Nếu Đài Loan tấn công bất ngờ, Trung Quốc trở tay có kịp?
“Nếu Trung Quốc nghĩ tới chuyện tấn công Đài Loan thì họ sẽ vấp phải phản ứng quân sự vô cùng mạnh mẽ” – Ông Rasmussen nói.
“Đan Mạch cần sẵn sàng cho chiến tranh”
Ông Anders Fogh Rasmussen – cựu Thủ tướng Đan Mạch, đồng thời là cựu Tổng Thư ký NATO – gần đây đã bày tỏ quan điểm cho rằng, nếu Trung Quốc đe dọa Đài Loan, Đan Mạch và các nước thành viên còn lại trong khối NATO cần sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan và điều đó “phải được thực hiện bằng phương thức quân sự”.
Ý kiến này được ông Rasmussen đưa ra trong chương trình truyền hình “Lippert” của Đan Mạch. Tại đây, các chính trị gia được mời tới để tự do thảo luận ý kiến của họ về một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và nuôi ý định thống nhất vùng lãnh thổ này. Trong những năm gần đây, các tàu hải quân Trung Quốc thường xuyên diễu qua khu vực gần eo biển Đài Loan, trong khi các máy bay chiến đấu của họ nhiều lần đi vào không phận của hòn đảo này.
“Đã có hiệp định phòng thủ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan, trong đó Washington cung cấp vũ khí cho Đài Bắc. Do đó, không có nghi ngờ gì về việc Mỹ sẽ phản ứng [nếu Đài Loan bị tấn công]. Song, tôi cho rằng chúng ta cần giúp người Mỹ. NATO và nhiều quốc gia trên thế giới cần phải sát cánh cùng nhau để hỗ trợ Đài Loan” – Ông Rasmussen nêu quan điểm.
Khi được hỏi có phải đang đề cập tới một cuộc chiến tranh giữa NATO và Trung Quốc hay không, cựu Thủ tướng Đan Mạch cho hay ông không nghĩ rằng cuộc chiến đó sẽ xảy ra.
“Tuy nhiên, cách tốt nhất để ngăn điều đó xảy ra là gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc. Nếu nghĩ tới chuyện tấn công Đài Loan thì họ sẽ vấp phải phản ứng quân sự vô cùng mạnh mẽ” – Ông Rasmussen nói.
Trung Quốc có thể sớm tấn công Đài Loan
Theo tờ Bloomberg, trong vòng 5 đến 6 năm tới, rất có thể quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn nữa. Sẽ không bất ngờ khi vào một buổi sáng, tin tức tràn ngập báo cáo về những quả bom giội xuống Đài Bắc.
Ngoài kịch bản này, Bắc Kinh còn có các lựa chọn khác nữa, như giành quyền kiểm soát các quần đảo Kim Môn và Mã Tổ nằm ngay ngoài khơi Trung Quốc nhưng Đài Loan đang tuyên bố chủ quyền.
Hãy tưởng tượng Trung Quốc giành được quyền kiểm soát các đảo này mà không phải hứng chịu thương vong nào, sau đó họ gọi cho cả Đài Bắc và Washington để thảo luận về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi đó, Đài Loan sẽ phải suy nghĩ rất lâu và đối mặt với tình thế khó khăn.
Liệu Mỹ có phát động cuộc tấn công trực diện vào Trung Quốc để trả đũa? Theo Bloomberg, điều đó, hay một cuộc phong tỏa đường biển để mở đường cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn, đều khó lòng xảy ra.
Washington có khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhưng nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc và Liên minh châu Âu lại coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hơn cả.
Theo Bloomberg, có một số yếu tố sẽ thúc đẩy Trung Quốc tấn công Đài Loan sớm. Hiện Trung Quốc đang phải lo lắng về sự trỗi dậy của Ấn Độ, nỗ lực tái trang bị của Nhật Bản và phản ứng cứng rắn của một số quốc gia Đông Nam Á. Nếu Bắc Kinh có ý định thực hiện một hành động lớn để chống lại Đài Loan thì bây giờ có thể là thời điểm dễ dàng nhất để làm điều đó.
Tốc độ phát triển công nghệ quân sự cũng là một yếu tố thúc đẩy Trung Quốc hành động sớm. Ngay cả một Trung Quốc rất hùng mạnh cũng có thể thấy Đài Loan khó có thể bị chinh phục trong 20 năm nữa. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, khả năng phòng thủ của Đài Loan dường như đang đặc biệt suy giảm.
Ngoài ra, qua các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương gần đây, Trung Quốc nhận thấy rằng các phản ứng quốc tế mà họ vấp phải đều tương đối khiêm tốn và có thể kiểm soát được.
“Một khi các quốc gia bắt đầu đi theo đường lối hung hăng như vậy, họ đôi khi rất khó để ngăn chặn” – Bloomberg bình luận.
QS