần thiết duy trì và nhân rộng phương thức nêu gương với những nội hàm cụ thể hơn trước. Nêu gương trong tu dưỡng lý tưởng cách mạng; nêu gương lòng trung thành tuyệt đối với Đảng; nêu gương ý thức tận hiếu với dân, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; nêu gương tận tụy sáng tạo, chủ động, có trách nhiệm với công việc được tổ chức giao; nêu gương tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai… Đây là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng cầm quyền – cơ sở để khởi nguồn và nhân lên sức mạnh của đất nước và dân tộc trong bối cảnh mới.

Kế thừa và phát huy thành quả của phương thức lãnh đạo bằng sự nêu gương, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ban hành Quy định số 08 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” gồm 4 Điều; trong đó ghi rõ 8 điều khoản cần làm và 8 điều khoản cần chống. Bằng kinh nghiệm thực tế, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, Quy định này chỉ có thể đi vào cuộc sống một khi mỗi cán bộ, đảng viên thấm sâu các nội dung cụ thể trong Quy định; từ đó có ý thức tự giác chấp hành. Phương thức lãnh đạo này đòi hỏi mỗi người phải giải quyết tốt 3 mối quan hệ căn cốt: cá nhân – gia đình; cá nhân – đơn vị; cá nhân – xã hội. Đối với gia đình, cần thể hiện vai trò người cha, người mẹ trong phát ngôn chuẩn xác và lối sống chuẩn mực về đạo đức, hành động, làm gương sáng cho con cháu noi theo. Đối với đơn vị, là tinh thần đoàn kết, gương mẫu chấp hành sự phân công công việc, ý thức chủ động vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao. Đối với xã hội, là ý thức tham gia tích cực các hoạt động của cộng đồng; không tiếp tay, bao che các hành vi tiêu cực, tham nhũng; tích cực đấu tranh ngăn chặn cái xấu, bảo vệ cái đúng. Quy định nhấn mạnh sự nêu gương trước hết là từng đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, là một bước chuyển cách mạng trong tư duy đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vì chỉ có như vậy mới có thể khắc phục hiện tượng đã tồn tại từ lâu là, coi mình là người lãnh đạo nên có quyền nhắc nhở, phê phán, kỷ luật cấp dưới; còn mình là người “đứng ngoài” hoặc “đứng trên” tổ chức đảng. Thực tiễn vừa qua, hơn 60 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, đã bị xử lý kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau, càng chứng minh các đồng chí đó không chỉ thiếu gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn thoái hóa, biến chất trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực hiện các hành vi bao che, tiếp tay cho những người xấu, tự mình nhận hối lộ, tham ô… Các hành vi ấy đã làm thất thoát khá nhiều tiền bạc, của cải của nhân dân, suy giảm sức chiến đấu của tổ chức Đảng, gây sự hoài nghi và mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tiếp theo Quy định nêu gương, ngày 23-9-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lại ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” gồm 14 điều rất chi tiết. Đây là sự thể hiện tinh thần kiên quyết, kiên trì nhằm làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thêm một cơ sở pháp lý quan trọng giúp chúng ta làm tốt công tác bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, thiết thực phục vụ đại hội đảng các cấp. Chúng ta càng thấy rõ vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng trong việc biến những nội dung tại Quy định 205 được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Ban hành được hai Quy định nêu trên là điều rất có ý nghĩa, đáng mừng; nhưng tổ chức thực hiện thế nào để đạt kết quả, mới là điều cực kỳ quan trọng. Do vậy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, biểu dương kịp thời những cá nhân, đơn vị làm tốt; phê bình, xử lý nghiêm minh những người mắc sai phạm, dù bất cứ là ai, sẽ tạo ra sức mạnh mới, niềm tin mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu hiện nay là tổ chức tốt đại hội đảng các cấp, tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta. Mỗi cấp ủy, mỗi địa phương cần quán triệt nghiêm túc lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7/2019: “Dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Đại hội sắp tới. Nơi nào để xảy ra cái này thì kỷ luật đi. Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Đang có tâm lý chờ xem ông ấy có làm quyết liệt không hay là tình hình này sẽ thay đổi thế này thế khác? Không có đâu! Ai làm thì cũng phải thế thôi… Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”. Suy cho cùng, thực hiện nghiêm túc các nội dung trong hai Quy định, chắc chắn chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ đông đảo, hội tụ những tiêu chí về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, đáp ứng sự mong mỏi của toàn Dân, toàn Đảng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh – Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều