Nếu chọn miễn dịch cộng đồng, VN sẽ có ít nhất 126.000 người chết: Ai chấp nhận là 1 trong số đó?
Việc ông Patrick Vallance – cố vấn cao cấp nhất về khoa học của Chính phủ Anh – cho rằng Anh lựa chọn cách “miễn dịch cộng đồng” (herd immunity) để đối phó với dịch virus Corona chủng mới (COVID-19) đã làm dấy lên cuộc tranh luận cả ở Việt Nam. Việt Nam có nên chọn cách miễn dịch cộng đồng để chống dịch và vì sao? Câu trả lời sẽ được GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội – trao đổi cặn kẽ trong cuộc trò chuyện với PV.
+ Là chuyên gia về y tế công cộng, giáo sư có thể cho biết quan điểm về vấn đề miễn nhiễm cộng đồng mà ông Patrick Vallance cố vấn cao cấp nhất về khoa học của Chính phủ Anh đang ủng hộ?
GS. Lê Thị Hương: Thực tế quan điểm miễn dịch cộng đồng dựa trên một nhận định sai lầm là số tử vong phía ngoài Trung Quốc chỉ ở mức 0,2%, hay bệnh COVID19 chỉ là một bệnh nhẹ như cúm, nên thay vì phòng chống, có thể sống chung với bệnh được và từ đó có miễn dịch cộng đồng.
Lập luận này sai lầm bởi vì thời điểm đầu, các quốc gia ngoài Trung Quốc chỉ có các trường hợp xâm nhập, hệ thống y tế hoàn toàn có thể điều trị tốt một vài trường hợp lẻ tẻ và rất hiếm tử vong nhưng một bệnh có khả năng lây nhiễm mạnh như COVID19, khi tấn công vào một quốc gia không áp đặt những giải pháp cách ly phù hợp sẽ kết quả là quá tải hệ thống y tế trong thời gian ngắn và tỉ lệ tử vong sẽ tăng nhanh chỉ sau 15-17 ngày bệnh xâm nhập như những gì xảy ra tại Ý.
Vì vậy, những gì Việt Nam lựa chọn và kiên trì tính đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị và thực tế là các quốc gia khác đang học hỏi chúng ta trong xử lý dịch.
+ Một số ý kiến cho rằng Anh là một nước có nền y tế phát triển lại lựa chọn phương pháp đó, thì Việt Nam cũng nên làm theo để sớm khống chế được dịch COVID-19. Theo giáo sư, Việt Nam có thể làm được không? Tại sao?
GS. Lê Thị Hương: Nền y học phát triển có thể giúp phát hiện sớm, điều trị tốt cho một số bệnh, thậm chí là hầu hết các bệnh, tuy nhiên nguồn lực y tế thì không phải là vô hạn. Việc lây nhiễm lại không phụ thuộc vào việc điều trị tốt, mà phụ thuộc rất lớn vào cách ly và khống chế không để dịch lây lan.
Về mặt phát hiện sớm, Việt Nam chưa thể đưa ra kết quả chẩn đoán nhanh như Anh, hay làm trên diện cực lớn như Hàn Quốc. Việt Nam phải lựa chọn phương án an toàn hơn phụ thuộc vào nguồn lực tại Việt Nam, chứ không đua về nguồn lực như Anh và Hàn Quốc được.
Cho đến thời điểm hiện tại, cách tiếp cận của Việt Nam vẫn bám sát với thế giới, về xét nghiệm, Việt Nam đã phân lập được virus và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu phân lập thành công virus. Về xét nghiệm, kỹ thuật RT-PCR thời gian thực của Việt Nam đạt độ chính xác cực cao, trong dung dịch lấy mẫu, chỉ cần có 10 đến 100 con virus trong đó là xác định dương tính, tức là độ chính xác gần như tuyệt đối. Đây là lý do để có thể tự tin giải phóng các trường hợp tiếp xúc thứ cấp nếu người tiếp xúc gần đã âm tính.
Tuy vậy, điều kiện về hiểu biết chung xã hội và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta không thể so với các quốc gia phát triển, việc khống chế dịch theo cách của các nước là không thể sử dụng, Việt Nam phải dùng cách của Việt Nam, và cách đó đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
+ Nếu chúng ta áp dụng như Anh, rủi ro y tế sẽ là gì, thưa giáo sư?
GS. Lê Thị Hương: Quay lại câu hỏi phía trên, với cách phân tích này, nếu ta áp dụng theo cách của Anh Quốc, phải nói thêm là đến giờ bản thân nước Anh cũng đã thừa nhận là sai lầm, tức là để mặc cho dân tự nhiễm. Nếu may mắn, chỉ 0,2% tử vong, vậy số tử vong tại Việt Nam là bao nhiêu với 90 triệu dân và 70% mắc. Số tử vong sẽ là 70%*90 triệu*0,2% là 126000 ngưởi tử vong. Ai sẽ chấp nhận là 1 trong số 126 ngàn người đó.
Thêm nữa, đấy là khi không hề có quá tải y tế. Nếu quá tải y tế như Ý, số tử vong sẽ là 4-7% chứ không phải 0,2% và số chết sẽ là 5-9 triệu người. Ai sẽ chấp nhận là 1 trong số 5 triệu người đó. Chưa nói sẽ rất nhiều bác sĩ tử vong. Và đây mới chỉ là số lý thuyết.
Trong số 50 bệnh nhân đã và đang nằm viện, cũng đã có 10 người triệu chứng nặng (20%). Nếu không có can thiệp y tế rất bài bản, chắc chắn đã có người tử vong, nếu số mắc là hàng loạt, bao nhiêu cái chết sẽ không thể tránh nổi? Đó không phải là vấn đề rủi ro ý tế nữa, đó là vô nhân đạo, là vô đạo đức trong triết lý về phòng chống dịch.
+ Với tư cách một chuyên gia hàng đầu về y tế công cộng, giáo sư đánh giá thế nào về việc xử lý dịch COVID-19 của Việt Nam? Ở giai đoạn 1 đã chứng minh tính hiệu quả là rất cao, nhưng những giải pháp mà chúng ta đã làm ở giai đoạn 1 liệu có phù hợp với giai đoạn 2 đầy thách thức, khi chỉ trong 1 tuần trôi qua, số ca nhiễm đã tăng rất cao, mà theo các chuyên gia, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?
GS. Lê Thị Hương: Hiện tại, cách xử lý của Việt Nam vẫn chứng minh hiệu quả, có điều là, giải pháp này sẽ thành công với hai điều kiện: sự quyết liệt của chính sách và sự tuân thủ của người dân.
Trước tình hình mắc bệnh ở nước ngoài, hàng ngàn người muốn tháo chạy khỏi các quốc gia có dịch về Việt Nam. Việc các ca bệnh lọt vào Việt Nam là hoàn toàn có thể và chính là lý do số mắc tăng nhanh trong đợt vừa rồi. Vấn đề là, khi lọt vào sẽ còn một mạng lưới giám sát cũng như việc bệnh nhân tự ý thức được sức khỏe và đi khám. Từ đó sẽ tóm bắt được ca bệnh.
Cho đến thời điểm hiện tại, các trường hợp xác định đều có nguồn gốc nhiễm bệnh rõ ràng và ta có cơ sở để tin rằng đó là những trường hợp thực sự cần tóm bắt. Việc có ca bệnh khác không rõ nguồn gốc ngoài cộng đồng hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cả để có thể nói sự tồn tại phần nào khác của tảng băng.
+ Theo giáo sư, cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đang có điều gì thuận lợi nhất và điều gì là thách thức lớn nhất?
GS. Lê Thị Hương: Thuận lợi trong cuộc chiến này là sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của người dân, toàn thể cộng đồng do đó các trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch đều rất nhanh bị phát hiện và được lấy mẫu kiểm tra. Mọi nguồn lực hiện tại đang có đều ưu tiên cho dự phòng và điều trị bệnh, đảm bảo đủ kit xét nghiệm cũng như đảm bảo thuốc và vật tư chống dịch. Từ đó hệ thống vẫn chạy đều cho đến hiện tại.
Việt Nam cũng là quốc gia có kinh nghiệm trong các cuộc chiến trước với tiền nhiệm của virus này/virus SARS-CoV. Đây là cơ sở cho sự thành công của chống dịch. Điều khó khăn là nguồn lực của Việt Nam cũng có hạn và nhiều phương tiện còn phải nhập từ nước ngoài, khi các nước đều phải dồn lực cho chống dịch, Việt Nam sẽ khó khăn trong việc nhập khẩu vật tư cũng như phương tiện chống dịch, nếu Việt Nam vẫn phải căng mình chống dịch còn thế giới không có đáp ứng tương xứng và người về vẫn cứ nhiều thì sẽ đến lúc nguồn lực của ta cạn kiệt và buông xuôi.
Vì vậy, trong thời gian ngắn trước mắt, cần có phản ứng quyết liệt hơn của chính phủ như ngừng hẳn việc cho phép các chuyến bay về từ châu Âu mới có thể đảm bảo cơ hội thành công cho Việt Nam.
+ Trong khi các nước đều đã có tử vong do dịch COVID-19 mặc dù phương tiện thiết bị y tế họ tốt hơn, thì ở ta đến nay, hầu hết các ca COVID-19 đều nhẹ, chưa ai phải thở máy – trừ 1 người Trung Quốc có bệnh nền nhưng đã hồi phục. Có phải vì ta có phác đồ tốt, hay do khí hậu thời tiết ở ta không phù hợp cho độc lực của virus Sars-Cov-2 phát triển?
GS. Lê Thị Hương: Chưa đủ thời gian để có thể bình luận về điều này. Hiện tại cũng đã có những trường hợp bệnh tiến triển khá nặng trong số 50 bệnh nhân đã và đang điều trị. Việt Nam thành công do ta dồn lực điều trị cho những bệnh nhân này và bệnh nhân cũng không quá lớn tuổi và không quá nhiều bệnh lý nền. Trong thời gian tới hy vọng không có nhiều bệnh nhân để chúng ta tiếp tục được thành công này.
+ Với tốc độ tăng của dịch ở Việt Nam, trên thế giới và ở Trung Quốc, giáo sư tiên lượng dịch COVID-19 sẽ lên đỉnh ở thời điểm nào trước khi thoái trào?
GS. Lê Thị Hương: Với sự tích cực của Việt Nam trong quá trình giám sát, cách ly và điều trị bệnh, cùng với sự tăng cường kiểm soát đầu vào từ các quốc gia, chúng tôi hy vọng số lượng trường hợp mắc sẽ giữ ở mức tăng rất chậm và dừng khi không còn quốc gia khác xâm nhập.
Nghĩa là nếu thành công tiếp trong chiến dịch này, sẽ không có hiện tượng đỉnh dịch và Việt Nam sẽ công bố thành công khống chế dịch thay vì xuất hiện đỉnh dịch rồi tiến đến thoái trào.
Trong một kịch bản xấu hơn, khi tồn tại các trường hợp mắc âm thầm trong cộng đồng, dịch có thể xuất hiện lẻ tẻ, nhưng sẽ sớm kết thúc trước tháng 5 khi thời tiết trở nên rất nóng và các quốc gia khác trên thế giới đã tiến vào giai đoạn đuôi dịch.
+ Xin cám ơn giáo sư đã trao đổi!
Thanh Hằng/ VT