Nếu chẳng thể “chọn bên”, Australia phải làm gì giữa cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc?
Mới đây, trang East Asia Forum vừa đăng tải bài viết của ông Zhiqun Zhu, Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ) đã phân tích về những lợi ích mà Australia có được khi đóng vai trò kết nối giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cạnh tranh Mỹ – Trung là một thách thức rõ ràng ở thời điểm hiện tại và một câu hỏi quan trọng đặt ra là các bên thứ ba có thể làm gì? Đặc biệt là các quốc gia như Australia, những nước có lợi ích và vai trò lớn trong việc duy trì quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Các quyết định của bên thứ ba sẽ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các nước đó mà còn có thể định hình tiến trình và kết quả của cạnh tranh Mỹ – Trung. Trong khi Mỹ cung cấp “chiếc ô an ninh” cho các đồng minh của mình, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia, bao gồm hầu hết các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Do đó, thay vì đứng về phía Mỹ hoặc Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn, các bên thứ ba có thể đóng vai trò hòa giải.
Singapore đã nhiều lần nói với Mỹ và Trung Quốc rằng họ sẽ không đứng về phía nào và khuyến khích hai cường quốc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nhưng liệu Australia, một cường quốc tầm trung được tôn trọng, có lợi ích quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt với cả Mỹ và Trung Quốc, có thể giúp “xoa dịu” căng thẳng giữa hai cường quốc trên hay không?
Được biết, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã bắt đầu được cải thiện kể từ khi Thủ tướng Anthony Albanese nhậm chức vào tháng 5 vừa qua. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Australia và Trung Quốc đã gặp nhau và hai chính phủ có thể sẵn sàng thiết lập lại mối quan hệ hiện đang căng thẳng.
Australia có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc. Canberra có thể tư vấn cho cả Mỹ và Trung Quốc để giảm căng thẳng ở Eo biển Đài Loan. Ở Nam Thái Bình Dương, Australia có thể thúc giục Mỹ và Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực có lợi ích chung như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thay vì theo đuổi cạnh tranh chiến lược.
Hiện tại, Nam Thái Bình Dương đã trở thành khu vực mới nhất của cuộc tranh giành quyền lực nước lớn. Mỹ và Australia lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại một khu vực theo truyền thống là thuộc phạm vi ảnh hưởng của họ.
Vì thế, Australia cần khám phá cách thức nước này có thể giúp giảm căng thẳng và tập trung vào việc loại bỏ các mối nguy hiểm hiện tại. Như các đại biểu từ một số quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La 2022 đã nhấn mạnh, mối đe dọa an ninh quốc gia và khu vực lớn nhất đối với Nam Thái Bình Dương là biến đổi khí hậu.
Từ lâu, Trung Quốc đã có sự hiện diện ở Nam Thái Bình Dương và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng do các hoạt động thương mại, đầu tư, cộng đồng dân cư và các lợi ích địa chiến lược ngày càng mở rộng. Các quốc đảo Thái Bình Dương nhìn chung hoan nghênh những đóng góp của Trung Quốc trong việc thúc đẩy phát triển khu vực và chống biến đổi khí hậu, dù vẫn còn một số lo ngại về an ninh.
Australia ủng hộ chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, động lực hàng đầu trong việc ra quyết định trong khu vực. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là các đối tác đối thoại của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.
Thay vì đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn có thể vô ích, Australia có thể đóng vai trò lãnh đạo trong việc hợp tác với các nước trong khu vực và các cường quốc bên ngoài, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, để thúc đẩy phát triển khu vực.
Australia cũng có thể giúp mở rộng các đối tác mới trong Sáng kiến Thái Bình Dương Xanh để tập hợp nhiều hơn các quốc gia sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển khu vực.
Mối quan hệ đối tác mới này do Australia, Nhật Bản, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ khởi xướng như một cách để đạt được sự hợp tác hiệu lực và hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ ưu tiên của các quốc đảo ở Thái Bình Dương – đặc biệt là trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và sự phát triển khu vực. Australia hoàn toàn có thể thu hút Trung Quốc tham gia Sáng kiến này.
Những cách tiếp cận như vậy sẽ không chỉ giúp ích đáng kể cho các quốc gia Nam Thái Bình Dương mà còn tạo điều kiện cho các tương tác tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời giúp Trung Quốc hội nhập sâu rộng hơn nữa vào trật tự khu vực để thúc đẩy một hệ thống quốc tế bao trùm.
Một kết quả có lợi như vậy đáp ứng lợi ích của các nước và tạo thuận lợi cho những nỗ lực đi đầu của Australia.
Bảo Trâm (Theo East Asia Forum)