+
Aa
-
like
comment

Nếu chỉ có Bộ trưởng Tô Lâm sốt ruột thì chưa đủ

Đặng Trường - 22/07/2020 21:33

Vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm đã tham dự hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Một trong những vấn đề khiến người đứng đầu ngành Công an “sốt ruột” đó là dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa được đưa vào chương trình.

Bộ trưởng Tô Lâm “sốt ruột” về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: “Bộ Công an, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đều đã cho ý kiến. Bộ Công an cũng đã đặt ra lộ trình để xây dựng, hoàn thiện nhưng trong cuộc họp hôm nay chưa thấy có tên trong danh sách và vẫn là những dự luật cũ, chúng tôi rất sốt ruột với việc này nên thiết tha đề nghị UBTVQH đưa vào chương trình”. Người đứng đầu Bộ Công an cho rằng hồ sơ bước đầu đã cơ bản hoàn thiện nhưng không biết vướng thủ tục hành chính ở điểm nào khi chưa được đưa vào chương trình, trong khi đó ban soạn thảo vẫn đang chờ đợi. Bộ trưởng lo ngại nếu không được đưa vào chương trình sớm, sẽ rất gấp gáp khi trình ra Quốc hội để các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Như đã biết, công an xã trước đây bao gồm lực lượng bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng. Đã từng có kế hoạch cho ý kiến về Luật Công an xã, tuy nhiên ngành công an có sự thay đổi chung về tổ chức bộ máy, điển hình là tinh gọn bộ máy, đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức cơ sở, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách, công an chính quy được bố trí về tận phường/xã mà nói nôm na là cảnh sát khu vực nên Luật Công an xã đã được đề nghị hoãn lại.

Bảo vệ dân phố đến làm việc tại nhà dân.

Trên thực tế, trước khi có lực lượng chính quy thì công an xã/phường trước đây là lực lượng rất quan trọng và gần gũi với cuộc sống của người dân. Bất cứ vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự – xã hội, cần có người bảo vệ, xử lý ngay đều có mặt của các anh: là bảo vệ dân phố, là dân phòng, là dân quân tự vệ, là lực lượng bán chuyên trách. Như việc bảo vệ hiện trường tai nạn trước khi CSGT huyện/tỉnh đến, bảo vệ hiện trường gây án; bảo vệ trật tự an toàn của một đêm hội diễn, điều tiết xe cộ lưu thông; nhắc nhở người dân không gây ồn ào khu phố; ghi nhận các trường hợp vi phạm hình sự như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp hoặc nguy hiểm hơn có thể là phối hợp cùng lực lượng chính quy truy bắt đối tượng vi phạm pháp luật. Nói chung, họ là lực lượng nắm tình hình liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn và kịp thời báo cáo với cơ quan Công an, UBND cấp xã để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Lắm lúc còn thấy lực lượng này phối hợp tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn; Tuyên truyền người dân thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy, phối hợp cùng công an tham gia công tác cứu nạn cứu hộ; Đôn đốc người dân trên địa bàn chấp hành quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy tờ tuỳ thân khác. Hơn ai hết, họ gần như là lực lượng được cài cắm ngay trong lòng dân, dân cần là có mặt, dốc lòng giúp sức. Đã có không ít sự hy sinh trong quá trình làm việc nhưng mấy ai biết họ là ai. Người ta chỉ thấy những màu áo quen thuộc nhưng chẳng hề biết tên, thậm chí sẽ có người còn không biết họ có nhiệm vụ gì nữa.

…đôi khi là trấn áp những kẻ cứng đầu, không chấp hành đúng quy định.

Tuy nhiên, bóng dáng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở nói trên vẫn luôn hiện hữu rất rõ ràng trong cuộc sống của người dân mỗi ngày. Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 đầy phức tạp, cam go và nguy hiểm vừa qua, họ đã cùng các chiến sỹ công an, bộ đội là những lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự. Vận động người có nguy cơ nhiễm bệnh đi cách ly, thay phiên giám sát khu cách ly, thậm chí là “cơm bưng nước rót” cho người dân bị cách ly. Người ta đã thấy họ đứng chốt kiểm tra dưới trời nắng, thấy họ nằm dài tạm nghỉ bên hành lang, khuôn viên bệnh viện sau chuỗi thời gian chống dịch mệt nhoài. Bên cạnh đó, họ còn phối hợp với Đoàn thanh niên làm từng việc nhỏ nhặt nhất. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc khống chế, ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, không để lây lan ra cộng đồng.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã phối hợp với các chiến sỹ công an tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.

Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 thành viên; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên; còn lực lượng công an xã, phường, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người. Như vậy, số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ là hơn 741.500 người. Nhìn vào con số lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, ắt hẳn sẽ có người lo lắng sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với lực lượng công an chính quy. Chính vì sự lo lắng chồng chéo này nên Chính phủ mới đồng ý xây dựng Luật Lực lượng Trị an cơ sở.

Hơn nữa, với lực lượng công an chính quy được bố trí ở cấp phường/xã/thị trấn, trung bình 5 người thì tương đối mỏng. Nếu địa bàn rộng, địa hình khó khăn thì với 5 người công an chính quy không thể đảm bảo chu toàn cho tất cả người dân. Trên tinh thần phối hợp thực hiện thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ hỗ trợ công an hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự địa phương như kiểu “hổ mọc thêm cánh, tăng thêm sức mạnh chiến đấu và sâu sát hơn vấn đề quyền lợi của người dân. Hơn nữa, nếu dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đưa vào chương trình nghị sự thì sẽ kích thích hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cán bộ công an và bảo vệ dân phố tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật.

Về lo ngại phình to ngân sách, Bộ Công an cũng đã khẳng định việc đề xuất xây dựng, thông qua luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước, ngược lại còn góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách Nhà nước. Từ trước đến nay, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, lực lượng bán chuyên trách chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã/phường/thị trấn, được cấp kinh phí hoạt động và trả lương theo chức vụ, hoạt động. Nếu dự Luật được thông qua thì lực lượng này vẫn tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, hơn nữa sẽ có cơ chế tuyển chọn và quản lý sát sao hơn nữa.

Nói ra những điều này để thấy dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thật sự cần thiết như thế nào trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới hiện nay. Nếu làm tốt thì sẽ gầy dựng được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề để người dân an tâm làm việc, cống hiến, xây dựng đất nước phát triển. Chính vì vậy, sự sốt ruột của Bộ trưởng Tô Lâm là có cơ sở hẳn hoi. Nhưng nếu chỉ có mỗi Bộ trưởng sốt ruột thì đến bao giờ dự Luật mới được thông qua, vì vậy rất cần sự tâm huyết của UBTV Quốc hội và sự sốt ruột của các vị đại biểu khác trên nghị trường.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều