Nén hương xin dâng Mẹ ngày ca khúc khải hoàn…
“Một gia đình cả bố mẹ cùng 3 con đều là liệt sĩ”, bài viết đăng tải trên Dân trí ngày 28/4 đã khiến tôi rơi nước mắt.
Câu chuyện về gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Thạch Cao: Mẹ hi sinh khi bước qua tuổi 50; chồng và 3 người con của mẹ cũng đã ngã xuống vì Tổ quốc…
Điều xót xa đó là hài cốt của 5 liệt sĩ đến giờ vẫn chưa được tìm thấy, ảnh cũng không có để thờ…
Tác giả Cao Xuân Lương trích lời ông Thạch Út- người con trai duy nhất còn sống sót của mẹ Thạch Cao: “Đến khi nhận tin các con lần lượt hi sinh, mẹ không nói gì mà chỉ khóc. Sau lần đó, mẹ gửi tôi về U Minh vì mẹ biết sẽ còn nhiều gian khổ nguy hiểm. Ngày chia tay, mẹ nói “con xuống đó rồi giải phóng mẹ xuống đón con về quê”. Nào ngờ đó là lần cuối tôi bên mẹ, nghe mẹ nói!”.
Ông Út nghẹn ngào nói với phóng viên: “Điều mà tôi áy náy nhất là cho đến bây giờ, hài cốt của cha mẹ và các anh chị vẫn chưa được tìm thấy. Tôi đã nhiều lần đi tìm nhưng chưa được. Thậm chí không có lấy một tấm hình nào của cha mẹ và các anh, chị để thờ nữa”.
Trong những ngày qua, tôi đọc không sót dòng nào các bài viết về những gia đình thương binh, liệt sĩ. Dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những nỗi đau của các cuộc chiến vẫn vẹn nguyên ở đó.
Có những nhức nhối in hằn trên da thịt, trong xương tuỷ. Lại có những nỗi đau cắt cứa chỉ có thể giữ sâu thẳm trong lòng. Còn bao gia đình, bao số phận như gia đình mẹ Thạch Cao và người thân của mẹ? Bao giấc mơ đoàn tụ đã không bao giờ có thể thành hiện thực trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất…
Phải khi trải qua sinh, ly, tử, biệt mới hiểu hết được bao mất mát đó: mất người thân, mất đi một phần thân thể hay mất đi một mảnh linh hồn.
Đâu ai muốn chia lìa, nhưng khi nước mất nhà tan, họ đã không còn lựa chọn nào khác…
Thế nên, bình yên của hôm nay là xương máu của hôm qua… Hạnh phúc hiện tại phải đánh đổi bằng biết bao sinh mạng trong quá khứ. Bao con người đã sẵn sàng ngã xuống, tình nguyện hi sinh để non sông thống nhất, hai miền về một mối.
Đằng sau khúc khải hoàn ca luôn luôn là sự trân trọng, biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, của người còn với người đã ngã xuống trên chiến trường.
Chỉ có điều, tri ân, hơn tất cả phải bằng hành động chứ không chỉ dừng ở lời nói và sự tưởng niệm.
Những thế hệ cha anh ngày trước đã phải hi sinh tất cả để thống nhất được đất nước, thì nhiệm vụ của các thế hệ sau là bảo vệ được thành quả đó, là xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trùng hợp là dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, đất nước phải trả một cuộc chiến khác, cuộc chiến với dịch bệnh, với Covid-19. Và một cuộc chiến khác cũng đang âm thầm và diễn ra xuyên suốt, là cuộc chiến chống tiêu cực, diệt trừ tham nhũng.
Cuộc chiến nào cũng đều gian khổ và chấp nhận hi sinh.
Dẫu vậy, cần nhớ đến những tấm gương như mẹ Việt Nam Anh hùng Thạch Cao, nhớ đến những người lính đã ngã xuống, đã đổ máu xương để sống xứng đáng hơn, lương thiện hơn, để nhận diện đâu là giá trị cần được bảo vệ, những giá trị nào cần được nâng niu.
Xin dâng nén hương lên Mẹ ngày khải hoàn hôm nay!
Bích Diệp/DT