+
Aa
-
like
comment

“Nếu các đồng chí ngại không làm thì để các cơ quan Quốc hội làm…”

25/09/2021 12:21

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước phải sớm nghiên cứu trình Quốc hội trong tháng 10 về gói hỗ trợ tín dụng lãi suất. Nếu ngại không làm, các cơ quan thuộc Quốc hội sẽ… làm thay.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ lãi suất để phục hồi /// NGỌC THẮNG
Doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ lãi suất để phục hồi

“Nếu các đồng chí ngại không làm thì để các cơ quan Quốc hội làm…”

Yêu cầu này được Chủ tịch Quốc hội đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra gần đây khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang kiệt quệ sau 4 đợt dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình các chính sách hỗ trợ từ miễn, giãn, hoãn tiền nộp thuế; hỗ trợ chi phí cho người lao động. Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì khẳng định việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất từ phía các NH đã phát huy tác dụng. Sau 4 đợt dịch, lợi nhuận mà các NH hỗ trợ dự kiến hơn 40.000 tỉ đồng. Trong khi gói hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách dễ phát sinh tiêu cực, phức tạp nên khó triển khai…

Là người từng kinh qua các vị trí Tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần phải đánh giá, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc chứ không thể vì khó, vì ngại mà không làm. Các chính sách thuế vừa qua, theo Chủ tịch Quốc hội, có tác dụng nhưng không nhiều, bởi DN thua lỗ không có lợi nhuận thì “lấy gì nộp thuế”, “lấy gì để hưởng chính sách giãn, giảm thuế”?

Ngay tại phiên họp đó, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nhắc ngay 2 bộ điều bây giờ DN cần nhất là dòng tiền, nếu nói không hiệu quả hay không thích làm thì phải giải thích cho rõ.

“Trong trường hợp Chính phủ không đề xuất vấn đề này thì liệu các cơ quan Quốc hội có một sáng kiến lập pháp nào về vấn đề này không? Các đồng chí trình để Quốc hội xem xét quyết định chuyện này vào kỳ họp tháng 10 tới”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, và nói thêm: “Giải thích thì phải có thuyết phục, và nếu các đồng chí ngại không làm thì để các cơ quan Quốc hội làm. Sáng kiến luật pháp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chúng ta phải động não, chúng ta phải suy nghĩ cách thức nào có hiệu quả nhất, khả thi nhất”.

Gói hỗ trợ lãi suất: Khi Chủ tịch Quốc hội ‘sốt ruột’ với 2 bộ trưởng - ảnh 1
Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách sẽ cứu được nhiều doanh nghiệp NGỌC THẮNG

Quy mô bao nhiêu, đối tượng nào?

Sự sốt ruột của Chủ tịch Quốc hội, theo các chuyên gia, cũng là dễ hiểu bởi hiện nay DN gần như đang thoi thóp, trong khi chính sách hỗ trợ thực chất chưa cho thấy hiệu quả.

Đồng tình phải sớm ban hành gói hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu (người từng có nhiều năm kinh nghiệm ngân hàng tại Mỹ – phóng viên) lưu ý quy mô bao nhiêu và đối tượng nào thì cần phải tính toán cho kỹ nếu được Quốc hội thông qua. Việc giảm lãi suất 1 đồng, theo TS Hiếu, có thể kích hoạt hoạt động dư nợ tín dụng lên 5 – 10 đồng. Nếu ngân sách bỏ ra vài nghìn tỉ đồng, sẽ hỗ trợ được trên số dư nợ lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng.

Số dư nợ này là rất nhỏ so với số gần 10 triệu tỉ đồng dư nợ toàn nền kinh tế hiện nay, do đó, theo vị chuyên gia này, hỗ trợ kiểu “rải thóc” sẽ không hiệu quả. Mặt khác, rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009 hỗ trợ dàn trải, đại trà, lần này cần phải tập trung vào một số đối tượng, lĩnh vực. Nguồn vốn có lãi suất thấp phải được giải ngân đúng địa chỉ, tập trung cho vay lãi suất thấp và hạ lãi suất cho vay với những DN có thị trường, đầu ra sản phẩm tốt. Còn với những DN dù có khó khăn về tài chính nhưng chưa tìm được đầu ra, đứt gãy chuỗi cung ứng thì nên dùng chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế, phí.

“Phải có tiêu chí cụ thể về lĩnh vực khó khăn, đặc biệt là cứu DN mà họ đã đóng góp nhiều cho ngân sách, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động”, ông Hiếu đề nghị.

Chuyên gia tài chính, PSG – TS Đinh Trọng Thịnh, cũng đề xuất hỗ trợ lãi suất tập trung cho các ngành nghề có thế mạnh riêng, đang gặp khó khăn và mang tính trụ cột như: sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo; nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản, linh phụ kiện điện tử, tivi, tủ lạnh…

Theo ông Thịnh, đây đều là thế mạnh mà hiện nay Việt Nam đang mong muốn phát triển, nếu vẫn giữ được thế mạnh tăng trưởng xuất khẩu trong năm từ 20 – 30%, thì rõ ràng sẽ kéo nền kinh tế tăng trưởng vượt trội. Việc xuất khẩu được hàng hóa sẽ đòi hỏi nhập khẩu và các mặt hàng khác cũng phải đi theo, sẽ tạo ra dòng chảy rất tốt cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng… cũng cần phải chú ý quan tâm để tạo ra sức bật mới trong giai đoạn phục hồi. Nhất là du lịch hiện nay đang gặp khó khăn, tiền vốn cạn kiệt, nhưng nếu tiêm chủng vắc xin tốt và mở cửa được cho du lịch, sẽ là một lực hút rất mạnh cho tăng trưởng trong tương lai.

Tiêu Phong

Bài mới
Đọc nhiều