“Nên hợp pháp săn thú hoang dã” – tưởng vô lý nhưng lại cực kỳ đáng suy ngẫm
Một nghiên cứu tưởng như sẽ hút mưa gạch đá từ cộng đồng, nhưng nếu bạn đọc kỹ hơn sẽ thấy mọi chuyện không đơn giản chỉ là cấm được đâu.
Một trong những lý do đẩy các loài động vật hoang dã trên thế giới vào cảnh tuyệt chủng, đó là săn bắt. Con người ngày càng đông hơn, nhu cầu ngày càng lớn hơn, và điều này đã khiến nhiều loài vật trong tự nhiên không thể phục hồi kịp. Thậm chí, có loài rơi vào danh sách nguy cấp chỉ sau vỏn vẹn có vài chục năm.
Điều này đặc biệt đúng tại các quốc gia thuộc châu Phi – nơi vốn là mái nhà của vô số loài động vật hoang dã trên thế giới. Và cũng bởi vậy, nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm toàn bộ việc săn bắt động vật hoang dã.
Nhưng làm vậy liệu có đúng không? Cả thế giới bảo có, nhưng theo nghiên cứu mới đây của hơn 130 chuyên gia quốc tế thì không! Theo họ, việc cấm săn bắt để bảo tồn thú hiếm là một cách tiếp cận sai lầm!
Nghiên cứu gây tranh cãi, nghe vô lý mà rất đáng suy ngẫm
Nghiên cứu thực sự gây tranh cãi cực mạnh trong cộng đồng nếu như bạn chỉ nghe qua kết luận, nhưng mọi chuyện đều có nguyên do.
Trophy hunting: Săn tìm chiến phẩm – hình thức săn nhắm vào các loài vật hoang dã, sau đó chụp ảnh và giữ lại một bộ phận làm chiến phẩm.
Trên thực tế, ở những quốc gia châu Phi có cho phép săn thú hoang (trophy hunting) ở mức hạn chế, có nhiều vùng đất được sử dụng dành riêng cho hình thức săn này. Và việc săn bắt được quy định chặt chẽ bằng cách nào đó đã tạo ra một nghịch lý, khi nâng được tổng số lượng cá thể loài trên toàn địa cầu tăng lên. Điều này đã được xác nhận ở tê giác, sơn dương, cừu sừng to… và nhiều loài vật khác nữa.
“Nếu quản lý không tốt, săn bắt sẽ là nguyên nhân khiến số lượng thú tại địa phương sụt giảm. Nhưng nếu nếu sử dụng đất tốt hơn, thay đổi hình thức săn bắt, đây sẽ là giải pháp hiệu quả hơn so với việc cấm toàn bộ,” – các chuyên gia từ Khoa Động vật học của ĐH Oxford cho biết.
Nghiên cứu này được đưa ra sau khi Mỹ đang chuẩn bị thông qua đạo luật CECIL, trong đó cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến sư tử và voi từ nhiều quốc gia châu Phi, đồng thời hạn chế nhập khẩu các loài vật nằm trong danh sách bị đe dọa và đang nguy cấp. Úc, Pháp, Hà Lan… cũng đã thông qua đạo luật tương tự, trong khi Anh Quốc đang bị gây sức ép để chuẩn bị ra luật.
Không đơn giản chỉ là cấm
Cấm là điều tốt, và dường như nó sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn động vật. Tuy vậy các chuyên gia tin rằng việc này sẽ gây ra hiệu ứng ngược, vì khi đã cấm thì các khoản đầu tư cho người dân bảo vệ thiên nhiên cũng sẽ ít đi, từ đó khiến công việc bảo tồn trở nên khó khăn hơn vì người dân cảm thấy không còn động lực.
Hơn nữa, thu nhập của họ – những người vốn được xem là “nghèo thê thảm” – cũng ít hơn rất nhiều, trong khi các tour du lịch chụp ảnh thiên nhiên hoang dã để thay thế cũng không mấy hấp dấn du khách.
Điều này dẫn đến việc có thể chính người dân cũng sẽ đi săn trộm. Thực tế thôi, họ cần cứu lấy bản thân, cứu lấy gia đình của chính mình trước khi quan tâm đến một con thú to lớn có sừng nào đó.
“Cấm hay không, chúng ta cần các đánh giá với bằng chứng từ nhiều góc độ: xã hội, kinh tế, và hệ sinh thái,” – giáo sư Nils Bunnefeld từ ĐH Stirling (Scotland) cho biết.
“Săn thú, nếu được quản lý chặt chẽ, có thể mang lại những hiệu ứng tích cực cho số lượng các loài vật hoang dã, và cho cả đời sống người dân xung quanh.”
Giáo sư Bunnefeld cho biết trên thực tế, các loài như sư tử dễ gặp nguy hiểm nhất ở những khu vực không tổ chức săn bắt và chụp ảnh. Đó là những nơi săn bắt không quản lý, thậm chí là cấm săn, nhưng số lượng thú bị săn còn nhiều hơn.
Hơn nữa, đã cấm thì phải có người theo dõi, và khi quá tập trung vào nạn săn bắn, con người sẽ bỏ qua những yếu tố gây nguy hiểm lớn hơn cho động vật hoang dã là biến đổi khí hậu và nạn phá đất hoang làm canh tác của con người.
“Dù đây là giải pháp được cho là để cải thiện công tác bảo tồn, nhưng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế – IUCN – kêu gọi cần phải thực hiện nhiều bước xem xét, trước khi đưa ra quy định cấm hay không cấm săn thú.”
Tiến sĩ Jeremy Cusack từ ĐH Stirling bổ sung thêm: “Săn tìm chiến phẩm là hành vi phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, nhưng nếu được quản lý chặt chẽ, đó cũng là cách để con người và động vật hoang dã có thể cùng tồn tại trong dài hạn.”
Bạn nghĩ gì về điều này? Con người có nên cấm săn bắt thú, hay cần phải quản lý chặt để đưa ra một hiệu ứng tốt hơn?
Tham khảo: Science Alert