+
Aa
-
like
comment

Nếu đã công khai, minh bạch, thì sợ gì sai?

12/08/2020 08:06

Khác với lần trước, sự trở lại của dịch Covid-19 từ tháng 7 vừa qua tại Đà Nẵng với tốc độ lây lan nhanh và có thiệt hại về người đang làm dấy lên những lo ngại trong công chúng.

Nếu đã công khai, minh bạch, thì sợ gì sai? - 1

Cùng với sự thận trọng, giãn cách thì xét nghiệm được cho là điều kiện cần thiết phải thực hiện để khoanh vùng dịch. Trong khi đó, một số địa phương cho biết đang thiếu thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Mặc dù, ít ngày trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã công bố việc tài trợ, hỗ trợ chống dịch, song vẫn không thể nói những nỗ lực trên là “đủ”. Hơn nữa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt này có vẻ như không hoàn toàn từ vấn đề tài chính.

Trên báo Thanh Niên ngày 7/8, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh có 2 vấn đề khó khăn: Một là, nếu dịch bùng phát thì sẽ không đủ máy thở (toàn tỉnh chỉ có 14 máy). Hai là, thiếu bộ xét nghiệm. “Trên thực tế, Thái Bình rất quyết liệt trong chống dịch và không thiếu kinh phí nhưng lại gặp khó khi mua thiết bị”, theo ông Dịu.

Nói thẳng ra là địa phương không thiếu tiền nhưng vướng cơ chế, “không biết đằng nào mà mua”.

Cá nhân người viết cho rằng, không khó để nhận ra tâm lý khó xử này.

Đại ý, sau vụ lùm xùm sai phạm ở CDC Hà Nội và những tranh cãi trong giá mua máy xét nghiệm Covid-19 mấy tháng trước, địa phương nào cũng “sợ sai” và không dám làm. “Án binh bất động” được cho là phương án an toàn nhất để không ai bị xem xét trách nhiệm, khiển trách, kỷ luật?!

Còn nhớ, tại một phiên họp ngày 29/4 khi vụ việc “loạn giá” máy xét nghiệm PCR đang “nóng” dư luận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai đã bật khóc khi trình bày với lãnh đạo tỉnh về việc máy xét nghiệm Realtime PCR được tỉnh này mua với mức giá “trên trời” – hơn 7 tỷ đồng.

Theo khẳng định của ông Hai, ở thời điểm đó, thì Sở này có các căn cứ, trình tự thủ tục để trang bị máy đúng các quy định của pháp luật, phải xem xét 3 báo giá của 3 đơn vị thì mới đàm phán lại, “chốt” được mức giá 7,23 tỷ đồng. Nhưng gay cấn thay, sau đó, doanh nghiệp lại chủ động đề xuất giảm giá máy xuống còn 4,853 tỷ đồng, giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0% với lý do “để ủng hộ hoạt động chống dịch”.

Không chỉ ở Quảng Nam mà tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác, trong đó có Thái Bình.

Để rộng đường dư luận, mới đây, ông Bùi An Bình, Vụ Phó Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đã phát biểu trên báo chí: đối với trường hợp mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và sinh phẩm phòng, chống dịch bệnh, cụ thể là dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế và các địa phương có thể đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu, kể cả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu.

Quá trình đấu thầu cần có  Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư,… tham gia hội đồng thẩm định để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn thì cho biết, các mặt hàng này không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bình ổn giá, kê khai giá. Tuy vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế phải công khai thông tin các mặt hàng mua sắm trước và trong giai đoạn dịch, giá trúng thầu.

Tóm lại, tất cả vẫn đều gói gọn trong mấy chữ “công khai” và “minh bạch”.

Đành rằng có phần thông cảm với cái khó của lãnh đạo Y tế ở địa phương nhưng nếu cứ “sợ” thì qua một ngày là biết bao rủi ro đã bị đẩy về phía người dân, cũng là làm khó cho chính địa phương trong nhiệm vụ chống dịch.

Chẳng phải, ngay cả khi thông tin “tù mù” đi chăng nữa, vẫn còn một số địa phương như Quảng Trị, Gia Lai, Đà Nẵng… đã có thể mua được thiết bị với mức giá bằng 1/3, 1/5 các nơi khác đó sao?!

Mà đã công khai, minh bạch, thì sợ gì sai?

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều