Nếu chiến tranh, hải quân Iran sẽ ‘đại bại’ trước Mỹ
Nếu chiến tranh nổ ra, quân đội Mỹ có thể dễ dàng nhắm đánh lực lượng hải quân nhỏ bé của Iran cùng các tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này (IRGC).
Theo tạp chí National Interest, hải quân Iran vừa được bổ sung sức mạnh. Nhưng kể cả như vậy thì lực lượng này vẫn bị các đối thủ bỏ xa. Sự mất cân bằng hải quân có thể tác động mạnh đến các chiến lược quân sự và ngoại giao ở Tehran, Washington D.C. và thủ đô nhiều nước khác khi căng thẳng tại Vịnh Ba Tư leo thang.
Vào tháng 8/2018, Hải quân Iran thông báo sẽ đưa tàu khu trục Damavand trở lại phục vụ sau 18 tháng sửa chữa. Hồi tháng 1/2018, con tàu va vào một cầu tàu, khiến 2 thủy thủ thiệt mạng và khiến chiến hạm này hư hại nặng. Hải quân Iran cho biết, Damavand sẽ tái gia nhập hạm đội trước khi kết thúc năm 2019. Con tàu là một phần Hạm đội Biển Caspi của Iran.
Biển Caspi được bao quanh bởi Iran, Nga, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan. Các tàu thuộc Hạm đội Caspi trên thực tế không đóng bất kỳ vai trò trực tiếp nào trong một cuộc xung đột ở Vịnh Ba Tư. Do vậy, việc bố trí Damavand sẽ không tạo ra sự khác biệt nào, theo National Interest.
Về mặt kỹ thuật, dù là một trong những tàu chiến mới nhất của Iran, tàu khu trục 4 năm tuổi này vẫn khá nhỏ, được vũ trang nhẹ và thậm chí lỗi thời so với các tàu chủ chốt ở tuyến đầu trong hạm đội kẻ thù. “Nhỏ”, “vũ trang nhẹ” và “nhiều khả năng đã lỗi thời” cũng là các từ miêu tả đúng với toàn bộ hải quân Iran. Hạm đội của Tehran từng thể hiện yếu kém trong chiến đấu trực tiếp với hải quân của các cường quốc lớn hơn.
Damavand là một trong 3 tàu khu trục lớp Moudge đang phục vụ của Iran. Bốn chiếc nữa đang được đóng. Iran hiện đang vận hành một tàu, Sahand, là phiên bản lớn hơn một chút của lớp Moudge.
Các tàu lớp Moudge là bản sao được thiết kế đối chiếu của tàu khu trục lớp Alvand của Anh hồi những năm 1970, với ba chiếc hiện vẫn đang hoạt động.
Tổng cộng bảy chiếc Moudge và Alvand là những tàu mặt nước uy lực nhất và lớn nhất mà Iran đang có trong tay. Tehran gọi đó là “các tàu khu trục”, nhưng tính theo chuẩn quốc tế thì với lượng choán nước 1.500 tấn, trên thực tế chúng chỉ là các tàu hộ tống nhỏ hoặc tàu khu trục hạng nhẹ.
Các tàu Moudge và Alvand được trang bị radar và súng, thêm một số tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không tầm ngắn vác vai. Trong khi đó, bất kỳ một trong số khoảng 70 tàu khu trục lớp Burke Arleigh nào của Hải quân Mỹ, với lượng choán nước 9.000 tấn, đều có thể mang hơn 90 tên lửa tấn công đất liền, tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tầm xa.
Theo tạp chí National Interest, nếu chiến tranh nổ ra, quân đội Mỹ có thể nhắm tới lực lượng hải quân nhỏ bé của Iran cùng các tàu của IRGC. Trận chiến có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Hạm đội của Iran vốn có lịch sử dài thua trận trước Mỹ và các cường quốc phương Tây. Iran từng chiến đấu chật vật trong cuộc chiến Iran – Iraq năm 1980 và 1988. Những lần Iran tấn công tàu dầu thường khiến các nước giận dữ.
Năm 1987, Washington chấp nhận yêu cầu của Kuwait là “cắm lại cờ” trên các tàu dầu của nước này như tàu Mỹ, để Hải quân Mỹ hộ tống chúng qua Vịnh Ba Tư. Chiến dịch Operation Earnest của người Mỹ kéo dài từ tháng 7/1987 tới tháng 9/1988 đã khiến các lực lượng Iran chịu tổn thất nặng nề.
Hải quân Mỹ đã chuyển đổi hai sà lan phục vụ dầu lửa thành “các căn cứ trên biển” cho Lực lượng Các chiến dịch Đặc biệt. Mỹ cũng bố trí nhiều chiến cơ trên các tàu Hải quân. Vào ngày 21/9/1987, các trực thăng Little Bird của Trung đoàn Hàng không Chiến dịch Đặc biệt 160 đã tấn công tàu Ajr của Iran khi tàu này rải mìn, buộc thủy thủ đoàn phải bỏ chạy. Ít ngày sau đó, các trực thăng Little Bird đánh chìm 3 tàu tuần tra của Iran.
Ngày 16/10/1987, một tên lửa Iran nã vào một tàu dầu Kuwait làm 19 người bị thương. Đáp trả, một đội đặc nhiệm Mỹ nhắm vào 2 giàn khoan dầu không hoạt động mà IRGC trưng dụng làm căn cứ cho các tàu cao tốc vũ trang. Các tàu chiến Mỹ bao vây hai cơ sở này, buộc các thủy thủ Iran phải sơ tán. Đặc công Mỹ trèo lên một giàn để thu thập tài liệu phía Iran để lại. Sau đó, bốn tàu Mỹ nổ súng khiến cả hai giàn khoan bốc cháy.
Ngày 14/4/1988, tàu khu trục USS Samuel B. Roberts va phải một quả mìn Iran trong khi đang hộ tống các tàu dầu qua Vịnh Ba Tư. Hàng không mẫu hạm USS Enterprise liền dẫn đầu một cuộc trả đũa. Hai tàu khu trục Mỹ cùng một tàu tấn công đổ bộ mang theo một tiểu đoàn thủy quân lục chiến tấn công một giàn khoan dầu mà Iran dùng làm căn cứ xuất kích. Người Iran bắn trả và lĩnh hỏa lực mạnh từ các tàu khu trục cùng trực thăng Cobra. Lính thủy quân lục chiến sau đó tập kích các giàn khoan này, bắt giữ một xạ thủ Iran còn sống.
Các tàu cao tốc của Iran bắn vào 3 tàu hàng dân sự. Khi người Iran rút đi, các máy bay ném bom A-6 của USS Enterprise lập tức lao vào, đánh chìm một tàu cao tốc bằng bom chùm.
Tàu tên lửa Joshan của Iran phóng một tên lửa chống hạm Harpoon vào một nhóm tàu chiến Mỹ nhưng trượt mục tiêu. Người Mỹ phản công bằng các tên lửa Harpoon và Standard khiến Joshan hỏng nặng, rồi đánh tàu chìm xuống biển.
Trong khi đội tàu Mỹ chống trả các cuộc tấn công từ trên không của Iran thì các tàu khu trục của Tehran cũng tham gia trận chiến. Sahand và Sabalan đều bắn vào các máy bay A-6 nhưng không hiệu quả. Một chiếc A-6 đáp trả, dùng các tên lửa Harpoon và bom dẫn đường bằng laser, đánh chìm tàu Sahand và khiến Sabalan hư hại nặng.
Tàu khu trục Sahand mới hơn được đặt tên theo con tàu bị người Mỹ đánh chìm năm 1988 này.
Ít nhất 56 người Iran đã thiệt mạng ở vòng đấu đó. Hai lính thủy Mỹ chết khi trực thăng của họ rơi. Hạm đội của Iran rút lui trong tơi tả, và kể từ đó rất cẩn trọng chuyện hiện thực hóa những đe dọa chống lại các quốc gia láng giềng và Mỹ.
Do vậy, thêm một tàu khu trục nữa vào hạm đội Caspi của Iran cũng khó mà thay đổi tình thế.
(Theo Vietnamnet)